Người có tình yêu đặc biệt với loài voi
Những ngày này, chủ nhân của đàn voi huyện Lăk đang bận rộn cho công việc chuẩn bị lễ hội đua voi và Festival cà phê Tây Nguyên. Giữa thung lũng ngàn đời bình yên của một cộng đồng lao động theo mùa thì ông Đàng Năng Long (thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk - Đắk Lắk) lại hoàn toàn khác với mọi người. Ông không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Chuỗi thời gian của ông cứ cuốn đi theo những thú đam mê say đắm với những khung nhà sàn truyền thống của đồng bào mình. Những lúc về nhà, ông lại sà mình vào đàn voi, vuốt ve, cưng nựng và tâm sự với chúng. Buổi sáng, gió từ phía núi dội xuống rào rào gặp gió từ phía hồ phả lên ào ạt khiến những cành cây cổ thụ cứ ngả rạp vào nhau. Đó cũng là lúc những chú voi khổng lồ của ông Long thong thả từ phía rừng trở về bắt đầu đưa khách du ngoạn đi thưởng thức vẻ đẹp hoang dại, thanh bình của từng bản làng M'nông.
Là đời thứ ba trong gia tộc có truyền thống lẫy lừng về chiến tích săn voi, cha ông là dũng sĩ Đàng Nhảy, một huyền thoại săn voi nức tiếng của Tây Nguyên cách đây hơn nửa thế kỷ cùng với mẹ là Sao Thông Chăn, mỹ nhân buôn voi đã tạo dựng nên tiếng tăm cho gia tộc họ Đàng gắn với voi từ thuở ấy. Lớn lên, Đàng Năng Long là người duy nhất nối nghiệp voi của tổ tiên. Như ông từng tâm sự, chỉ có yêu voi mới gắn bó và dám hy sinh tất cả cho voi. Các anh em trong dòng họ nhà ông đều "thoát ly" voi đi xây dựng kinh tế gia đình bằng nghề khác.
Ông Đàng Năng Long bên một chú voi nhà.
Ông Đàng Long cho biết, voi của tổ tiên ông được truyền từ đời này qua đời khác chứ không có chuyện trao đổi bằng tiền bạc. Trước khi về với núi, cha ông đã dặn rằng: "Hãy bảo vệ và chăm sóc voi thật tốt. Nếu voi có vấn đề gì thì các con có tội với tổ tiên". Vì thế mà bao đời nay, voi đối với đồng bào M'nông ở đây là con vật được lấy làm chuẩn mực đạo đức của mỗi người, mỗi gia đình.
Sau ngày đất nước giải phóng, voi vẫn chỉ là con vật dùng cho việc cày kéo, vận chuyển. Những con voi của gia đình Đàng Long khi ấy đem đi gửi cho người ta dùng làm sức kéo. Sau này, có chủ trương đưa voi vào du lịch thì Đàng Long mới đi gom hết voi nhà về chăm sóc, nuôi dưỡng để phục vụ du lịch. Tuy nhiên, đối với Đàng Long, ông không bao giờ lấy voi ra để làm "cần câu cơm". Tất cả chỉ vì một tình yêu sâu nặng với voi. Thậm chí, bao nhiêu của cải vật chất gia đình làm ra, ông không ngần ngại đổ dồn vào việc chăm sóc voi. Những chú voi bắt đầu được Đàng Long huấn luyện như một hướng dẫn viên du lịch thực sự.
Từ chữa bệnh đến "se duyên" cho voi
Thật ra, trước đó nếu không bị ám ảnh bởi cái chết của con Khăm Bun thì Đàng Năng Long cũng không nghĩ mình lại trở thành "bác sĩ" của voi. Cách đây gần 10 năm Nhà nước cấm săn bắt voi nên Khăm Bun được đưa vào liên đoàn xiếc ra Hà Nội biểu diễn. Con Khăm Bun lúc này do vết thương ở chân tái phát nên cơ thể cứ yếu dần đi, nằm bại liệt một chỗ. Từ Tây Nguyên hay tin, Đàng Long lòng dạ nóng như lửa đốt. Ông tức tốc bắt xe ra Hà Nội xem tình hình của Khăm Bun. Ông lo lắng khi thấy người ta chữa cho Khăm Bun theo cách chữa thông thường của các loài động vật. Voi đâu phải cứ bệnh là dùng thuốc chữa được, người ta không hiểu gì về nó thì làm sao biết nó bị bệnh gì. Khăm Bun nằm bất động, ánh mắt thẫn thờ, tuyệt vọng nhìn Đàng Long. Rồi nó cũng bị Giàng bắt về với núi. Đàng Năng Long đau khổ, thất vọng và tự trách móc bản thân mình. Từ ấy, voi nhà ông hễ con nào có dấu hiệu không bình thường là ông tìm cách chữa trị ngay.
Trường hợp của voi Y Khun trước khi về nhà ông, cơ thể gần như suy kiệt. Khắp mình mẩy có vô số những ung nhọt, ghẻ lở. Đôi chân nó bước đi xiêu vẹo, thân hình gầy guộc chỉ còn trơ lại bộ xương đồ sộ. Sự sống đối với nó như ngọn đèn trước gió. Cái tên Y Khun trong khai sinh của nó được thay bằng tên voi Sida đầy miệt thị, xa lánh. Vì không muốn voi chết lại kỳ vọng về biệt tài chữa bệnh cho voi nên người chủ của nó đã trao tặng cho Đàng Năng Long. Ông nhận Y Khun về trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, sự sống chỉ được tính từng ngày, các khối u, mụn nhọt không ngừng lở loét. Nhận định rất có thể Y Khun đã bị viêm đa cơ do quá trình bệnh kéo dài lại không được chăm sóc ngay từ đầu. Việc đầu tiên ông Long dùng dao mổ hết tất cả những cục ung nhọt đang mưng mủ sưng tấy. Vết mổ sau đó được khử trùng bằng nước muối loãng, đắp bùn dưới hồ vào để xóa sẹo. Nhưng sau thời gian chữa chạy, khối u này mất thì khối u khác lại nhanh chóng hình thành, lây lan chóng mặt. Kiên trì và bền bỉ, Đàng Long thức suốt đêm vừa mổ vừa canh chừng "con Sida".
Ông vào rừng, tìm cây thảo dược mà voi thường ăn giã thành nước cho voi uống. Nhưng nước thảo dược nguyên chất rất đắng, voi không uống được. Ông lại nghĩ ra cách trộn thuốc vào hạt bắp khô sau đó luộc lên để khử vị đắng bám vào vỏ hạt bắp để voi dễ ăn. Ròng rã suốt hai năm trời, "con Sida" dần hồi phục sức khỏe. Nó có thể tự đứng lên, tự ăn thức ăn mà không cần phải bón, mớm. 13 vết mổ trên thân hình, có những vết dài vài chục xăng ti met, sâu cả gang tay đều khép miệng, da non mọc lên che phủ mũi kim khâu. Giờ thì không ai còn gọi Y Khun là Sida nữa rồi. Y Khun bây giờ béo mập, đẫy đà, vòi dài ra, bắp chân bắp tay căng mọng thịt. Nó vượt lên trở thành con voi to lớn nhất trong đàn voi nhà ông Long. Vỗ về Y Khun, Đàng Năng Long không giấu nổi niềm hạnh phúc: "Bản thân tôi cũng không nghĩ Y Khun sống được. Tôi chỉ làm hết sức mình, những gì có thể tôi đều dồn cho nó. Nó khỏi bệnh, tôi cũng như người chết sống lại".
Voi rừng ngày càng hiếm. Cùng với hoạt động săn bắt trái phép, tàn sát voi để lấy ngà thì nguy cơ tuyệt chủng loài voi đã được báo trước. Trăn trở trước sự tồn vong của loài voi, Đàng Năng Long đã làm một việc khiến nhiều người phản đối đó là "se duyên" cho những cặp voi có tình cảm với nhau. Ông hy vọng và linh cảm rằng, sự tác hợp tự nhiên theo bản năng sinh lý của voi, một ngày nào đó sẽ đơm hoa kết quả.
Thời gian gắn bó với đàn voi đủ để Đàng Năng Long nhận ra tình cảm, cảm xúc của từng con voi nhà mình. Con nào có tình cảm với nhau thì chúng sẽ thể hiện bằng cách dùng vòi âu yếm, vuốt ve, thậm chí nhường thức ăn cho nhau. Hiểu được tình cảm của chúng, ông Long mạnh dạn tách chúng ra đưa vào rừng, tạo cho chúng khoảng không gian tự nhiên thoải mái để "yêu".
Ngoài chuyện luật tục thì việc ghép đôi cho voi cũng không đơn giản về mặt tự nhiên vì voi cần không gian và thời gian để tìm hiểu nhau. Ông Long giải thích thêm: "Chỉ khi voi có tình cảm với nhau chúng mới chịu ghép đôi. Mình mà cố ép chúng, chúng sẵn sàng húc nhau đến chết để phản đối". Thành công trong việc ghép đôi là sự đồng ý của người chủ voi. Một khi người chủ đồng ý cho voi nhà mình đi vào rừng làm bạn với voi nhà ông Long là có một tia hy vọng. Tuy rằng, voi chưa mang thai nhưng đó là tín hiệu đáng mừng và một ngày nào đó, theo như sự linh cảm của ông Long, Giàng sẽ cho những chú voi con tránh được nguy cơ diệt vong. Những nỗ lực đã và đang được ông Long dốc sức dốc lòng cho sự sống của loài voi. Với ý chí kiên định, bền bỉ và tình yêu đặc biệt với những chú voi, chúng tôi tin ông Long sẽ thành công trong vai trò "ông mối" để giúp đàn voi tránh nguy cơ bị tuyệt chủng.
Vị bác sĩ đặc biệt Thung lũng Lăk nói riêng và núi rừng Tây Nguyên nói chung biết đến ông là một vị "bác sĩ" đặc biệt và duy nhất của voi. Người ta bảo ông là "khùng" cũng đúng vì ở đâu hễ biết tin có chú voi nào đau ốm là ông bỏ hết công việc lặn lội tìm đến xem bệnh và chữa trị. Đàng Năng Long là ông tơ, bà mối se duyên cho những cặp voi có tình cảm với nhau bởi theo ông thì voi là con vật có tình cảm, cảm xúc rất rõ rệt. Chúng biết yêu, ghét, nhớ thương, sẵn sàng nhường phần ăn cho nhau và có thể húc nhau đến chết để bảo vệ "người thương". |
Hoa Nguyên