Mở màn là thông báo của UBND phường Hạ Đình ngày 29/8, với nội dung về những biện pháp đề phòng và bảo vệ sức khỏe do tác động từ hậu quả của vụ cháy nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông.
Cụ thể, văn bản số 112 của UBND phường Hạ Đình thông báo về việc xử lý vệ sinh, khuyến cáo không sử dụng nước tại các bể chứa nước hở, không ăn thực phẩm nuôi, trồng trong bán kính 1km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày. Cần sơ tán trẻ nhỏ, người già, người ốm đau ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của cháy, thời gian sơ tán từ 1 - 10 ngày.
Sau vụ cháy còn tồn dư nhiều khói bụi, không khí nhiễm bẩn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân tại một số khu vực và cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn. Để hạn chế tác hại của khói bụi, các gia đình tự theo dõi sức khỏe của các thành viên, phải đưa đi khám tại các bệnh viện để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đồng thời, người dân thay toàn bộ quần áo có nhiễm khói bụi do cháy bằng cách giặt nước sạch nhiều lần. Sau đó, ngâm xà phòng nóng từ 70-80 độ C trong vòng 30 phút, ngâm tiếp 20 phút với nước tẩy quần áo, rồi xả sạch bằng nước sạch nhiều lần. Vệ sinh toàn bộ ngoại cảnh, thau rửa tất cả các vật dụng chứa nước, sinh hoạt có bám bụi bằng nước xà phòng đặc 2-3 lần, sau đó rửa lại bằng nước sạch nhiều lần. Tiêu hủy các loại rau, trái cây tự trồng trong vòng bán kính 500m.
Chiều 30/8, UBND quận Thanh Xuân thông tin kết quả kiểm tra nhanh từ trung tâm quan trắc Tài nguyên Môi trường, sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, bộ Y tế: các chỉ số thuỷ ngân, chì, kim loại nặng, vi khí hậu, bụi... được đo bằng máy test nhanh cho thấy các chỉ số đều trong ngưỡng cho phép, an toàn với người dân.
Ngay sau đó, UBND phường Hạ Đình đã ra quyết định thu hồi thông báo ngày 29/8 với lý do “không đúng thẩm quyền và chưa đủ cơ sở”.
Điều đáng nói, lãnh đạo viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường, bộ Y tế khẳng định, đến thời điểm đó, chưa đưa ra bất kỳ kết quả quan trắc thủy ngân nào như thông báo “an toàn” của UBND quận Thanh Xuân (?!)
TS. Nguyễn Đức Sơn, Viện phó viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho biết, ông “chưa có một văn bản nào” trả lời kết quả quan trắc môi trường sau vụ cháy trên. Phòng chuyên môn của Viện mới tiến hành lấy mẫu đất, nước, không khí tại trung tâm vụ cháy, các điểm cách vụ cháy 300m, 600m, chờ phân tích cụ thể.
Cũng trong chiều 30/8, ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo với các trường hợp nguy cơ cao hoặc có các biểu hiện nghi ngờ sau vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông có thể đến các cơ sở y tế, hay ở một số phòng xét nghiệm, viện Hóa học thuộc viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam, để chỉ định làm các thăm dò và xét nghiệm, chụp X-quang phổi, công thức máu, chức năng thận, men gan, nồng độ thủy ngân máu, thủy ngân trong nước tiểu thu gom trong 24 giờ.
Về khuyến cáo việc người dân không nên ăn thực phẩm trong vòng 1 km từ tâm vụ cháy, ThS.BS Nguyên lại cho rằng người dân không nên quá lo ngại, vì người dân ăn rau từ nơi khác mang đến, nước cũng nhà máy cung cấp nơi khác mang đến. Về hơi thở thì nay đã hết cháy rồi.
Tuy nhiên, sáng 31/8, bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị người dân không dùng thực phẩm, nguồn nước hở quanh đám cháy nhà máy Rạng Đông.
Theo đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe, người dân sinh sống quanh khu vực cháy cần thận trọng, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của ngành y tế.
Các hộ dân ở gần hiện trường vụ cháy cần tẩy rửa tường, sàn nhà, đồ gia dụng; không sử dụng nước từ các bể chứa hở, thau rửa bể; tạm thời không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ khu vực xung quanh cho đến khi các cơ quan chức năng công bố giới hạn về phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố cháy nổ trên.
Sau khi thống kê sản phẩm hàng hóa, vật tư bị thiệt hại trong vụ cháy các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tính toán lượng hóa các nguồn, chất gây ô nhiễm có thể phát sinh từ bóng đèn huỳnh quang, đèn compact để đưa ra được mức độ và phạm vi ô nhiễm môi trường, nếu có.
Kết quả quan trắc chất lượng không khí sau cơn mưa ngày 29 và 30/8 của sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đều ở mức bình thường, nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia. “Tuy nhiên, sự cố vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân”, bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá.
Sự bất nhất của các cơ quan chức năng khiến người dân không khỏi bối rối. Sau khi nhận được thông báo của UBND phường, với những khuyến cáo cụ thể về sức khỏe, môi trường, lại ngay lập tức thấy UBND quận thông tin “đảm bảo an toàn” và phường thu hồi thông báo.
Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng, viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường phản hồi rằng chưa có kết luận, chưa cung cấp thông tin về mức độ an toàn sau đám cháy như thông tin của UBND quận Thanh Xuân đưa ra. Người dân lại được phen hoang mang.
Tiếp đến, đại diện trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người có nguy cơ nhiễm độc cao đi kiểm tra, những trường hợp ở xa, nguy cơ thấp không cần quá lo lắng mà đi khám dồn dập. Còn về thực phẩm và môi trường sống xung quanh khu vực cháy, người dân không cần quá lo lắng.
Nhưng sau đó, bộ Tài nguyên và Môi trường lại cảnh báo người dân về việc sử dụng thực phẩm, nguồn nước hở quanh đám cháy nhà máy Rạng Đông.
Trước hàng loạt thông tin “hỗn độn”, người dân quanh khu vực biết nên tin ai, nghe ai? Điều cần thiết bây giờ là thông báo và kết quả nghiên cứu chính xác về nồng độ chất độc, nguy cơ tại khu vực xảy ra đám cháy vừa rồi.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam đánh giá cao phản ứng của UBND phường Hạ Đình khi đưa ra những khuyến cáo phù hợp với người dân. Khi sự cố cháy nổ hóa chất xảy ra, nguy cơ là có thật nên việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa như vậy là hợp lý. Sau đó trên cơ sở các quan trắc, phân tích tiếp theo, cơ quan chức năng cần đưa ra các khuyến cáo mới để người dân nắm được tình hình.
Chất lượng không khí xung quanh khu vực đám cháy có thể được cải thiện nhiều do những “trận mưa vàng” ngay sau đó, giúp giảm nguy cơ ngộ độc cấp tính do hít phải không khí có chứa chất gây ô nhiễm như thủy ngân. Tuy nhiên, nguy cơ ngộ độc mãn tính (ngộ độc về lâu dài) tăng lên khi chất gây ô nhiễm theo mưa đọng lại trên bề mặt đất, nước, nhà cửa, cây cối.
GS.TS Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng viện Hóa học, viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cho rằng, amalgam cùng với nhựa PC, các phụ gia trong đó nung ở nhiệt độ hàng nghìn độ như vậy không thể nói an toàn. Để kiểm tra mức độ tồn đọng thủy ngân, các chất độc trong môi trường, phải lấy mẫu không khí, đất và nước ở nhiều điểm khác nhau, rồi phân tích, chiết tách bằng các thiết bị hiện đại nhất, bằng phương pháp nhạy nhất. Số liệu cần làm các mẫu, số hóa lại và gửi cho các phòng thí nghiệm khác nhau, có đối chứng chéo với nhau. Ít nhất phải vài ba phòng thí nghiệm đầu ngành phân tích về thủy ngân thực hiện.