Tần Tần, 17 tuổi, là học sinh năm hai ở một trường cao trung tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (tương đương lớp 11 ở Việt Nam). Để chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ, Tần Tần học tập ngày đêm nên đầu óc luôn trong tình trạng căng thẳng.
Mới đây, sau khi làm xong 6 bộ đề thi trong một đêm, cô bé bắt đầu bị mất ngủ, miệng không ngừng nói nhảm, xuất hiện hành vi hoang tưởng.
Thấy con gái bất ổn, gia đình vội vàng đưa Tần Tần đến khoa phục hồi chức năng tâm lý của một bệnh viện gần đó. Nhưng sau khi dùng thuốc hướng thần được một tuần, tình trạng không những không cải thiện mà còn xuất hiện các triệu chứng như sốt, không thể giao tiếp với người khác, tê bì mặt và tay chân. Lo lắng, cha mẹ Tần Tần buộc phải đưa con đi cấp cứu tại Bệnh viện Hán Khẩu ở Vũ Hán.
Bác sĩ Nhạc Văn Khanh, Phó chủ nhiệm khoa hồi sức tích cực, đã tư vấn chi tiết khi khám sức khỏe cho Tần Tần, ông cho kiểm tra MRI đầu và chọc dò thắt lưng cô bé.
Kết quả, Tần Tần được chẩn đoán mắc bệnh não tự miễn dịch, đó là một bệnh viêm não do kháng thể kháng thụ thể NMDA tương đối nghiêm trọng. Sau khi điều trị triệu chứng, Tần Tần dần hồi phục và được trở lại trường học.
Bác sĩ Nhạc cho biết thêm, bệnh não tự miễn dịch hay viêm não NMDA là loại viêm não cấp tính hiếm gặp, bệnh gây nên do hệ thống miễn dịch của cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại thụ thể Glutamate trong não (NMDA- N methyl D aspartate). Các thụ thể NMDA là các protein dẫn truyền các xung động thần kinh liên quan đến trí nhớ, ngôn ngữ và thần kinh tự chủ (nhịp tim, nhịp thở).
Có thể hiểu đơn giản là hệ thống miễn dịch của cơ thể tự sản sinh ra một chất bảo vệ (còn gọi là kháng thể) chống lại chính một cấu trúc rất nhỏ trên bề mặt tế bào thần kinh ở não bộ (thụ thể N-methyl-D-aspartate). Tác động này làm tổn hại hệ thần kinh, đưa đến các biểu hiện tâm thần kinh của bệnh.
Đây là một căn bệnh rất hiếm và nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây ra những hậu quả khó lường, khiến các tế bào miễn dịch nhầm mô não của chính mình thành kháng nguyên lạ và tấn công.
Bác sĩ Nhạc giải thích thêm rằng cơ chế bệnh sinh cụ thể của bệnh não tự miễn dịch vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên quá mệt mỏi, giảm sức đề kháng và khả năng miễn dịch thấp đều là những yếu tố có thể gây ra bệnh. Sau khi mắc bệnh, bệnh nhân có thể gặp phải những bất thường về thần kinh, chẳng hạn như ảo giác, động kinh và rối loạn ý thức.
Tần Tần đã phải chịu áp lực trong một thời gian dài lại thức khuya dẫn đến tinh thần kiệt quệ, khả năng miễn dịch giảm sút, cơ thể dễ bị các bệnh tự miễn dịch tấn công.
Thực tế những câu chuyện học sinh gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe vì áp lực học tập không phải là hiếm ở Trung Quốc.
Một nữ sinh 17 tuổi ở nước này vì sắp thi đại học nên bị bố mẹ yêu cầu rất cao về mặt học tập. Họ liên tục yêu cầu con phải đi thi thử, thi đến khi nào điểm cao thì thôi.
Bị nhiều áp lực từ cha mẹ, nữ sinh này dần nảy sinh vấn đề tâm lý, xuất hiện chứng hoang tưởng. Em suốt ngày mơ tưởng rằng mình đã đỗ vào Đại học Thanh Hoa - trường đại học top đầu của Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Thấy tình trạng bất thường của con, bố mẹ nữ sinh này mới vội vàng đưa vào bệnh viện. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán nữ sinh mắc bệnh tâm thần phân liệt.
Trong thời gian bạn bè đi học, vui chơi, thì nữ sinh này phải đến bệnh viện điều trị bệnh. Khi phóng viên đến gặp, em đang nhảy lò cò ở hành lang bệnh viện y hệt như một đứa trẻ vài tuổi. Ngày nào nữ sinh này cũng chạy ra ngoài nhảy lò cò như vậy. Đây quả thật là một bi kịch, có thể nói áp lực học hành quá lớn, cộng với áp lực từ cha mẹ đã khiến nữ sinh này choáng ngợp.
Những câu chuyện trên là lời cảnh tỉnh đối với nhiều phụ huynh và học sinh, các em học sinh hãy học cách sắp xếp thời gian hợp lý, cân bằng giữa việc học và nghỉ ngơi. Cha mẹ cũng nên giúp con giải tỏa căng thẳng, điều tiết cảm xúc, cho con tham gia một số môn thể thao ngoài trời phù hợp, giữ tâm thái tốt.
Minh Hoa (t/h)