Ngày 15/7, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) đã tổ chức hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán" với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế. Tại đây, các chuyên gia cùng bàn luận tác động lạm phát tới việc tăng lãi suất của ngân hàng.
Cục Thống kê Lao động Mỹ vừa công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 9,1% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/1981.
Còn tại Việt Nam, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
Vì sao lạm phát tại Việt Nam và Mỹ chênh lệch?
Lý giải về nguyên nhân khiến lạm phát tại Việt Nam và Mỹ chênh lệch lớn, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong cơ cấu tính CPI của Mỹ, chi tiêu cho lương thực và thực phẩm chỉ chiếm 8,3% trong tổng chi cho tiêu dùng của hộ gia đình nhưng với Việt Nam, tỉ trọng này lên tới 27,68%. "Vì vậy, việc lương thực, thực phẩm Việt Nam tăng giá không nhiều góp phần khiến CPI Việt Nam thấp hơn nhiều so với ở Mỹ", ông nói.
Chi tiết hơn, hiện danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện tiêu dùng của Việt Nam gồm 752 mặt hàng thuộc 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính.
Trong 11 nhóm, 7 nhóm có tỉ trọng tiêu dùng chiếm trên 5% trong tổng chi cho tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình; tổng của 7 nhóm này chiếm tới 86,05% trong tổng chi cho tiêu dùng cuối cùng.
Do vậy biến động giá của 7 nhóm này tác động trực tiếp khá lớn tới lạm phát, gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống (33,56%); nhà ở và vật liệu xây dựng (18,82%); giao thông (9,67%); thiết bị và đồ dùng gia đình (6,74%); giáo dục (6,17%); may mặc, mũ nón, giày dép (5,7%); thuốc và dịch vụ y tế (5,39%).
Khi giá lương thực, thực phẩm tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI tăng tới 2,77%, trong khi ở Mỹ chỉ tăng 0,83%.
Ngược lại, tỉ trọng tiêu dùng nhóm xăng dầu trong chi tiêu của người dân các nước phát triển cao hơn Việt Nam, cụ thể ở Mỹ, một trong những quốc gia sản xuất dầu và các sản phẩm chế biến từ dầu lớn nhất thế giới, khi giá xăng dầu tăng 10% có thể tác động làm CPI tăng khoảng 0,5%.
Trong khi đó, nhóm nhiên liệu gồm xăng, dầu diesel và mỡ nhờn chiếm 3,89%.Theo tính toán khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI tăng 0,36%.
Như vậy, xăng dầu tăng 10% đã khiến CPI của Mỹ tăng cao hơn Việt Nam 0,14%, trong khi 6 tháng đầu năm nay, xăng dầu tăng tới hơn 50%.
Ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia đồng tình và cho rằng việc cơ cấu rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam khác so với thế giới là một trong những yếu tố chính khiến CPI thấp hơn nhiều quốc gia.
"Với các mặt hàng thiết yếu, giá xăng Việt Nam được hỗ trợ bình ổn giúp mức tăng thấp hơn so với thế giới cũng như việc điều tiết các mặt hàng do Nhà nước quản lý giãn lộ trình tăng, không tập trung vào thời điểm cao điểm… là yếu tố giúp lạm phát thấp trong 6 tháng đầu năm", ông nói.
Nguyên nhân NHNN chưa tăng lãi suất
Trước câu chuyện tại sao các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn chưa tăng, ông Cấn Văn Lực nhận định lạm phát của nước ta không xuất phát từ vấn đề tiền tệ bởi cung tiền ở mức vừa phải. Trong khi đó, tăng lãi suất chỉ nhiều khi cung tiền cao.
Theo ông, nếu Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành chưa chắc phát huy tác dụng tốt với nền kinh tế. "Cùng với đó, Chương trình phục hồi kinh tế và phục hồi kinh tế đang triển khai đã có yêu cầu giữ ổn định lãi suất. Nếu như chúng ta tăng lãi suất sẽ đi ngược lại với chương trình này", ông cho hay.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ không giải quyết được vấn đề lạm phát một cách hoàn hảo. "Muốn xử lý tốt vấn đề lạm phát Việt Nam cũng như nhiều nước cần kết hợp các chính sách, can thiệp trực tiếp vào lãi suất cơ bản", ông nói
Về vấn đề tăng - hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, ông nhận định kinh tế Việt Nam có nhiều điểm khác với kinh tế thế giới, đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây.
"6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nổi lên như một ngôi sao bởi chúng ta duy trì được mức độ tăng trưởng dương. Thế nhưng, trong 6 tháng cuối năm 2021 thì ngược lại, khi nền kinh tế thế giới phục hồi tốt thì chúng ta lại lạc nhịp. Hay ví dụ như 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng thế giới xấu nhưng Việt Nam lại phục hồi rất tốt. Chính những điểm khác biệt này khiến chúng ta không thể điều hành lãi suất như thế giới được", ông nói.
Thứ hai, ông chỉ ra, trong chiến lược phát triển và phục hồi kinh tế, Việt Nam đặt trọng tâm vào vấn đề lãi suất và tiền tệ, nên các điều hành liên quan đến vấn đề này vô cùng quan trọng, đòi hỏi chúng ta buộc phải thận trọng.
Thứ ba, mức độ mức giá của đồng Việt Nam hiện nay không quá lớn nên cần giữ ổn định tỷ giá của đồng Việt Nam. "Ngoài ra, cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, thặng dư không quá nhiều nên việc tăng lãi suất cũng chưa phải là vấn đề cần thiết", ông nhấn mạnh.
Lạm phát đã đạt đỉnh hay chưa?
Theo ông Cấn Văn Lực, có thể hiện đã là đỉnh của lạm phát, theo thông tin từ Ngân hàng Thế giới (WB).
"Nếu lạm phát đã đạt đỉnh thì chúng ta sẽ có kịch bản theo chiều hướng tích cực hơn, nhưng tất nhiên không thể chủ quan", ông nói. Ông dự báo ở kịch bản tích cực, lạm phát sẽ dịu dần ở các tháng cuối năm 2022.
Còn theo ông Nguyễn Bích Lâm, tại Việt Nam, lạm phát 6 tháng đầu năm 2022 là 2,44%. Đây là tín hiệu ban đầu đáng mừng nhưng không vội mừng rằng chúng ta đã kiểm soát thành công lạm phát.
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy lạm phát có nhiều diễn biến bất thường. Xin được ví dụ về nước Mỹ. Tại Mỹ, tháng 3 năm nay lạm phát là 8,5%; tháng 4 là 8,3% nhưng tháng 5 là 8,6% và đến tháng 6 là 9,1%.
Ông nhận định áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn.
"Về vấn đề kiềm chế lạm phát, trong thời gian tới cần quan tâm đến các chỉ số sau: chỉ số nguyên liệu đầu, chỉ số giá sản xuất và chỉ số công nghiệp bởi đây là các chỉ số có dấu hiệu sẽ tăng trong thời gian tới. Các vấn đề như giá điện, giá xăng dầu cũng là các vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới", ông nói.