Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, liên tục xảy ra mưa lớn kéo dài, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo các huyện, chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.
Tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, có báo cáo tình hình thiệt hại do bão số 2.
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn xảy ra mưa lớn, gió mạnh kéo dài.
Theo thống kê của Ban phòng chống thiên tai huyện, tại xã Tê Xăng có một căn nhà dân bị tốc mái, một mương thủy lợi bị đứt gãy, khu kè tái định cư tại thôn Tân Ba bị sạt lở, một số công trình giao thông bị hư hỏng.
Tại xã Tu Mơ Rông, vườn cà phê 2 năm tuổi của người dân với diện tích 1,5ha bị gãy đổ, một số tuyến đường bị sạt lở.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết: "Chịu ảnh hưởng của bão số 2, trên toàn huyện bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Với những hộ gia đình bị tốc mái nhà, huyện đã chỉ đạo lực lượng của xã bố trí lực lượng phối hợp với người dân sửa sang lại nhà cửa đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Với những hộ có hoa màu bị thiệt hại, huyện đã cho thống kê mức độ thiệt hại để có phương án hỗ trợ người dân".
Theo ông Mạnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện đã chỉ đạo UBND xã Tê Xăng tổ chức cắm cọc cảnh báo tại vị trí bị sạt lở, hư hỏng để đảm bảo an toàn cho người dân và các phương tiện khi tham gia giao thông trên tuyến đường. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo UBND các xã huy động lực lượng xung kích hướng dẫn và hỗ trợ giằng néo nhà cửa, khắc phục những thiệt hại nhỏ.
UBND các xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá và đề xuất biện pháp khắc phục do thiên tai gây ra.
Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã tăng cường công tác phòng, chống lũ bão, bám sát địa bàn được phân công để kịp thời chỉ đạo ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới.
UBND các xã theo dõi tình hình diễn biến thời tiết, kịp thời thông báo cho nhân dân phòng tránh, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra các điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra thiên tai, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân trước khi có tình huống xảy ra.
Xem thêm: