'Lá chắn thép' ở hàng phòng ngự đội U19 Việt Nam

'Lá chắn thép' ở hàng phòng ngự đội U19 Việt Nam

Thứ 7, 21/12/2013 09:06

Những thất bại ê chề trên đấu trường quốc tế cùng với những rắc rối ở cấu trúc "thượng tầng" đang khiến cho bóng đá Việt Nam ngập chìm trong khủng hoảng. Người hâm mộ giờ chỉ còn biết gửi gắm niềm tin vào "hiện tượng" của năm - đội tuyển U19 Việt Nam.

Trong lứa cầu thủ tài năng này, tiền vệ tài hoa thì ở hàng thủ Trần Hữu Đông Triều (SN 1995) được biết như một "hòn đá tảng" trước khung thành đội nhà. 

Đặt tên con gửi gắm những khát khao

Chúng tôi về vùng quê nghèo nơi Đông Triều sinh ra và lớn lên vào những ngày cuối tháng 11/2013. Mùa này sông Vu Gia nhuộm một màu đục ngầu, con đường dẫn đến thôn Tân An, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam trở nên lầy lội, màu bùn đất bao phủ gần như toàn bộ đường vào thôn. Ở căn nhà nhỏ cạnh chợ Hà Tân, ba mẹ Đông Triều cũng như bao gia đình khác trong thôn đang tất bật dọn dẹp đồ đạc, nhà cửa sau trận lũ kinh hoàng mấy ngày trước đó.

Seagames - 'Lá chắn thép' ở hàng phòng ngự đội U19 Việt Nam

Đông Triều "cháy" hết mình vì màu cơ sắc áo.

Ông Trần Hữu Xuân (44 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lệ Hà (ba mẹ của Triều - PV) chỉ cho chúng tôi dấu nước cao quá đầu người còn hằn trên vách tường. Ông Xuân kể: "Cuộc sống ở đây là rứa, vùng ni là vùng gần như thấp trũng nhất nên mỗi lần mưa xuống thì nước lên nhanh lắm. Nhà nào cũng phải dời đồ đạc lên nơi khô ráo, dự trữ nước, lương thực và ngồi đợi nước rút. Dân ở đây sống chỉ sợ bão chớ không sợ lụt vì họ... quen rồi. Người dân quê tôi ai cũng khỏe mạnh và biết bơi là vì rứa".

Ông Xuân và bà Hà đều là những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo khó, quanh năm lũ lụt. Họ gặp nhau, yêu nhau rồi lấy nhau cũng trên chính vùng rốn lũ Quảng Nam này; vì thế mà Trần Hữu Đông Triều sinh ra mang cái tên của những ngọn thủy triều vùng biển Đông xa xôi, chẳng bao giờ ngừng nghỉ để giúp ích cho đời. Cái tên Đông Triều còn là ước mơ của đôi vợ chồng nghèo về một tương lai tươi sáng hơn cho con.

Ông Xuân còn nhớ như in ngày Triều còn nhỏ, những giải bóng đá làng chưa bao giờ vắng bóng Triều. Có khi là trốn nhà để đi thi. Những lần như vậy, Triều đều đem thành tích về khoe với ba mẹ đầu tiên. "Thấy nó đá bóng được cứ nghĩ là trẻ con ham thích, thấy bạn bè chơi nên bắt chước chớ tôi cũng không nghĩ nó sẽ theo nghiệp này". Nói đến đây, ông Xuân vội nhìn xuống tấm ảnh của Đông Triều chụp năm 2007 (thời điểm Triều đi học tại Học viện HAGL Arsenal JMG - PV) và kể: "Lúc nhỏ nó thường hay theo tôi đi soi ếch, bắt cá, tiếp xúc với sông nước, ruộng đồng và những việc khó khăn vất vả. Hơn nữa, trẻ con quê tôi, đứa nào cũng được tập bơi từ nhỏ. Cứ lụt tới là "đẩy" bọn nhỏ xuống nước để... tập bơi. Vì sống ở đây mà không biết bơi thì coi như chết chắc nên có lẽ vì thế mà vào môi trường tập luyện chuyên nghiệp nó đỡ bỡ ngỡ hơn".

Niềm vui từ những lần đi họp phụ huynh cách nhà 500 cây số

Ngoài 40 tuổi, nhưng nhìn đôi vợ chồng ông bà vẫn trẻ hơn so với tuổi của mình. Bà Hà tâm sự: "Cuộc sống ở đây khổ cực mấy cũng được nhưng vợ chồng tôi chỉ cần nhìn thấy hai con học hành giỏi giang là những cái khổ ấy trôi đi đâu hết". Cuộc sống ở quê còn trăm việc phải lo, nhưng vợ chồng ông Xuân cũng như bà con trong xóm chưa bao giờ bỏ lỡ một trận đấu nào có Đông Triều thi đấu. Không có điều kiện để đi xem trực tiếp, thậm chí không phát sóng trên tivi, họ góp tiền nối mạng internet để xem cho bằng được. Với họ dù đội của Triều có thắng hay thua trên khuôn mặt những người nông dân chất phác này vẫn luôn nở nụ cười, với họ Triều là niềm tự hào của cả xã, cả huyện...

Vợ chồng bà Hà vẫn nhớ như in khi rời gia đình năm 12 tuổi, Đông Triều thuộc dạng thấp bé nhẹ cân, chỉ cao 1m43 nặng có 34 kg, nay Triều đã trở thành một chàng trai cao 1m72, nặng 61kg, rắn chắc và khỏe mạnh. Đó là niềm vui lớn mà vợ chồng ông Xuân có được trong gần 7 năm "xa" con, họ luôn thầm cảm ơn Học viện HAGL Arsenal JMG đã thay họ chăm sóc Triều và giúp con mình thực hiện ước mơ. Mỗi lần được mời ra trung tâm Hàm Rồng để dự cuộc họp phụ huynh của con là mỗi lần ông bà không ngủ được. Họ vui vì sắp được gặp đứa con trai sau bao ngày thương nhớ, lo vì không biết ở "đất khách quê người" con họ có học hành tốt, có bị chê trách, phê bình gì không, họ còn buồn vì gặp con rồi lại phải xa con...

Bà Hà thú thật: "Thời gian đầu Triều đi, tôi nhớ nó đến nỗi đêm nào cũng khóc, nhưng dần dần thấy con học hành tiến bộ, sức khỏe cũng tốt hơn nên tôi cũng động viên Triều cố gắng. Niềm vui từ những lần đi họp phụ huynh cho Triều được nhân lên khi tôi nghe con được thầy khen, được bạn bè quý mến. Tôi mừng lắm, ở nhà với vợ chồng tôi làm sao nó được như ri, bởi vậy buồn, khổ cũng vơi đi".

Mỗi năm một lần cả gia đình ông Xuân được Học viện HAGL Arsenal JMG mời đi dự họp phụ huynh, sau mỗi chuyến đi như vậy, vợ chồng ông bà lại bàn nhau cố gắng tích cóp tiền để sớm được vào thăm con. Đồng lương bác sỹ của ông Xuân tại trung tâm y tế thôn cũng chỉ đủ để nuôi cả gia đình ba miệng ăn, vì thế mong ước vào thăm con của ông bà đôi khi cứ bàn rồi lùi.

Seagames - 'Lá chắn thép' ở hàng phòng ngự đội U19 Việt Nam (Hình 2).

Gia đình Đông Triều tại Học viện HAGL Seagames - 'Lá chắn thép' ở hàng phòng ngự đội U19 Việt Nam (Hình 3)..

Tấm chân tình, ước mơ ra biển lớn

Dù ở xa, nhưng ông Xuân bà Hà vẫn luôn theo sát Đông Triều trong từng trận đấu. Sau mỗi trận, ông bà đều gọi điện thoại ngay cho Triều để động viên, chia sẻ. Kể về Triều, ông Xuân không giấu được tình cảm vốn có của một người cha dành cho con trai: "Nó rất giống tôi ở cái chỗ hay cười, nói gì nó cũng chỉ có cười thôi, dù vui hay buồn thì nó vẫn cười. Hồi mới xa nhà, nó hay điện thoại về nhưng nhất định là không chịu nói nhớ nhà, sợ vợ chồng tôi buồn. Sau này mới nghe người kể lại, nó buồn hay khóc gì cũng trùm mền khóc một mình thôi, không để ai biết".

Được biết đến là một "lá chắn thép" mạnh mẽ và đầy uy lực trên sân cỏ, nhưng khi trở về cuộc sống đời thường Đông Triều lại là một chàng trai hiền lành, tâm lý và rất mực yêu thương gia đình. Bà Hà chia sẻ: "Một năm Triều về nhà được hai lần, hè và Tết, mỗi lần được mười ngày, nửa tháng. Không có ở nhà thì thôi chớ Triều mà về là bạn bè lớp 5 lớp 6 của hắn kéo đến chơi đông lắm. Đặc biệt mỗi lần về nhà là y như rằng ai cũng có quà".

Ông Xuân chỉ cho chúng tôi chiếc tủ trưng bày những đồ lưu niệm mà Đông Triều mua cho gia đình khi đi du đấu ở các nước và tiếp lời: "Biết ba làm bác sỹ hay phải ghi chép  nhiều nên món quà đầu tiên Triều mua bằng "lương" của mình cho tôi là một cây bút, còn vợ tôi hay ra ngoài mùa lạnh nên nó mua chiếc khăn choàng. Sau này, dù nhiều dù ít nhưng đi đâu Triều cũng nhớ về gia đình mà mua những món đồ lưu niệm làm quà".

Cậu bé tập bơi trong vùng rốn lũ ngày nào giờ đã đến lúc bơi ra biển lớn. Dĩ nhiên, đó mới chỉ là sự khởi đầu, con đường trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp vẫn đang con rất dài và thật lắm chông gai với chàng trai 19 tuổi. Đông Triều vẫn đang cố gắng hết sức mình để thực hiện tiếp giấc mơ của mình. Và đó sẽ là món quà vô giá đối với bậc sinh thành như ông Xuân và bà Hà nơi quê nhà xa xôi. 

Tình cha

Trận chung kết U19 Đông Nam Á vừa rồi, Đông Triều chính là người sút hỏng phạt đền định mệnh khiến cúp vô địch rơi vào tay nước chủ nhà Indonesia. Ngay sau trận đấu ông Trần Hữu Xuân đã gọi điện động viên con trai phải can đảm hơn. Chính từ những lời tâm huyết của người cha đã giúp Đông Triều đứng dậy, cùng toàn đội xốc lại tinh thần làm nên một vòng loại U19 châu Á kỳ diệu với chiến thắng 5-1 trước U19 Úc.       

Bạch Hưng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.