Cái khó của làm người không chỉ là "thân người khó được" như Phật dạy, vì nghiệp duyên xuống lên sáu đường, lắm lúc rơi tụt vào đường dữ (phần nhiều). Cái khó của làm người là... gian nan mà Khổng Tử phải than, chính là ở "chín người mười ý", để sống cho vừa lòng người không hề dễ.
Tốt quá người ta cũng nói, rồi đôi khi còn hoài nghi, cho rằng "có dụng ý chi đây"; mà xấu thì họ "ném đá" cũng... thôi rồi! Giỏi quá, đẹp quá thì cũng mang họa, vì bị ganh ghét, hơn thua rồi sinh ra đố kỵ, hãm hại nhưng dở quá, xấu tệ thì cũng khó mà sống vì bị chê bai, khinh rẻ...v.v...
Nguồn cơn của cái khó ấy là bởi vì... ta sinh ra trong cõi người, vốn thị phi, nhìn kiểu chi cũng được. Thương thì "củ ấu cũng tròn", còn ghét rồi thì ngó đâu cũng... chướng mắt. Thế mới có câu "ghét nhau, ghét cả tông chi họ hàng". Và, nguồn cơn của cái khó cứ bó mình hoài ấy còn là vì... ta là con người. Chính hiệu "con người" còn phiền não, còn động tâm, còn chạy theo phía này, hất hủi phía kia... với đủ kiểu phân biệt, hơn thua trong mình nên mình khổ.
Người ta chê mình thì mình cũng khổ vì thấy đời mình sao u ám quá, đen thùi lùi một cục. Nhưng khen mình nhiều có khi mình sẽ lại khổ vì chấp chặt vào đó mà "soi mói" chính mình, sợ mất "lời khen" ấy rồi đâm ra lo lắng hoặc khi có kẻ nào đó "nhỡ mồm" nói không theo chiều khen của số đông, thế nào mình cũng... lên gân máu.
Sự khế hợp của bên trong (nội tâm) cùng với hoàn cảnh bên ngoài, trong đạo Phật gọi đó là y báo, chánh báo tương ưng, nhân nào quả nấy. Bởi vì tướng từ tâm sinh hay nhất thiết duy tâm tạo nên cái đẹp bên trong sẽ làm cho con người ta dễ thương hơn, hoàn cảnh xung quanh cũng trở nên tuyệt vời hơn, thân ái sinh từ tình thương hiện hữu. Tiếc là, sau hành trình dài để "đạt" được những điều hay, hình ảnh đẹp, hoàn cảnh tốt, đôi khi ta quên mất nguồn cơn của sự "được" ấy có chánh nhân là lối sống đẹp. Từ đó, ta bám vào chỗ "được" đó rồi đâm ra chấp trước, si mê, nghĩ là mình sẽ luôn được và phải được điều ấy... Kiểu của người ngồi không hưởng phước.
Khó vượt qua những "cám dỗ", những "chướng ngại vật" - đôi khi không phải chỉ là khó khăn mà còn là những điều dễ chịu, những giá trị cốt lõi mà người ta phấn đấu trong cõi nhân sinh như danh, sắc, tài, sức khỏe... cũng có thể làm mình ngã nhào, lăn quay, đau đớn.
Khó trong cách sống với người và khó trong việc "vượt lên chính mình" cũng như không để mình vấy bẩn vì cái khó xung quanh và cả cái hào nhoáng bên ngoài tạm biểu hiện nơi thân và hoàn cảnh sống của mình cũng là điều mà mình phải thường suy nghĩ, để không lui sụt đường về... cõi Phật.
Để không phải loay hoay lên xuống hoài, mình phải nhớ đến giá trị của tự do. Có nghĩa là đừng để mình buộc ràng vào bất cứ cái chi hết. Lý lẽ đúng sai hay được mất chi cũng là bào ảnh. Thánh nhơn day mình như thế. Cổ đức cũng đinh ninh rằng, trong mình có Phật tánh, có hạt giống thành Phật, chỉ tại mình si mê, mình sân lên, mình tham lam nên mình tối hù, không có thấy đường thấy lối và tự trói mình vào những "cục đá" của thế gian rồi gieo mình xuống hố sâu, vào tút địa ngục, đội sừng, mang lông, đói meo đói mốc trên khối tài sản - lắm khi là mơ ước của nhiều người!
Khó để thấy nhân quả, để nhận diện đường đi. Nhưng, cũng khó để duy trì cái thấy ấy mà hành, mà dịu dụng vào đời sống để nó toát ra trong chính mỗi hành động, lời nói, ý nghĩ hàng ngày. Khó, bởi vì mình biết phương pháp mà đôi khi thực tập sai, vội vàng, hay thực tập đúng nhưng đến một mức nào đó mình... bỗng dưng hài lòng, thiếu một hạnh nguyện đến tuyệt đối vô biên như chư Phật, chư Bồ-tát nên dính lại đó. Khó, cũng có khi mình biết sai nên đi vào ngõ cụt, dẫu nhân danh đi về phía của vô lượng vô biên - giải thoát.
Nói chung là phải học rồi hành. Biết mình đang ở đâu, gọi tên cái khổ, cái vui trong mình để nhìn cho kỹ, nó đến từ đâu để mà mỉm cười chào nó, biết nó có đó rồi thôi, chứ đừng sở hữu nó chi. Khổ hay vui mà mình ôm vào lòng, giữ khư khư thì sẽ kẹt, rồi làm cho mình khổ, làm cho người ta khổ mà thôi.
Nói vậy thôi, chứ khó đấy! Phải cố gắng thật nhiều đó đa.
Lưu Đình Long