Phát biểu thảo luận về chủ đề Chương trình giáo dục phổ thông tại hội thảo giáo dục năm 2017 do ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH) tổ chức hôm nay (22/9), GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nêu “Nghị quyết 88 của QH yêu cầu: “Chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh.
Lần đầu tiên, chương trình giáo dục phổ thông không quy định số tiết dành cho mỗi môn học và hoạt động giáo dục trong từng tuần mà chỉ quy định thời lượng trong một năm, dành quyền cho cơ sở giáo dục tự sắp xếp thời khóa biểu.
Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu từng bước áp dụng các thành tựu của khoa học đo lường, đánh giá trong giáo dục, xếp loại học sinh ở cơ sở giáo dục và sử dụng kết quả đánh giá trên diện rộng làm công cụ kiểm soát chất lượng đánh giá ở cơ sở giáo dục, hỗ trợ mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực người học của chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Tham luận tại Hội thảo, ông Phạm Văn Hùng bày tỏ băn khoăn, chương trình giáo dục phổ thông mới có nội dụng dạy về giáo dục kinh tế pháp luật trong môn tích hợp, nhưng chúng ta lấy đâu giáo viên dạy môn này.
Triển khai môn học tự chọn trong điều kiện giáo viên, sân bãi, dụng cụ tập luyện thiếu thốn nên cơ hội lựa chọn của học sinh sẽ không nhiều. Giải pháp trong dự thảo đưa ra là phối hợp với các trường nhưng đó là ở thành phố. Các trường ở vùng nông thôn, miền núi cách xa nhau hàng chục cây số thì làm sao có thể phối hợp.
Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh, thiếu cơ sở vật chất, giáo viên đang là vấn đề nan giải đối với việc triển khai chương trình. Các khó khăn này có thể giải quyết tốt nhưng khó giải quyết nhanh được.
Ông Hùng kiến nghị tùy thuộc từng trường mà có lộ trình cụ thể. “Bộ phải quan tâm đặc biệt đến đào tạo đội ngũ giáo viên, tiến hành khảo sát lại toàn bộ để có phương pháp đào tạo phù hợp. Đặc biệt là ngoại ngữ. Đề nghị dừng đào tạo giáo viên tiểu học ở hệ cao đẳng, đã đến lúc giảm sĩ số học sinh trên lớp. Đề nghị lùi thời gian triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới để tiến xa hơn.
Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định thành công cho chương trình đổi mới. Bộ đã có ban chỉ đạo bồi dưỡng giáo viên, thực hiện chương trình giáo dục sư phạm, đang quy hoạch lại các trường sư phạm.
GS.Trần Ngọc Thêm cho rằng, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn còn chung chung, chưa dựa trên các cơ sở khoa học sâu.
“Chúng ta lẫn lộn thứ cần mở, chúng ta đóng nhưng thứ cần đóng chúng ta lại mở. Tôi ví dụ như Mỹ họ xếp hạng PISA không cao nhưng giải Nobel họ rất nhiều. Còn ta xếp hạng PISA cao nhưng không có giải Nobel nào cả. Tôi cảm giác chúng ta mới có tư duy đối phó, chỉ chú ý tới những mục tiêu trước mặt, chứ không có tầm nhìn dài”, GS.Trần Ngọc Thêm nói.
Đỗ Thơm