Chiều 15/11, bác sĩ Trương Văn Huy, Trưởng khoa Đông y của một bệnh viện ở TX.Điện Bàn, Quảng Nam cho biết vừa xử lý thành công con sán xơ mít có chiều dài gần chục mét kí sinh trong cơ thể một thanh niên 17 tuổi.
Theo người nhà bệnh nhân cho hay, N.C.K (17 tuổi, ở Tiên Thọ, H.Tiên Phước, Quảng Nam) vào bệnh viện với triệu chứng đau bụng từng cơn 2 tháng nay, đi ngoài ra từng đốt sán dài khoảng 2-3cm như đầu đũa khoảng 6 tháng nay. Bệnh nhân có dùng thuốc tây ra từng đoạn dài 1-2m nhưng không hết hẳn, sau đó chuyển vào bệnh viện để điều trị.
Sáng 15/11, vào khoảng 10h, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.C.K trong tình trạng mệt mỏi, đau bụng dữ dội và buồn nôn.
Qua khám và xét nghiệm phân, các bác sĩ ở khoa Đông y chẩn đoán bệnh nhân nhiễm sán xơ mít nên tiến hành cho K. uống thuốc xổ bằng phương pháp hạt cau, bí đỏ cùng các loại thuốc khác.
Sau hơn 1 giờ uống thuốc xổ, Kh. đi ngoài ra một con sán xơ mít dài gần chục mét. Ngay sau đó đầu sán xơ mít đã được cắt bỏ để đưa đi xét nghiệm.
Bác sĩ Huy cho biết: “Đây là ca bệnh nhiễm sán xơ mít thứ 12 của năm 2018. Riêng năm 2017 bệnh viện đã xử lý 16 ca. Nguyên nhân mắc bệnh sán xơ mít là do ăn đồ tươi sống, nhất là thịt bò”.
Sau khi xổ sán xơ mít, hiện sức khỏe K. đã hoàn toàn bình phục và có thể làm thủ tục xuất viện về nhà.
Sán dây trưởng thành sống ở ruột non của người, thời gian ủ bệnh khoảng 8-10 tuần. Đối với bệnh sán dây trưởng thành, khi người ăn phải thịt lợn, bò (hoặc trâu, lạc đà, cừu, dê, ngựa, thỏ, chó, mèo) có ấu trùng sán chưa chết, môi trường ruột non thích hợp cho ấu trùng phát triển, sau 3 tháng con sán trưởng thành hoàn toàn. Sau khoảng 10 tuần, sán trưởng thành sống trong ruột non của người, những đốt sán già tự rụng theo phân bài tiết ra ngoài.
Phong Linh (tổng hợp)