Không còn là chuyện xưa nay hiếm
Thực ra, chuyện quan chức dọa dẫm bị can, bị cáo, dùng tiền mua chuộc nhân chứng trong các vụ án, vụ việc gây chết người, hậu quả nghiêm trọng hiện nay không còn lạ lẫm đối với nhiều người. Nhất là những người hoạt động trong giới luật sư như chúng tôi. Theo tôi được biết, không ít người bỏ tiền ra mua chuộc hay dọa dẫm nhân chứng không chỉ vì mục đích cá nhân mà vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của cả tập thể. Tôi đã từng đi hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho rất nhiều người dân “dính” phải những trường hợp tương tự như vụ tiêm vác-xin dẫn đến đứa trẻ năm tháng tuổi tử vong ở Bạc Liêu. Chứng kiến những vụ việc này mới thấy sự xuống cấp về mặt đạo đức của một bộ phận quan chức hiện nay.
Thông thường, ở không ít địa phương, cứ mỗi khi có vụ việc sai phạm xảy ra, quan chức địa phương liền tìm mọi cách để bưng bít thông tin. Đầu tiên, họ “phối hợp” với các cơ quan đoàn thể khác xuống ngay gia đình nạn nhân dùng tiền để làm “công tác tư tưởng” và “mua sự im lặng”. Họ thường dùng từ “hỗ trợ” gia đình nạn nhân dù biết rằng việc làm của mình là hoàn toàn sai trái. Các quan chức sẵn sàng bỏ cả đống tiền ra chỉ mong muốn gia đình không viết đơn kiện tụng và không làm sáng tỏ sự việc đó. Tuy nhiên, khi gia đình không đồng ý “thương lượng” bằng tiền, lập tức họ quay sang “nắn gân”, doạ nạt. Thậm chí, các ngành còn liên minh với nhau để tạo sức ép, bắt gia đình đó rút đơn kiện và phải thương thảo với mình. Nhiều gia đình mong muốn tìm ra sự thật nhưng quá nhiều lần bị “khủng bố” nên đành nhắm mắt cầm số tiền đó. Bởi vì họ sợ rằng, vụ việc cũng đã xảy ra, nếu không cầm tiền thì cũng bị những quan chức kia bưng bít và thua kiện dẫn đến “mất cả chì lẫn chài”.
Luật sư Bùi Đình Ứng.
Sự việc sau đó chắc chắn chìm xuống như chưa có chuyện gì xảy ra và sự thật bị chôn vùi vĩnh viễn. Những thái độ, hành động đó gây bức xúc trong dư luận. Khi sai sót đã xảy ra, họ lại tiếp tục dùng cái sai để giải quyết. Nghĩa là họ càng dấn sâu vào sai lầm.
Có thể khởi tố hình sự
Thoả thuận phải dựa trên tinh thần tự nguyện Theo luật sư Ứng, tuỳ tính chất từng vụ việc, nếu là do lỗi khách quan, hai bên có thể thoả thuận với nhau và giải quyết theo hướng tình cảm nhẹ nhàng. Tuy nhiên, thoả thuận đó phải là sự nhất trí của hai bên, bình đẳng và đảm bảo được quyền lợi của những người không may chịu rủi ro. Còn những vụ việc có tính chất nghiêm trọng thì phải có sự can thiệp của pháp luật, xử lý đúng người đúng tội để răn đe cho những người khác. |
Theo quan điểm của tôi, quan chức hay người dân, tất cả đều là công dân và đều bình đẳng trước pháp luật. Vì thế việc cậy quyền, cậy thế để thoái thác trách nhiệm, thậm chí là đe dọa, lấn át với nạn nhân, người nhà nạn nhân là rất đáng lên án. Nhiều cơ quan chức năng vì nể nhau mà bưng bít thông tin cho qua mọi chuyện. Điều đó là rất là vô lý. Phải xử lý nghiêm, cán bộ công chức phạm luật cũng bị xử lý như những người dân bình thường.
Về mặt pháp lý, trong những trường hợp này, rất khó để có thể khởi tố những quan chức dùng tiền, quyền uy mua chuộc, đe dọa nạn nhân về mặt hình sự. Bởi vì, trong trường hợp vụ án đã được viện Kiểm sát truy tố thì hành động đe doạ, mua chuộc nhân chứng để làm sai lệch vụ án mới bị khép vào Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật (Điều 309, Bộ luật Hình sự).
Điều 309 trong Bộ luật Hình sự có quy định cụ thể: Người nào mua chuộc hoặc cưỡng ép người làm chứng, người bị hại khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, người giám định kết luận gian dối, người phiên dịch dịch xuyên tạc, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Dùng vũ lực, đe doạ hoặc dùng các thủ đoạn nguy hiểm khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Tuy nhiên, vụ tiêm vác-xin gây chết đứa trẻ 5 tháng tuổi ở Bạc Liêu, sự việc đúng sai như thế nào cần các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Tôi nghĩ rằng, chứng cứ về việc những người được cho là dùng 40 triệu đồng để “mua sự im lặng” của gia đình nạn nhân là rất mờ. Bên cạnh đó, khi vụ việc này chưa bị khởi tố hình sự thì không có đủ cơ sở để khẳng định những người kia có hành vi như Điều 309 Bộ luật Hình sự quy định. Nhưng, nếu không đủ cơ sở để khởi tố thì việc làm này cũng vi phạm nghiêm trọng đạo đức của người lãnh đạo. Chính vì vậy, khi phát hiện ra, các cơ quan chức năng cần phải bị xử lý nặng tay những “con sâu” này để làm gương.
Không được “mặc cả” với pháp luật!
Đó là lời nhận xét của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) trước không ít vụ việc quan chức có biểu hiện dùng tiền để mua sự im lặng, bưng bít thông tin. Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, trong mọi trường hợp, dù là ai, quan chức lớn cấp nào thì cũng phải giữ nghiêm các quy định của pháp luật, chứ không thể đem đồng tiền ra thay thế trách nhiệm được.
Thưa GS, thời gian vừa qua trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em tử vong sau khi tiêm vắc-xin. Điều khiến dư luận bất bình là nguyên nhân của các vụ việc lại chưa được làm rõ một cách thuyết phục. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?
Tiêm vắc-xin có xác suất rủi ro. Tuy nhiên, các vụ trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc-xin xảy ra quá dồn dập trong một thời gian ngắn khiến dư luận bất ngờ. Một khi các rủi ro xảy ra dồn dập trong một thời gian ngắn như vậy thì ngành y tế phải khẩn trương nghiên cứu, tìm ra kết luận để tránh những sự việc đáng tiếc lặp lại. Tôi nghĩ việc này không phải quá khó khăn.
Trong trường hợp ở Bạc Liêu, khi đưa ra nguyên nhân trẻ tử vong do sốc phản vệ thì các bác sỹ, nhà khoa học có trình độ cần nghiên cứu xem cơ chế sốc phản vệ xảy ra như thế nào, trường hợp nào có thể gây ra những tai biến nặng. Nếu chuyên gia trong nước không phân tích được thì phải tham khảo kinh nghiệm của quốc tê, bởi hoạt động tiêm vắc-xin là của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Khoa học phải giải quyết được những bất cập này chứ không thể để các trường hợp trẻ em tử vong xảy ra liên tiếp như vậy được.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.
Có nhiều ý kiến tỏ ra khá bức xúc khi nghe thông tin cơ quan y tế và công an đã chủ động đưa ra thỏa thuận để gia đình nạn nhân ở Bạc Liêu không đưa sự việc ra pháp luật. Cơ quan công an cần làm việc khách quan để tìm ra nguyên nhân cái chết của cháu bé nhưng cũng bắt tay vào việc thương lượng. Cách giải quyết này liệu có quá phi lý, thưa GS?
Tôi cho rằng, người nhà nạn nhân và bệnh viện – phía có trách nhiệm với tai nạn ấy thương lượng với nhau để giải quyết có lý, có tình thì là chuyện nên làm và có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, với những trường hợp có tính chất nghiêm trọng thì không thể giải quyết như vậy. Đặc biệt đối với những trường hợp chết không rõ nguyên nhân mà lại tìm cách “dập” đi bằng những thương lượng đền bù như vậy sẽ không thể giúp cho việc tìm ra nguyên nhân để đề phòng cho các trường hợp khác. Trong trường hợp này, cơ quan công an tham gia vào việc “mặc cả” với người nhà của nạn nhân là không đúng pháp luật.
Đã có không ít câu chuyện về việc quan chức dùng tiền và quyền để mua sự im lặng của người dân sau khi gây ra sai phạm. Chẳng hạn, có vị lãnh đạo khi gây tai nạn giao thông đã dùng quyền uy và tiền để sự việc lắng xuống hoặc tìm cách giảm nhẹ tội để cho hình ảnh của mình được đẹp. Theo ông, cần xử lý những đối tượng trên như thế nào?
Tôi cho rằng, trong những trường hợp rủi ro như tai nạn giao thông, nếu hai bên trao đổi với nhau mà có sự thông hiểu và đền bù thỏa đáng thì các cơ quan sẽ tùy từng trường hợp xem xét trách nhiệm đến đâu. Tuy nhiên, không phải cứ có tiền đưa ra là sẽ xóa hết được mọi lỗi lầm. Tai nạn xảy ra do sự bất cẩn của hai bên hoặc do lỗi kỹ thuật của xe thì có thể xem xét thỏa thuận; còn nếu do phóng nhanh vượt ẩu, say rượu bia... thì đền bù là một chuyện nhưng người có lỗi vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan thực thi pháp luật không thể bỏ qua những lỗi đó. Trong mọi trường hợp, dù là ai, quan chức lớn cấp nào thì cũng phải giữ nghiêm các quy định của pháp luật, chứ không thể đem đồng tiền ra thay thế trách nhiệm được.
Chân thành cảm ơn GS!
Văn Chương – Phạm Hạnh