Bên lề hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc vừa diễn ra, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) về định hướng các chương trình liên kết này.
Liên kết là xu thế tất yếu
Thưa ông, bộ VH,TT&DL đánh giá thế nào trước chuỗi hội nghị TP.HCM tổ chức ký kết phát triển với hàng loạt tỉnh, thành khác trong bối cảnh ngành du lịch đang vượt qua khủng hoảng?
Trong thời gian qua, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo sát sao, quan tâm đến ngành du lịch và các địa phương để vượt khó, thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhất là định hướng để đầu tàu kinh tế lớn như TP.HCM trong việc liên kết với các địa phương thực hiện các biện pháp kích cầu du lịch.
Càng có ý nghĩa hơn khi chuỗi hội nghị liên kết phát triển du lịch theo cách bền vững khi vừa tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành.
Một trong những trọng tâm mà các địa phương đều chú ý là dư địa phát triển du lịch. Như với TP.HCM, trong 13 chương trình trọng điểm có đề án về du lịch thông minh.
Quan điểm của cơ quan quản lý là gì đối với nội dung thỏa thuận liên kết này?
Hoạt động liên kết là xu thế tất yếu trong du lịch để tạo ra sức mạnh tổng hợp từ nguồn lực của mỗi địa phương đơn lẻ. Như triết lý phát triển của nhiều doanh nghiệp, muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau.
Điển hình như vùng Đông Bắc khi định vị lại, chúng ta đều tự hào vì mỗi địa phương đều có bề dày văn hóa và độ sộ về di sản, làm náo nức du khách trong nước và quốc tế khi nhắc đến.
Cá nhân tôi cũng như các đồng chí ở địa phương, từng làm việc tại cơ sở, cũng từng trăn trở khi đứng trước dư địa của địa phương mình trong lĩnh vực du lịch mà chưa có điều kiện để bứt phá phát triển. Cuộc sống ở vùng đất có nhiều di tích lịch sử cách mạng nhưng hoạt động du lịch chỉ theo đợt, theo vùng, theo mùa vụ.
Chúng tôi quan điểm rằng, không thể nóng vội, không thể cầu toàn nhưng cũng không thể chờ đợi. Phải đi đến một nhận thức chung. Bởi lẽ, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên muốn phát triển thì không thể bị bó hẹp trong khoảng cách địa giới hành chính.
Cần có người dẫn dắt và nhà đầu tư chiến lược
Liên kết để cùng phát triển không phải là mới mẻ mà đã được đề cập trong chương trình mang tầm vĩ mô. Nhưng vì sao dù có chủ trương, kế hoạch mà vẫn khó khăn khi liên kết?
Đó là do khâu tổ chức thực hiện. Liên kết không thể đi bằng nhau mà phải có vai trò dẫn dắt, trong đó người giữ vai trò trọng yếu, người làm nhiệm vụ hỗ trợ. Hiểu như thế không có nghĩa rằng tôi yếu thế nên chỉ làm phụ trợ. Chính cái phụ trợ đó sẽ tôn lên điểm nhấn, tạo động lực cho tác động đi lên.
Nói có vẻ là to tát, lý thuyết nhưng thử nhìn vào ví dụ homestay chẳng hạn. Bây giờ nhà nhà đồng bào dân tộc làm homestay thì sẽ na ná giống nhau, chưa có đột phá để thu hút du khách.
Nhưng nếu chỉ biến một bản của một huyện thành homestay, toàn tỉnh dồn sức làm thành điểm du lịch và xung quanh trở thành vùng phụ trợ để làm ra sản phẩm sẽ tạo ra sức mạnh tốt hơn, thể hiện tính bền vững văn hóa và hiệu quả kinh tế.
Nên chương trình liên kết phải xác định được địa phương nào giữ vai trò động lực, đâu là vùng phụ cận, sản phẩm tiêu biểu như thế nào,…Mỗi địa phương phải đúng vai của mình. Nếu không cẩn thận, nó sẽ triệt tiêu lẫn nhau. Có như thế chúng ta mới không đi chệch hướng mục tiêu tạo ra sức mạnh tổng hợp.
Trong việc liên kết, mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp cần được xác định ra sao?
Nhà nước kiến tạo còn tổ chức thực hiện là doanh nghiệp và nhân dân. Nếu chỉ cậy nhờ Nhà nước để đầu tư hạ tầng du lịch thì điều đó không bao giờ có.
Thực tiễn đã chứng minh, địa phương nào tìm được nhà đầu tư chiến lược sẽ hoàn thiện được sản phẩm du lịch. Những tập đoàn như SunGroup, VinGroup, FLC,… đi đến địa phương nào đều ít nhiều tạo ra thay đổi.
Lãnh đạo bộ VH,TT&DL thường hay ví von, nhiều địa phương loay hoay tìm nhà đầu tư, không chỉ trải thảm đỏ mà còn dồn hết tiền mua nước hoa, xịt thật thơm mà cũng không ai vào. Chúng ta không thể trách doanh nghiệp. Họ phải đến chỗ nào thuận lợi để làm trước.
Nhưng nếu lãnh đạo địa phương sốt ruột quá mà giật gấu vá vai, cho những nhà đầu tư chưa đủ tầm vào thực hiện dự án thì đến lúc nào đó sẽ không còn quỹ đất và dư địa để tìm được nhà đầu tư chiến lược.
Cảm ơn ông!
Cần đẩy mạnh kích cầu lẫn nhau
Dưới góc độ là một doanh nghiệp du lịch, bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh tập đoàn Sun World - Sun Group nhận xét, vùng Đông Bắc được đánh giá là khu vực sở hữu hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng bậc nhất cả nước, cả về tự nhiên lẫn các giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh.
Tuy nhiên, sức tăng trưởng du lịch vùng Đông Bắc mới chủ yếu tập trung ở những địa phương có lợi thế lớn về thu hút đầu tư du lịch như: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc…
Các tỉnh còn lại chủ yếu khai thác lợi thế tự nhiên, chưa có chiến lược đầu tư, phát triển du lịch quy mô, bài bản, nên hiệu quả về thu hút khách và doanh thu chưa cao.
Năm 2019, trong khi Quảng Ninh đón 14 triệu lượt khách thì Tuyên Quang mới đón được 1,94 triệu lượt khách, Bắc Giang đón 2 triệu lượt khách, Bắc Kạn đón trên 530 nghìn lượt khách.
Đặc biệt, mặc dù TP.HCM được xem là thị trường khách nội địa lớn nhất cả nước, song việc thu hút du khách đến từ thị trường này vẫn bị xem là điểm yếu của vùng Đông Bắc trong nhiều năm qua, do bất lợi về giao thông và thiếu sự liên kết giữa các địa phương để tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, chuyên nghiệp đủ hấp dẫn đối với du khách đến từ miền Nam.
Ngay cả khi đã có cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, du khách phía Nam cũng dường như chưa mặn mà lắm với việc du lịch việc du lịch Quảng Ninh hay các tỉnh Đông Bắc.
Hiện nay, tổng dân số của TP.HCM là gần 9 triệu người, chỉ cần khai thác được 1/3 số đó đến với Đông Bắc đã là một thành công vô cùng lớn cho du lịch toàn vùng. Và ngược lại, nếu TP.HCM khai thác được một phần nhỏ trong số dân đông đảo của Đông Bắc, chắc chắn lượng khách và doanh thu sẽ tăng trưởng cực kỳ ấn tượng.