Video: Kể về anh hùng liệt sĩ Lê Thị Pha.
Dâng hiến tuổi xuân cho Đất nước
Một ngày tháng 8/2024, chúng tôi tìm đến nhà bà Lưu Thị Thanh An (thường gọi là cô Sáu An, 80 tuổi, nguyên Bí thư Thị ủy Bảo Lộc) từng là đồng đội của liệt sĩ Lê Thị Pha. Bà đã có những chia sẻ, cảm nhận hết sức xúc động về anh hùng liệt sĩ Lê Thị Pha, người con đất Củ Chi (Tp.HCM) đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất B'Lao (nay là Tp.Bảo Lộc).
Bà Sáu An trầm ngâm nhớ lại: "Ngày đó chúng tôi thường gọi chị Pha là chị hai, chị cả, vì chị lớn tuổi nhất đơn vị tôi thời bấy giờ. Chị sinh năm 1942, trong gia đình nông dân nghèo ở Củ Chi. Chị xin nhập ngũ ngày 6/5/1962, đúng vào lứa tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ. Nếu không sinh ra trong chiến tranh, có lẽ chị cũng có một cuộc sống bình thường, lớn lên như những người con gái cùng trang lứa, được yêu đương, được làm những gì mình thích…".
Chiến tranh đã làm cuộc đời liệt sĩ Pha thay đổi, không có chỗ cho những mơ mộng khi bao đau thương vẫn hàng ngày diễn ra trên quê hương. Chị quyết định chọn cho mình con đường riêng, có ích cho quê hương, cho dân tộc Việt Nam.
Sau 3 năm nhập ngũ, ngày 29/11/1965, chị vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trước đó, cuối năm 1962, chị công tác tại cơ quan quân sự. Đến ngày 4/12/1963, chị chuyển về công tác tại đơn vị quân y. Cuối năm 1968, đơn vị B83 thành lập, chị được điều về làm Chính trị viên đơn vị nữ pháo binh của tỉnh Lâm Đồng. Năm 1971, chị về công tác tại Y2 Đại Lào (Tp.Bảo Lộc) và giữ chức vụ Bí thư chi bộ.
Ngày đó, chị rất giỏi tiếng dân tộc. Trong đơn vị, người đồng bào tham gia rất đông, có chị việc giáo dục, huấn luyện các chị em phụ nữ người đồng bào rất thuận lợi.
Cuộc sống chiến trường đạn bom ác liệt, thiếu thốn bộn bề đã rèn cho chị tính độc lập, chịu đựng gian khổ và tinh thần lạc quan. Sau mỗi trận đánh, trở về căn cứ và ghi lại những công việc hàng ngày, có lẽ đó cũng là khoảng thời gian thư giãn hiếm hoi của chị. Trong nhật ký, chị thường xuyên kiểm điểm bản thân không được sống theo chủ nghĩa cá nhân dù chỉ là giây phút.
Với nhiều chiến công trong những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Lâm Đồng, chị Lê Thị Pha đã được Nhà nước ghi nhận và nhiều lần khen tặng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba; Danh hiệu Dũng sĩ quyết thắng cấp 2 - 3, Bằng khen Chiến sĩ thi đua của tỉnh và rất nhiều bằng khen cá nhân khác.
Khi giữ chức vụ Bí thư chi bộ ở Y2 Đại Lào, chị thường xuyên bí mật thâm nhập những nông trường chè để cùng đồng đội xây dựng cơ sở.
"Với khả năng dân vận tốt, chị Pha đã thuyết phục nhiều người dân vùng Đại Lào giác ngộ và tham gia cách mạng. Là một nữ chiến sĩ luôn anh dũng, kiên cường trong chiến đấu nhưng trong đời thường chị sống rất giản dị, thân thiện và hòa đồng với mọi người. Chị luôn quan tâm động viên, giúp đỡ đồng đội vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong quá trình công tác", bà Sáu An nhớ lại.
Những mảnh kỷ vật còn sót lại
Năm 1972, trên đường đi công tác, chị Pha và đồng đội đã bị vướng mìn của địch và hy sinh tại Đại Lào. Chị ngã xuống bên những gốc chè đang độ búp non mơn mởn. Khi biết chị là chiến sĩ cách mạng trung kiên, từng gây bao nhiêu tổn thất cho chúng, chúng đã hèn hạ buộc xác chị vào một chiếc xe Jeep và kéo rê trên Quốc lộ 20…
Năm 1978, chị Lê Thị Pha vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chị đã hy sinh tuổi thanh xuân và cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc với tất cả lòng nhiệt huyết. Cuộc đời và những cống hiến, hy sinh của chị đã góp phần không nhỏ trong chiến thắng chung của quân và dân Lâm Đồng. Tinh thần chiến đấu, đạo đức trong sáng của người nữ chiến sĩ cộng sản ấy luôn sáng mãi trong lòng những người đang sống.
Tại Bảo tàng Lâm Đồng, hiện đang trân trọng lưu giữ những dòng nhật ký chị để lại. Nhìn nét chữ chân phương, mộc mạc trên nền giấy sẫm màu thời gian, chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động, dâng trào niềm thương yêu, cảm phục một người con gái hiền lành, nhân hậu, hết mực thương yêu đồng chí, đồng đội nhưng lại vô cùng gan dạ, dũng cảm trước quân thù.
Chị đã cẩn thận ghi vào nhật ký những việc làm hàng ngày, những ưu khuyết điểm trong mỗi trận đánh, mỗi quyết định của mình để kịp thời sửa chữa hạn chế. Trên chiến trường ác liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ mong manh trong gang tấc, nhưng chị vẫn không hề nao núng. Tư tưởng chị luôn hướng về Đảng, về Bác Hồ kính yêu, quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng với niềm tin vào ngày chiến thắng.
Chị trăn trở khi muốn mọi việc tốt hơn: "Ngày 3 tháng 9 năm 1969… Lên đường làm nhiệm vụ ở K3. Trên đường hành quân có nhiều ưu điểm nhắc nhở chấp hành những điều quy định tốt, tinh thần vui vẻ phấn khởi trong đơn vị. Đến nơi an toàn. Khuyết: Trên đường hành quân ăn trưa nơi ở không tốt. Quần chúng muốn ăn cơm, bản thân thấy không lợi, nhưng cuối cùng thiếu cương quyết, để đơn vị ở lại ăn cơm".
"Ngày 11 tháng 9 năm 1969… Trận đánh hợp đồng với đơn vị bạn ở Di Linh, bàn nhiệm vụ kiềm chế địch và phá hủy phương tiện chiến tranh và tiêu diệt địch. Lãnh đạo đơn vị quyết tâm dù khó khăn ác liệt, hy sinh, quyết hoàn thành nhiệm vụ, động viên đơn vị đào công sự vững chắc, quyết bám trụ cuối cùng đã hoàn thành được nhiệm vụ. Khuyết: Kế hoạch cụ thể giúp đỡ mang pháo quân cho pháo thủ còn thiếu. Kiểm tra chưa tốt còn để mất cuốc xẻng khi rút lui"…
Qua những dòng nhật ký, phần nào cho chúng ta thấy được tính cách mạnh mẽ, cương trực của một nữ chiến sĩ trên chiến trường ác liệt, đi liền với sự dịu dàng, có đôi lúc mềm yếu nữ tính càng làm chúng ta thêm cảm phục tinh thần, tính cách đáng quý, đáng trân trọng của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.
Ông Nghiêm Xuân Đức, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Bảo Lộc chia sẻ: "Đối với người dân Bảo Lộc, chúng tôi rất tự hào với tấm gương hy sinh của liệt sĩ Lê Thị Pha trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống của anh hùng liệt sĩ Lê Thị Pha, Tp.Bảo Lộc trong nhiều năm qua rất quan tâm đến truyền thống giáo dục cho tất cả người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ngay trên địa bàn Tp.Bảo Lộc có một trường học mang tên Lê Thị Pha và một tuyến đường trung tâm mang tên chị. Những năm gần đây, Hội Phụ nữ Thành phố đã thành lập quỹ học bổng Lê Thị Pha, duy trì để hỗ trợ cho các em học sinh nghèo học giỏi. Đối với hoạt động của Tp.Bảo Lộc trong những ngày tháng hiện tại, chúng tôi luôn phát huy xây dựng Tp.Bảo Lộc ngày càng phát triển, trở thành một đô thị xanh - sạch - đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước".
Trăn trở sau trận đánh
Thật xúc động khi đọc những dòng nhật ký chị ghi lại sau một trận đánh: "… Ngày 13 tháng 8 năm 1969 trong trận đánh giao thông phối hợp đơn vị bạn. Lần đầu đánh hình thức mới, bản thân cũng có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, quyết tâm cao. Khuyết điểm: Trong chỉ huy chưa linh hoạt, sáng kiến để giải quyết tình huống như linh hoạt giải quyết trong hợp đồng chưa tốt, bỏ lỡ thời cơ diệt địch. Bản thân càng nghĩ càng tức không sao ngủ được, bứt rứt trong lương tâm quá. Đây cũng là bài học kinh nghiệm trong chiến đấu".