Doanh nghiệp vận tải trong “bão giá” xăng dầu
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tác động tăng giá nhiên liệu đến giá vận tải của các lĩnh vực gồm hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy.
Theo số liệu của Bộ GTVT, giá xăng dầu đã tăng 27% so với đầu năm và 50% so với giá xăng bình quân năm 2021.
Chi phí nhiên liệu thường chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí vận tải (bình quân 35 - 50% tùy theo phương thức vận tải và giá nhiên liệu đầu vào) nên việc giá xăng dầu tăng tạo áp lực rất lớn đến hoạt động vận chuyển hàng hóa và hành khách trên cả nước.
Đối với vận tải đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 35% chi phí hoạt động nhưng với giá xăng dầu hiện nay, chi phí này lên tới 40 - 45% (tăng khoảng 10% so với trước đây). Do đó, các doanh nghiệp vận tải đường bộ có xu hướng đề xuất điều chỉnh giá cước vận tải ngay khi giá nhiên liệu đầu vào thay đổi.
Thống kê cho thấy, khoảng 80-90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng giá cước vận tải để bù đắp chi phí nhiên liệu với mức tăng từ 10-15%. Giá cước vận tải hàng hóa cũng tăng từ 7-10%.
Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao vì chi phí tăng, vắng khách, thu không đủ chi.
Ghi nhận của báo Dân tộc và Phát triển, hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 12 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) vận tải hành khách theo tuyến cố định, với tổng cộng hơn 160 xe và 12 doanh nghiệp vận tải taxi, với khoảng 270 xe. So sánh với thời điểm năm 2020, số lượng xe đã giảm khoảng 30% đối với tuyến cố định và 50% đối với taxi. Trong đó, một đơn vị đã thông báo giải thể và 2 đơn vị tạm ngừng hoạt động…
Nhiều ngày nay, nhà xe Hường Dương chuyên chạy tuyến nội tỉnh đã rơi vào cảnh thưa khách, thua lỗ. Anh Trần Mạnh Hường, chủ nhà xe cho biết, trung bình mỗi chuyến xe phải tốn nhiều chi phí như: Xăng, dầu xe, tiền ăn uống, tiền công cho tài xế, phụ xe,... Giá xăng ngày một cao nhưng chi phí thì không hề giảm.
“Chưa bao giờ khó khăn như lúc này. Từ Tết đến giờ, hầu như chạy xe không, tôi còn phải cắt bớt lái và phụ xe, tự mình làm để đỡ chi phí, cố gắng duy trì tuyến, chuyến hằng ngày để giữ khách”, anh Trần Mạnh Hường chia sẻ.
Ông Đinh Tuấn Đồng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Đồng Đội cho biết: “Mỗi lần thay đổi giá thì đồng thời cũng phải điều chỉnh về thiết bị, đồng hồ, các công thức tính, bảng báo giá dán trên xe… rất tốn chi phí, mà tăng quá nhiều và thay đổi liên tục thì lại ảnh hưởng đến khách hàng, đường nào cũng khó”.
Đối với vận tải đường sắt, theo kế hoạch năm 2022 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tỉ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chỉ chiếm 21,5%. Nhưng do giá nhiên liệu tăng, hiện nay tỉ lệ này đã lên đến 29% và làm tăng chi phí vận tải lên 15 - 20% so với kế hoạch ban đầu. Dù vậy, giá vé tàu hỏa vẫn giữ ổn định so với trước thời điểm biến động giá nhiên liệu nhằm thu hút khách đi tàu, chỉ tăng cước chở hàng bằng tàu hỏa từ 3 - 5%.
Với đường thủy nội địa, chi phí nhiên liệu hiện nay đang chiếm khoảng 45 - 50% chi phí vận tải và 32 - 35% giá dịch vụ vận tải. Để bù đắp cho mức tăng của giá nhiên liệu, giá dịch vụ vận tải đường thủy nội địa đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Với vận tải biển, giá nhiên liệu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng chi phí, khoảng 35 - 45%. Giá cước vận tải biển quốc tế đã tăng từ cuối năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát và đạt đỉnh vào tháng 9/2021 rồi giảm dần. Đến thời điểm này, hầu hết các hãng tàu chưa tăng giá cước vận tải theo giá nhiên liệu. Dù vậy, có một số hãng tàu đã tăng phụ thu giá nhiên liệu từ tháng 3/2022 (như hãng tàu Yangming, hãng tàu SITC). Tuy nhiên, giá nhiên liệu tăng cao và kéo dài có thể sẽ tác động đến giá cước vận tải biển trong thời gian tới.
Đối với hàng không, hiện chi phí nhiên liệu chiếm tỉ trọng khoảng 30 - 42% tổng chi phí chuyến bay của các hãng. Do giá nhiên liệu máy bay Jet A1 tăng cao, các hãng hàng không đã đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa.
Đề nghị miễn giảm thuế, phí
Để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn này, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai một số nội dung sau:
Bộ Tài chính xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách miễn, giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt; phí ra, vào vùng nước cảng biển, cảng thủy nội địa; đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
UBND các địa phương xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách miễn, giảm phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển; phí đậu, đỗ đón khách tại nhà ga, bến cảng.
Bộ GTVT xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách giá dịch vụ liên quan đến hoạt động hàng không nhằm hỗ trợ các hãng hàng không.
Bộ GTVT đề nghị các bộ, ngành triển khai có hiệu quả các gói phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 11 ngày 30/1/2022 của Chính phủ và Công điện số 291 ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên doanh nghiệp vận tải tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ.
Minh Hoa (t/h theo TTXVN, Tuổi Trẻ, Dân tộc và Phát triển)