Kinh doanh, chăn nuôi heo: Những con số và giải pháp ổn định thị trường

Kinh doanh, chăn nuôi heo: Những con số và giải pháp ổn định thị trường

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 6, 27/08/2021 18:00

Bức tranh toàn cảnh cho thị trường kinh doanh, chăn nuôi heo đang như thế nào?

Vận chuyển khó khăn, người chăn nuôi khốn đốn  

Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết, hoạt động kinh doanh heo hơi tại địa phương đã thua lỗ nặng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại các địa phương phía Nam từ cuối tháng 5/2021 đến nay.

Sức tiêu thụ thịt heo trên thị trường giảm mạnh cùng với việc vận chuyển, giết mổ khó khăn khiến một số trại heo chấp nhận bán lỗ, bán tháo.

Ông Trần Văn Thắng, người chăn nuôi heo tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Khi có thông tin Tp. Hồ Chí Minh siết chặt giãn cách xã hội từ ngày 23/8, nhiều người chăn nuôi heo ở Đồng Nai lo ngại giá heo giảm mạnh trong thời gian tới nên đã bán gấp và giá tại trại còn 46.000-48.000 đồng/kg, giảm thêm 4.000 đồng/kg so với trước đó”.

Kinh tế vĩ mô - Kinh doanh, chăn nuôi heo: Những con số và giải pháp ổn định thị trường
Giá heo hơi xuất chuồng tại Đồng Nai và các tỉnh phía Nam đã giảm mạnh do khó khăn vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa.

Còn ông Trần Quang Trung, người chăn nuôi heo ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai lo lắng: “Giá heo xuất chuồng vẫn trên đà giảm tiếp do sức tiêu thụ ở các kênh bán lẻ gặp khó khăn, không biết nên bán tháo hay tiếp tục nuôi. Nhiều hộ nấn ná, giữ heo nuôi tiếp khiến trọng lượng mỗi con tăng lên đến 150-200 kg, vượt trọng lượng chuẩn 100 kg/con nên rất khó bán, thương lái ép giá thê thảm".

Theo đại diện hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo xuất chuồng đã giảm liên tục, từ mức hơn 70.000 đồng/kg vào tháng 5 xuống còn 54.000-56.000 đồng/kg vào đầu tháng 8 và thời điểm hiện tại chỉ ở mức 50.000-52.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá thành chăn nuôi heo thời gian qua tăng khá cao, chi phí lên tới hơn 60.000 đồng/kg do giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y tăng khoảng 35%.

Với giá thành chăn nuôi khoảng 7 triệu đồng/con heo 100 kg và giá xuất bán khoảng 5 triệu đồng, người chăn nuôi bị lỗ 2 triệu đồng/con heo.

Ông Âu Thanh Long, Phó Chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ nhìn nhận: “Chuỗi cung ứng bị đứt gãy là nguyên nhân chính khiến gia súc, gia cầm phải "nằm" chuồng, không tiêu thụ được”.

Giá tại Long An, Đồng Tháp đang ở mức tốt nhất khu vực, đạt 70.000 đồng/kg, trong khi Vĩnh Long có giá 65.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại như Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Cà Mau … giá phổ biến ở mức 67.000 – 69.000 đồng/kg.

Thịt heo bán lẻ: Giá cao không đổi

Tuy nhiên, ghi nhận của Người Đưa Tin tại một số siêu thị, chợ truyền thống tại Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt bán lẻ với giá cao.

Cụ thể, các chợ Thới An và chợ Hiệp Thành tại quận 12 đều có mức bán thịt heo dao động từ 140-160.000 đồng/kg. Tiểu thương bán thịt tại chợ này cho biết, chi phí vận chuyển đang cao khiến giá thịt heo bán lẻ gần như không thay đổi trong 3 tháng qua.

Chị Nguyễn Thị Mười, tiểu thương tại chợ Thới An nói: “Để được phép buôn bán tại chợ, chúng tôi phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 mỗi tuần 2 lần. Tính toán hết các chi phí thì mỗi con heo phải chịu thêm khoảng 1 triệu đồng/tuần trong số người đi chợ giảm 30%. Nếu giảm giá bán thì tiểu thương lỗ vốn, chưa kế hao hụt”.

Kinh tế vĩ mô - Kinh doanh, chăn nuôi heo: Những con số và giải pháp ổn định thị trường (Hình 2).
Giá thịt heo bán lẻ vẫn không giảm dù giá heo hơi đã giảm sâu khiến người tiêu dùng chịu thiệt.

Tại hệ thống cửa hàng, siêu thị của Saigon Co.op, giá thịt heo bán lẻ cũng tương đương. Ngày 25/8, mỗi kg cotlet có giá 133.000 đồng. Chân giò heo có giá 122.000 đồng/kg. Sườn heo 145.000 đồng/kg. Thịt đùi heo 152.000 đồng/kg. Thậm chí, thịt ba rọi lên đến 189.000 đồng/kg.

Về phía người tiêu dùng, chị Trần Thị Lan Hà, ngụ quận Tân Phú, giảng viên một trường đại học cho rằng: “Giá thịt heo bán lẻ cần giảm thêm nữa mới tương xứng với mức giảm của giá heo hơi”.

Theo chị Hà, thời điểm tháng 6/2020, giá heo hơi ở mức cao chưa từng có là khoảng 105.000 đồng/kg nên giá thịt bán lẻ đạt mức từ 180-200.000 đồng/kg.

“Hiện nay, khi giá heo hơi giảm gần một nửa thì mức giá bán lẻ nên giảm về 100-120 nghìn đồng/kg. Dịch bệnh khiến ai ai cũng khó khăn. Không thể viện lý do đó mà giữ giá bán lẻ ở mức cao”, chị Hà phân tích.

Lo ngại dịch tả heo diễn biến phức tạp

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 của bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, từ nay đến cuối năm, dịch tả heo châu Phi còn xảy ra ở một số địa phương và những nơi dịch đã được khống chế vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại.

Từ ngày 15 - 22/7 tại tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận dịch tả heo châu Phi ở 5 hộ chăn nuôi thuộc thôn 2, thôn Gia Lành, thôn Phú Hiệp 1 và thôn Phú Hiệp 3 thuộc xã Gia Hiệp, huyện Di Linh.

Tổng số heo mắc bệnh là 54 con, gồm 6 heo nái, 34 heo thịt và 14 heo con. Toàn bộ số heo này đã được tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm và tiêu hủy nhằm tránh lây lan dịch bệnh.

Đại diện sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng nhận định, tình hình dịch tả heo châu Phí tại các vùng chăn nuôi trong tỉnh Lâm Đồng hiện đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan rất cao trên diện rộng, nên cần tăng cường các biện pháp tiêu độc khử trùng, phát quang bụi rậm, vệ sinh chuồng trại...

Còn theo UBND huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, trong tháng 7, trên địa bàn huyện đã xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi tại hộ chăn nuôi thuộc xã Bình Mỹ.

UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng kịp thời xử lý, tiêu hủy 8 con heo mắc bệnh, đồng thời thực hiện các biện pháp khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi.

Tại Bình Phước, sau khi phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi tại 2 hộ chăn nuôi thuộc thôn 3, xã Thiện Hưng, lực lượng thú y huyện Bù Đốp đã tiến hành kiểm tra lấy mẫu và tổ chức tiêu hủy số heo nhiễm bệnh vào ngày 20/7.

Trong khi chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao… sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước sau khi sản lượng thịt gia súc tăng trong 6 tháng đầu năm.

Tính đến hết tháng 6/2021, sản lượng thịt heo xuất chuồng đạt 2.002,2 nghìn tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo đến cuối năm, sản lượng thịt lợn đạt khoảng 884 nghìn tấn, tăng 4,5%.

Bài toán nhập khẩu cân đối thị trường

Trong khi nguồn cung thịt heo trong nước đang hồi phục thì số lượng thịt heo nhập khẩu vẫn ở mức cao. Báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 80.850 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh trị giá 187,13 triệu USD, tăng 154,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 33.860 tấn, trị giá 93,38 triệu USD, tăng tới 414,1% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Kinh tế vĩ mô - Kinh doanh, chăn nuôi heo: Những con số và giải pháp ổn định thị trường (Hình 3).
Chuỗi cung ứng, giết mổ, phân phối thịt heo bị ảnh hưởng bới dịch bệnh đã tác động đến giá bán.

Từ năm 2019, dịch tả heo châu Phi ở Việt Nam bùng phát khiến giá heo hơi trong nước tăng cao. Nhằm hạ nhiệt giá lợn trong nước, Việt Nam bắt đầu tăng nhập khẩu heo để cân đối cung cầu. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam nhập khẩu hơn 141.000 tấn thịt lợn tươi, ướp hoặc đông lạnh, trị giá 334,44 triệu USD, tăng tới 382% so với năm 2019.

Điều đáng nói, giá thịt heo nhập khẩu chỉ bằng một nửa giá trong nước, dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg nên có thể dần thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

Một số doanh nghiệp kinh doanh thịt heo bán lẻ lo ngại, nếu không có chính sách điều tiết phù hợp sẽ ảnh hưởng đến thị trường chăn nuôi, giết mổ thịt heo trong nước.

Biến động kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh doanh nghiệp chăn nuôi heo có quy mô lớn, 5 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất là Tổng Công ty Chăn Nuôi Việt Nam, công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), công ty CP Chăn nuôi Mitraco và công ty CP Masan MEATLife.

Tổng công ty Chăn Nuôi Việt Nam đạt doanh thu 6 tháng đầu năm là gần 1.413 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế đạt 142,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,2% và 22,3% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành gần 126% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.

Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) trong nửa đầu năm 2021 đạt doanh thu hơn 5.070 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới 22,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 578 tỷ đồng.

Riêng trong quý II/2021, DBC có doanh thu 2.596,4 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh 46,5% so với cùng kỳ, xuống còn khoảng 215 tỷ đồng.

Kinh tế vĩ mô - Kinh doanh, chăn nuôi heo: Những con số và giải pháp ổn định thị trường (Hình 4).

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn ghi nhận kết quả kinh doanh có sự khác nhau rõ rệt.

Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) ghi nhận doanh thu trong quý II/2021 đạt 1.122,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 39 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 5,8% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt gần 2.323 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 76,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 13,5% và gần 13% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với công ty CP Chăn nuôi Mitraco, mặc dù doanh thu 6 tháng đầu năm tăng trưởng 14% so với cùng kỳ, đạt 226,5 tỷ đồng nhưng giá vốn bán hàng tăng cao đã khiến lợi nhuận sau thuế giảm một nửa, chỉ đạt 27,8 tỷ đồng.

Còn công ty CP Masan MEATLife lội ngược dòng với kết quả kinh doanh khởi sắc với mức doanh thu đạt hơn 10.232 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021, tăng hơn 42% so với 7.202 tỷ đồng nửa đầu năm 2020.

Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ sự cải thiện hiệu quả chung khi tích hợp nhiều mảng kinh doanh. Trong đó, doanh thu mảng thịt heo là 1.438 tỷ đồng, tăng 36,3% và doanh thu thức ăn chăn nuôi 8.164 tỷ đồng, tăng trưởng 32,8%. Lãi ròng lũy kế hơn 288 tỷ đồng, gấp gần 3,4 lần cùng kỳ năm ngoái.

Ổn định thị trường khi giãn cách xã hội

Báo cáo ngày 24/8 của tổ công tác 970 (tổ công tác phía Nam của bộ NN&PTNN) cho biết, nguồn cung sản phẩm chăn nuôi vẫn duy trì đa dạng và không có biến động tại các tỉnh Đông Nam Bộ như Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.

Tổng sản lượng thịt heo của khu vực Nam Bộ khoảng 4.200 tấn/ngày. Sau khi cân đối nhu cầu nội tỉnh, các địa phương có nguồn cung lớn, ổn định là Đồng Nai 1.000 tấn/ngày, Bình Dương 415,5 tấn/ngày, Bình Phước 386,4 tấn/ngày.

Lượng heo cung cấp cho Tp.Hồ Chí Minh hiện nay trung bình một ngày khoảng 6.300/10.000 con, giảm 37% so với trước dịch Covid-19.

Thành phố có 9/13 cơ sở giết mổ đang hoạt động, trung bình mỗi ngày giết mổ khoảng 3.700/6.500 con, giảm 43% so với trước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, khiến số lượng thịt heo cung cấp cho thành phố giảm khoảng 37%.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.