5 người lớn xông vào trường đánh học sinh lớp 8
Ngày 2/11, anh Lê Xuân Quang (36 tuổi, ngụ tại thôn Cống Trúc, xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết, con trai anh là cháu Lê Xuân C. (học sinh lớp 8A Trường THCS Quảng Ninh, xã Quảng Ninh) vừa bị phụ huynh và 4 người thân của nữ sinh M.Q.H (học sinh lớp 8B Trường THCS Quảng Ninh) xông vào trường đánh.
“Cháu C. bị nhóm người dùng tay chân đánh vào vùng mang tai, sau gáy và đạp vào bụng. Khi gia đình tôi biết tin, đến trường thì cháu chỉ biết đứng khóc và nói bị nhóm người lớn đến đánh. Vì hành động hung hăng của nhóm người lớn trong môi trường giáo dục, nên gia đình tôi mới làm đơn trình báo công an xã để họ giải quyết”, anh Quang nói.
Ban giám hiệu đã mời phụ huynh và 2 học sinh này lên thì được biết giữa hai em có xảy ra xích mích. Trước đó, dì của em C. có đến trường dằn mặt, cảnh cáo nữ sinh H. Khi biết được sự việc này, gia đình nữ sinh kéo nhau đến trường và gây ra sự việc trên.
Xem thêm: Làm rõ vụ nam sinh lớp 8 bất ngờ bị 5 người lớn xông vào trường đánh
ĐBQH tranh luận về đề xuất giờ làm việc không sớm hơn 8h sáng
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đoàn Bình Định cho rằng, trên thế giới cũng như châu Á hầu hết các nước bắt đầu giờ học, giờ làm lúc 8h30 hoặc 9h.
Ông viện dẫn 1 khảo sát ý kiến của hơn 23.000 độc giả của một tờ báo trong nước về thời gian bắt đầu giờ làm việc, trong đó có 14% chọn 7h30, 33% chọn 8h và 53% chọn 8h30. Điều này cho thấy có nhiều sự ủng hộ đối với đề xuất đổi giờ học, giờ làm.
Chúng ta cần tiếp tục xem xét. Chúng ta đang dùng khung giờ làm việc của thời kỳ còn là nước nông nghiệp để áp vào các đô thị đang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch là không phù hợp.
Đi học, đi làm muộn, nghỉ trưa ngắn sẽ đem lại lợi ích về giao thông, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm và kỷ cương làm việc của công chức.
Bàn về đề xuất này, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết hiện quy định về giờ làm ở Trung ương do Thủ tướng quyết định, còn ở địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh quy định. Địa phương có thể điều chỉnh nếu thấy cần thiết.
“Chúng ta hay đi các nước để học hỏi kinh nghiệm, nhưng chỉ nên học hỏi những cái gì phù hợp, không phải nước ngoài họ làm thế nào là mình làm như thế”, ông Bùi Sỹ Lợi bày tỏ sự không hài lòng khi đại biểu Cảnh lấy ví dụ từ nước ngoài trong đề xuất này.
“Không nên khắt khe và phải quy định cứng trong luật việc thay đổi giờ làm, giờ học. Luật chỉ quy định ngày làm 8 tiếng, một tuần người lao động làm 40 giờ, còn việc giờ làm cụ thể thế nào thì linh hoạt địa phương theo điều kiện từng nơi họ sẽ quy định”, ông Lợi nhấn mạnh.
Bộ trưởng bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: “Bố trí giờ làm ở các cơ quan phải đồng bộ, giờ làm của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thể lệch giờ để tránh ùn tắc giao thông, chứ cùng trễ hoặc cùng sớm không giải quyết được.
Giờ giấc làm việc theo quy chế chung. Ví dụ phía Bắc là 8h nhưng phía Nam 7h hoặc 7h30 đã làm, tùy thuộc đặc điểm vùng miền. Thống nhất chung cả nước thì rất khó nên quy định vùng miền, thành phố lớn, có tính đặc thù.
Tăng giảm gì cũng theo Luật lao động. Hiện cán bộ công chức làm việc hơn 8 giờ, trưa không nghỉ, tối về muộn. Mục đích là chúng ta làm hết việc chứ không phải hết giờ làm.
Xem thêm: Đề xuất giờ làm việc không sớm hơn 8h sáng: “Đừng thấy nước ngoài làm gì là bê nguyên về Việt Nam”
Xử phạt 1,2 triệu đồng các xe không dán thẻ cố tình đi vào làn thu phí tự động không dừng
Ngày 1/11, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu kiểm tra, xử lý các phương tiện có hành vi vi phạm tại trạm thu phí khi bố trí làn thu phí tự động không dừng. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận, các phương tiện chưa chấp hành nghiêm đi theo biển báo phân làn cho loại xe của mình khi qua trạm, gây ùn tắc cục bộ, giảm năng lực thông xe cho các làn thu phí không dừng (ETC).
Phía Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự thảo của nghị định thay thế Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (chuẩn bị ban hành), trong đó quy định hành vi điều khiển xe chưa gắn thẻ đầu cuối đi vào làn đường dành riêng thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe 1-3 tháng. Nếu gây tai nạn giao thông, tài xế bị tước bằng lái xe 2-4 tháng.
Xem thêm:Sẽ xử phạt 1,2 triệu đồng các xe không dán thẻ cố tình đi vào làn thu phí tự động không dừng