Khu rừng ngập mặn ven sông Lam có diện tích khoảng hơn 50 ha, nằm trải dài theo bờ sông khoảng 4km từ xã Hưng Hoà, Tp.Vinh đến địa phận huyện Nghi Lộc. Hàng ngày có nhiều người dân đi vào tán rừng ngập mặn này để mưu sinh bắt các loại thủy sản. Ảnh M.T.
Người dân nơi đây không biết rừng bần có tự bao giờ nhưng những cây bần cổ đã cắm rễ sâu đi vào lòng đất. Khu rừng tạo nên tường xanh bảo vệ làng mạc ven sông Lam. Nơi đây còn là môi trường sinh sôi của nhiều loại thủy sản mang lại nguồn lợi cho người dân trong vùng. Ảnh M.T.
Chị Trần Thị Lành, trú ở xã Nghi Thái chờ thời điểm nước rút để vào rừng bắt thủy sản. Những người vào đây mưu sinh chủ yếu bắt cua cá, tôm, ngao,....bằng tay chứ không dùng ngư cụ khác. Bắt đầu từ sáng sớm đến tầm 14h hàng ngày, chị Lành lội bùn bắt ngao mật.
Trung bình mỗi ngày chị có thể kiếm được 200.000-300.000 đồng. Nhiều hôm may mắn bắt được nhiều, thu nhập của chị có thể lên tới nửa triệu đồng. Ảnh M.T.
"Ở những vũng nước nhỏ, mặt bùn dễ bắt thủy sản hơn. Tôi chủ yếu đi bắt ngao mật ở khu rừng này. Tuy nhiên, chúng tôi phải trang bị 5 đôi tất chân để lội xuống để tránh giẫm phải mảnh sành cứa vào chân. Việc đi tất sẽ dễ di chuyển hơn đi ủng bảo hộ", chị Lành chia sẻ. Ảnh M.T.
Nhiều người chọn ngâm mình làn nước đục ngầu, dùng tay để bắt những con cá bống hay cua, tôm ở khu vực nước cạn. Với chiếc nón, mũ rộng vành, họ ngậm chiếc giỏ tre vào miệng ngâm mình để mò bắt cá, tôm,…Ảnh M.T.
Công việc của những người này khá vất vả khi phải ngâm mình trong nước thời gian dài. Mỗi ngày, họ có thể bắt được 1,2-2 kg cá các loại. Ngoài cá tôm, họ còn mò được cua thịt, bán được từ 300.000 - 500.000 đồng. Ảnh M.T.
Phụ nữ chọn nơi nước trũng thấp để bắt thủy sản bằng tay thì những người đàn ông chọn khu vực cống nước để quăng lưới bắt cá. Với mực nước cao hơn, chảy liên tục, khu vực cửa cống tập trung nhiều cá rô phi, cá gáy...Ảnh M.T.
Điều đặc biệt, những người dân ở đây không sử dụng kích điện, lưới bát quái để khai thác thủy sản. Họ khai thác bằng tay hoặc dụng cụ thô sơ để vừa bảo vệ được rừng, bảo vệ nguồn sinh sôi của thủy sản, vừa có nguồn thu nhập bền vững.