Mối nhân duyên với văn hóa Ê Đê
Tiếp chúng tôi trong căn nhà dài truyền thống của người Ê Đê, chị Nguyễn Hải Yến (SN 1986), trú buôn Emấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm 1991, cả gia đình chị từ Cao Bằng vào xã Ea Wy, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp. Đến vùng đất đỏ bazan đầy nắng gió, chị không chỉ bị lôi cuốn bởi cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, mà còn tò mò về những nét văn hóa của người đồng bào dân tộc Ê Đê nơi đây.
Chị Yến mê mẩn với căn nhà sàn truyền thống của người Ê Đê vì mỗi lần có thêm một cô gái trong gia đình lấy chồng thì căn nhà lại được nối dài ra. Những tấm váy áo thổ cẩm có hoa văn đặc sắc, những món đặc sản hấp dẫn của người bản địa như: Kiến vàng nấu cá lóc, lá mì xào cá hấp, canh cà đắng thập cẩm, cà đắng giã muối ớt... cũng kích thích trí tò mò của cô gái trẻ.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chị Yến theo học Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, chuyên ngành Quản trị du lịch. Chị Yến cho hay: “Từ thời còn là sinh viên ngành quản trị du lịch, tôi đã ấp ủ ước mơ sau này sẽ mở một “bảo tàng” văn hoá truyền thống”.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, chị Yến quay trở lại Đắk Lắk, kết hôn với một người đàn ông dân tộc Ê Đê và về buôn Emấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư Mgar làm dâu. Sống ở quê chồng, một lần nữa chị được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm các tập tục, sinh hoạt, văn hóa buôn làng của người Ê Đê.
“Từ khi về làm dâu ở quê chồng, tôi vô cùng ngạc nhiên và thắc mắc vì sao các món ăn của người Ê Đê được làm từ các nguyên liệu rất đơn giản, chỉ là cây nhà lá vườn nhưng ăn hoài lại không thấy chán. Vui hơn, mỗi khi rảnh rỗi, mọi người trong buôn lại cùng nhau đi hái rau rừng, bắt dế, cá,... mua đồ về nấu các món ăn mang đậm hương vị núi rừng, rồi quây quần bên nhau cùng thưởng thức. Chưa kể, rượu cần của người Ê Đê uống rất ngon và chỉ những vị khách quý mới được mời. Đặc biệt, trong các dịp sinh hoạt văn hóa của người Ê Đê thì không thể thiếu cồng chiêng... Cứ như thế, “chất” Ê Đê đã đi vào tiềm thức và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi”, chị Yến tâm sự.
Chị Yến cảm thấy lo lắng bởi cuộc sống hiện đại đã khiến cho những giá trị truyền thống thiêng liêng dần bị lãng quên, mai một. Nhiều căn nhà sàn hàng chục năm tuổi, chiêng, ché, trang phục thổ cẩm... bị đem đi bán, trao đổi. Nhiều món ăn dân dã, truyền thống của người bản địa cũng ít được người trẻ quan tâm. Đáng nói, nhiều nghệ nhân không còn mặn mà với cồng chiêng nữa...
Bỏ lại sau lưng những nhạo chê, đàm tiếu
Xuất phát từ những trăn trở đó, chị Yến cho rằng, mình cần phải lưu giữ, bảo tồn và phát huy không gian văn hóa đặc sắc, những thói quen sinh hoạt của người Ê Đê tồn tại từ bao đời nay. Không để ý tưởng nằm mãi trong suy nghĩ, chị Yến đã cùng chồng dành dụm tiền mua 600m2 đất nép mình dưới chân núi Cư H’Lăm – nơi có rừng cây cổ thụ xanh ngát.
Khi con đầu lòng mới được 3 tháng tuổi, chị Yến gửi con đi mua nhà sàn của người Ê Đê về phục dựng, sửa sang lại, rồi cứ thế nối dần cho dài thêm. Đi đến đâu, chị cũng nhặt nhạnh những trái bầu khô của người dân không sử dụng nữa mang về. Cứ gom góp được bao nhiêu tiền, chị lại đi tới tận các buôn làng tìm mua những vật dụng hằng ngày của người Ê Đê mang về sắp xếp tỉ mỉ, ngay ngắn trong căn nhà sàn và xem đó là tài sản quý giá của mình.
Chị Yến không ngần ngại đổi 2 con bò của gia đình để lấy 2 bộ cồng chiêng Ê Đê và Gia Rai. Chị Yến kể: “Khi mua được một bộ chiêng Ê Đê có 8 chiếc và một bộ chiêng Jrai có 24 chiếc, tôi vô cùng vui sướng và nghĩ mình có duyên với từng đồ vật tưởng chừng đã đi vào quên lãng. Đó cũng là lý do, mỗi khi mua được đồ vật gì, tôi đều nâng niu, trân trọng như chính những đứa con tinh thần của mình”.
Thấy vậy, nhiều người trong buôn làng cười nhạo cho rằng, chị Yến làm những việc “vô công rồi nghề”, bỏ tiền qua cửa sổ. Thế nhưng, với quyết tâm và niềm đam mê cháy bỏng, chị đã bỏ qua những lời đàm tíu của mọi người để tiếp tục thực hiện ước mơ gây dựng “bảo tàng” văn hóa Ê Đê.
Mỗi khi dành dùm được ít tiền chị lại mở rộng diện tích, lặn lội khắp nơi để tìm mua nhà sàn, vật dụng cổ. Đến nay, trên diện tích 5.000m2, chị đã làm và phục dựng được 7 căn nhà sàn Ê Đê và 3 căn nhà gỗ ba gian. Đáng nói, không chỉ sưu tầm, chị Yến còn dành thời gian để tìm hiểu cặn kẽ về văn hóa nhà sàn và những ý nghĩa, giá trị văn hóa từng vật dụng sinh hoạt của người Ê Đê.
Chị Yến còn mày mò, nghiên cứu cách ủ rượu cần sao cho thơm ngon nhất. “Cứ có thời gian rảnh, tôi lại tìm đến các buôn người Ê Đê để học cách ủ rượu cần. Bên cạnh đó, mỗi lần trên địa bàn có cuộc thi ủ rượu cần, tôi đều theo dõi sát sao. Khi cuộc thi kết thúc và tìm được người ủ rượu cần ngon nhất, tôi liền tìm đến người đạt giải để nhờ chỉ dạy cách ủ rượu. Sau đó, tôi chắt lọc cách ủ rượu của mỗi người rồi kết hợp lại và ủ theo cách của mình để rượu cần thơm ngon nhất mà vẫn mang đậm hương vị truyền thống”, chị Yến chia sẻ.
Người có tâm huyết với văn hóa Ê Đê
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Y Mang, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư Mgar cho biết, chị Nguyễn Hải Yến là trường hợp duy nhất không phải người Ê Đê nhưng có sự am hiểu tường tận về văn hóa, đời sống dân tộc Ê Đê và thực hiện các hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa của buôn làng. Đặc biệt, chị Yến rất có tâm huyết, chịu khó sưu tầm, học hỏi về văn hóa buôn làng.
Thời gian qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã giới thiệu chị đến thăm quan, học tập nhiều mô hình du lịch cộng đồng trong nước. Đồng thời, địa phương cũng đã và đang triển khai nhiều dự án, đề án, tổ chức hội thảo để vận động, kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện.
Thơ Trịnh