Làm sao để công bằng khi lợi thế nghiêng hẳn về một phía?

Làm sao để công bằng khi lợi thế nghiêng hẳn về một phía?

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Người dân, doanh nghiệp bức xúc với sự độc quyền của ngành điện đã trở thành một "nền tảng văn hóa". Đơn giản, cứ nói đến ngành điện, nhiều người gọi ngay là "ông độc quyền". Vì không thể mua điện ở nơi khác, không thể không dùng điện nên "khối ấm ức" cứ to dần lên.

Hiểu nỗi lòng nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã phát biểu: "Tôi nghĩ rằng ngành điện cần tiếp tục xây dựng văn hóa ứng xử để tranh thủ đồng cảm và sự đồng tình của nhân dân". Điều này cho thấy, văn hóa ứng xử của ngành điện hiện nay đang... có vấn đề.

Xã hội - Làm sao để công bằng khi lợi thế nghiêng hẳn về một phía?

Ảnh minh họa

Không bằng lòng vẫn phải lụy "nhà đèn"

Tăng giá điện nhưng không tính toán minh bạch giá thành, thiếu điện thì cắt cúp tùy hứng, xây dựng hạ tầng cơ sở, rồi chuyện nhỏ như cái công tơ cũng khiến người dân bức xúc. Nỗi niềm của người dân cũng xuất phát từ việc không nhận được sự giải thích rõ ràng, không nhận được lời xin lỗi. Bên cạnh đó, "nhà đèn" còn ép dân quá lắm.

Gần đây, nhiều người dân ở tỉnh Tiền Giang bức xúc khi nhân viên các Chi nhánh Điện ở các huyện Chợ Gạo, Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Đông và Thị xã Gò Công ép buộc phải hợp đồng với các đơn vị này thi công hạ tầng, lưới điện mà không được tự chọn đơn vị thi công. Trong khi đó, mức giá thi công của ngành Điện thì cao hơn các doanh nghiệp tư nhân. Còn nếu doanh nghiệp tư nhân đảm nhiệm công việc cũng bị nhân viên các Chi nhánh Điện gây khó khăn như kéo dài thời gian thẩm định, phê duyệt hồ sơ. Theo phản ánh của người dân thì ở đây có biểu hiện độc quyền thi công các công trình về điện.

Việc độc quyền thi công hạ tầng, lưới điện là vi phạm Luật Điện lực và tạo ra sự kinh doanh không công bằng giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, việc độc quyền này đã diễn ra phổ biến rồi, ngay chuyện người dân muốn mua điện cũng phải mua luôn chiếc công tơ giá cao của "nhà đèn". Nghịch lý này tồn tại một cách hiển nhiên, ở đây, người bán bắt người mua phải sắm dụng cụ đong đếm sản phẩm (do chính người bán hàng độc quyền cung cấp) mới được mua. Nhiều chuyên gia cũng bất bình với việc, cứ hạ tầng, trang thiết bị của ngành điện phải do ngành này cung cấp. Trong khi, nếu để các đơn vị khác, doanh nghiệp tư nhân vào lắp đặt ngành điện chỉ làm nhiệm vụ thẩm tra và công nhận thì người dân có thể được hưởng giá thấp hơn nhiều.

Nếu chuyện xây dựng hạ tầng cơ sở có thể ảnh hưởng không nhiều tới người dân nhưng liên quan đến chuyện giá điện thì "thượng đế" cũng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt". Một chuyên gia vốn làm trong EVN (xin được giấu tên) cho rằng: "Giá điện của Việt Nam không hề rẻ như ngành điện phân tích mà giá thực tế người dân và doanh nghiệp phải chi trả cao hơn rất nhiều. Nhìn trên thang giá hóa đơn của một hộ gia đình, người ta sẽ thấy số thấp nhất, số trung bình và số giá cao chênh nhau rất lớn. Ví dụ như với mức 1KW giá cao lên đến 3500 đồng tương đương 17cent. Có thể khẳng định mức giá bán điện không hề rẻ. Còn EVN đem mức giá này đi so sánh với những nước phải mua điện vài ba chục cents rồi kêu rẻ thì rất vô lý. Vì nền kinh tế Việt Nam còn thấp, đời sống nhân dân thấp thì làm sao so với các nước có nền kinh tế phát triển. Mức sống và thu nhập của người dân Việt Nam như vậy thì không thể so sánh và đánh đồng mức giá và chi tiêu với thế giới được".

Cũng theo chuyên gia này nhận định, trong quản lý, ngành điện kêu thất thoát nhiều trong khi truyền tải điện đến người tiêu dùng và doanh nghiệp đều có công tơ. Lương thưởng cán bộ công nhân viên của EVN là rất cao, những bất cập trong quản lý đều được dồn hết cho việc tăng giá điện để thu bù chi. "Người dân và doanh nghiệp đều muốn giá điện vận hành theo cơ chế thị trường là có tăng có giảm. Và khách hàng của ngành điện phải được hưởng dịch vụ tốt. Giá điện tăng liên tục nhưng chất lượng không tăng gây bức xúc trong dư luận nên rất cần cơ chế giá thị trường để thu hút đầu tư vào ngành điện, khuyến khích thời điểm tiết kiệm điện và quản lý tốt thời gian sử dụng điện. Sự minh bạch, công bằng, tâm phục khẩu phục đối với giá điện là điều người dân mong muốn", chuyên gia này khẳng định.

Nhìn nhận thực tế của ngành điện, để dẫn ra việc, nhà đèn phải thay đổi văn hóa ứng xử, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã từng nói thẳng: "Chúng tôi cũng đi kiểm tra và thấy rằng cũng không thể tránh khỏi có chỗ này chỗ kia cá nhân hay là một vài đơn vị ngành điện cũng có những thái độ ứng xử chưa phù hợp làm cho thái độ bức xúc trong dân ngày càng tăng lên. Cái đó thì chúng tôi kiểm điểm và yêu cầu ngành điện nhìn nhận nghiêm túc; nhân dân không sợ thiếu mà chỉ sợ không công bằng, không minh bạch. Tôi nghĩ rằng qua kiểm tra một vài nơi cũng đã phát hiện và yêu cầu ngành điện phải kịp thời có những chấn chỉnh, khắc phục và đồng thời tìm mọi cách để làm thế nào khắc phục nhanh chóng nhất".

Lấy trách nhiệm xã hội làm trọng

Nhìn nhận việc bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng "nhắc nhở" ngành điện về văn hóa ứng xử để tranh thủ sự ủng hộ, sự đồng tình của nhân dân, doanh nghiệp trẻ Trần Bảo Hoàng cho rằng: Văn hóa doanh nghiệp có vị trí và vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa, ngôn ngữ, tư liệu, thông tin nói chung được gọi là tri thức thì doanh nghiệp đó khó có thể đứng vững và tồn tại được. Trong khuynh hướng xã hội ngày nay thì các nguồn lực của một doanh nghiệp là con người mà văn hóa doanh nghiệp là cái liên kết và nhân lên nhiều lần các giá trị của từng nguồn lực riêng lẻ. Do vậy, có thể khẳng định văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp.

Chính vì thế, ông Hoàng khẳng định: "Nếu ngành điện muốn những chính sách của mình đưa ra không bị phản đối thì hãy giữ chữ tín, hãy công khai với người dân. Bởi lẽ, khi đã là mối quan hệ đối tác thì ngoài việc quan tâm tới trách nhiệm xã hội, lợi nhuận họ còn đánh giá doanh nghiệp qua văn hóa của doanh nghiệp đó bằng thái độ, ứng xử với đối tác" .

TS Đinh Công Tuấn (Viện nghiên cứu châu Âu) từ chuyện của EVN đã mở rộng vấn đề ứng xử và văn hóa doanh nghiệp: "Sự thành công của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là ở các nước châu Á thường được dựa trên mối quan hệ cá nhân của người lãnh đạo, còn các nước Tây Âu thì thành công của doanh nghiệp lại được dựa trên các yếu tố như khả năng quản lý các nguồn lực, năng suất làm việc, tính năng động của nhân viên. Ngoài những yếu tố chủ quan, để xây dựng văn hóa doanh nghiệp còn phải chú trọng tới những yếu tố khách quan. Đó là việc tạo lập thị trường, lợi ích của người tiêu dùng, được thể hiện qua các nguyên tắc chỉ đạo để bảo vệ người tiêu dùng, là quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Tuy nhiên, với ngành điện, quyền lợi của người tiêu dùng lại bị bỏ ngỏ, đó là điều đáng buồn trong văn hóa kinh doanh".

Nhìn nhận về ứng xử của ngành điện với đối tác, ông Nguyễn Khắc Sơn- Tổng giám đốc Nhiệt điện Phả Lại cho biết: "Công ty chúng tôi vẫn là công ty con trực thuộc EVN nên kế hoạch phát điện chúng tôi cũng phải chờ được duyệt. Tất nhiên, khi có sự thay đổi theo cơ chế giá mua điện cạnh tranh như hiện nay thì chúng tôi cũng bị ảnh hưởng đến doanh thu. Chúng ta cứ bảo EVN độc quyền, nhưng liệu có xây dựng được một "ông khác" thay ông EVN hay không? Tôi nghĩ không phải lỗi ở EVN mà là tại lộ trình, cơ chế của mình đã tạo ra sự độc quyền cho EVN. Chính vì vậy việc thay đổi văn hóa ứng xử của ngành điện, tức là phải thay đổi từ chính sách dành cho ngành điện".

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng tăng giá điện làm dư luận bức xúc là ngành điện lỗ, vì đầu tư kém hiệu quả, trái ngành, quản lý yếu nhưng lại đổ về "bắt" giá điện "cõng hết". Đó là thái độ ứng xử thiếu công bằng với nhân dân.

Chia sẻ quan điểm này, TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định: "Với tổng cầu tăng 15%, giá điện cao từ 1,5- 2 lần như hiện nay thì rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài muốn nhảy vào lĩnh vực này bởi lợi nhuận có thể thấy được rất rõ ràng, nhưng nghịch lý là EVN đều kêu lỗ, năm nào cũng lỗ. Giai đoạn 2011-2015, EVN còn thiếu khoảng hơn 180.000 tỷ đồng. Chưa kể, còn do EVN treo một khoản lỗ vài chục nghìn tỷ chưa phân bổ vào giá của các kỳ trước. Nếu cứ tăng giá bù lỗ biết đến bao giờ giá điện mới theo giá thị trường. Ngành điện cần phải bỏ tư duy cũ là cứ thiếu vốn là tăng giá điện để bù lỗ cho các khoản đầu tư lỗ của mình. Bởi tăng giá điện không phải là cách huy động vốn để đầu tư và bù lỗ. Nghịch lý ở chỗ, giá điện chỉ có tăng chứ không có giảm; Họ tự độc quyền định giá, tự giải trình và tự áp đặt giá. Đáng lẽ năm nay phải giảm giá điện chứ không thể tăng giá điện do thủy điện vào nhiều, không chạy dầu nên đầu vào đâu có tăng". Còn ông Sơn, lại nêu quan điểm: "Tôi ủng hộ sự cần thiết phải ứng xử như vậy của EVN. Tuy nhiên, ngành điện có rất nhiều khâu, nhiều công đoạn nên nhiều khi chúng ta cũng nên có cái nhìn đầy đủ, khách quan về nó chứ cũng đừng vội quy chụp là thế này, thế khác".

NPV


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.