Trong khi người bình thường ngủ từ 6 đến 8 tiếng 1 ngày, thì ông Purkharam (42 tuổi, sống tại làng Bhadwa, huyện Nagaur, bang Rajasthan, Ấn Độ) chợp mắt một chút là đến... 20 - 25 ngày sau mới tỉnh lại. Nguyên nhân là bởi ông Purkharam mắc chứng rối loạn giấc ngủ Axis Hypersomnia (hội chứng ngủ nhiều) hiếm gặp.
23 năm trước, lần đầu tiên được chẩn đoán mắc chứng Axis Hypersomnia, ông Purkharam chỉ ngủ khoảng 15 tiếng mỗi lần. Tuy nhiên, theo thời gian tình trạng của ông ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đến năm 2015, gia đình bắt đầu tính lịch ngủ của ông theo ngày thay vì giờ. Mỗi lần ông thường ngủ từ 7 hoặc 8 ngày, hiện tại ông có thể ngủ tới 25 ngày/lần. Một năm có 365 ngày, ông Purkharam dành khoảng 300 ngày để ngủ.
Với thói quen ngủ kỳ lạ, ông Purkharam được người dân trong làng đặt biệt danh là “Kumbhakaran” ngoài đời thực. “Kumbhakaran” là nhân vật thần thoại trong sử thi Ramayana với khả năng ngủ li bì suốt 6 tháng mà không màng thế sự.
Theo trang Oddity Central (Anh), vì mắc hội chứng lạ ông Purkharam không thể tìm được một công việc ổn định và đành ở nhà bán tạp hoá. Nhưng hiện ông chỉ có thể mở cửa hàng 5 ngày/tháng, đôi khi ông còn gật gù trong lúc bán hàng. Mỗi khi điều này xảy ra, ông không thể thức dậy. Tất cả những gì người thân có thể làm là đưa ông về nhà cho ăn, thậm chí tắm cho ông khi ngủ.
Bà Lichmi Devi, vợ của Purkharam cho biết chồng bà vừa thức dậy vào hôm 11/7 sau 12 ngày ngủ liên tục. Việc đầu tiên ông làm là mở cửa hàng tạp hóa nhưng không ai biết Purkharam có thể thức bao lâu trước khi cơn buồn ngủ tiếp theo ập đến.
Hiện các chuyên gia chưa tìm ra cách điều trị hội chứng Axis Hypersomnia của ông Purkharam. Những phương pháp mà ông đã thử đều có tác dụng phụ như đau đầu, mệt mỏi, nhưng gia đình hy vọng ông Purkharam sẽ sớm thoát khỏi tình trạng này và quay trở lại cuộc sống bình thường.
Minh Hoa (t/h)