Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2017, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam tăng 40% so với cùng kỳ. Riêng tháng 2 vừa qua, nước ta nhập khẩu khoảng 9.000 ô tô nguyên chiếc, tăng 80% so với cùng kỳ.
Số lượng xe nhập có xu hướng tăng mạnh, nhưng giá bình quân lại giảm, trung bình khoảng 17.000 USD/chiếc, thấp hơn hẳn so với giá trị trung bình cùng kỳ là hơn 20.000 USD/chiếc. Trong đó, số lượng xe nhập từ ASEAN chiếm tỷ lệ lớn.
Tới 2018, khi thuế nhập khẩu về mức 0% là điều kiện để xe nhập khẩu từ ASEAN tràn vào Việt Nam. Theo nhận định từ bộ Công Thương, dường như các tập đoàn ô tô đã có kế hoạch tăng sản lượng tại Indonesia và Thái Lan để xuất khẩu sang Việt Nam.
Theo thông tin mới nhất PV nhận được từ bộ Công Thương, bộ này sẽ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới.
Tổ công tác sẽ tập trung vào đánh giá cơ hội và khó khăn, thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô Việt Nam từ thời điểm năm 2018 trở đi (đặc biệt là khi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA - Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giảm về 0% đối với xe ô tô nguyên chiếc).
Phía bộ Công Thương cũng dự báo, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn ô tô hóa trong thời gian tới, đây là cơ hội cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô của nước ta, góp phần tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của người dân, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với hệ thống hạ tầng giao thông và môi trường của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như tỷ lệ nội địa hóa còn thấp chưa đạt như mong muốn, mục tiêu đã đề ra; giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô còn cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực…
Nhiều doanh nghiệp trong nước lo ngại việc ô tô ASEAN tràn vào khi thuế nhập khẩu về 0%. Không chỉ vậy, từ 2018, thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống giảm còn 35% và dung tích 1.5L-2.0L giảm xuống còn 40%.
Khi đó, xe nhỏ nhập khẩu từ ASEAN sẽ được hưởng lợi cả giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu. Vì vậy, sức ép cạnh tranh sau năm 2018 đối với các doanh nghiệp nội là rất lớn.
Mới đây, bộ Công Thương đã phác thảo một số giải pháp để thúc đẩy công nghiệp ô tô trong nước. Theo đó, sẽ tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô, như khuyến khích sử dụng xe nội, bảo hộ hợp lý thị trường ô tô trong nước,...
Bên cạnh việc dựng các hàng rào kỹ thuật là các biện pháp chống gian lận thương mại như kiểm soát chặt việc khai báo giá tính thuế, gian lận tỷ lệ nội địa hóa, mức 40% nội khối ASEAN nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan. Đặc biệt, kiên quyết không cho nhập ô tô kém chất lượng nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Vũ Phương