1. Phật giáo du nhập vào Việt Nam cách đây khoảng 2000 năm, đã được Việt hóa, thích ứng với tín ngưỡng bản địa và có sức sống vô cùng mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của nhân dân ta.
Lên chùa lễ Phật hay vãn cảnh chùa vào các ngày lễ, ngày rằm, mồng một là sinh hoạt văn hóa tinh thần đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân đón nhận. Đặc biệt sau Tết Nguyên đán, tục đi lễ chùa đầu năm đã trở thành nếp của không chỉ các Phật tử mà còn của rất nhiều người, tạo thành nét đẹp trong văn hóa tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh nét đẹp trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc, dư luận cũng không khỏi phiền muộn trước những thói quen không đúng của một số người, trong đó có việc cúng tiền thật ở nơi thờ Phật…
2. Vào các ngày lễ, ngày rằm, mồng một, đến bất cứ ngôi chùa nào, ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh dâng lễ bằng tiền thật lên ban thờ Phật. Rồi bất cứ chỗ nào có hương khói là người ta đều có thể rải tiền.
Nhất là trong ngày khai hội sau Tết Nguyên đán vừa qua ở một số nơi thờ tự lớn như chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh)… cảnh đặt tiền, giắt tiền vào tượng Phật và nơi thờ tự diễn ra hết sức phổ biến.
Đặc biệt là ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), tất cả 500 vị La hán vị nào vị nấy đều “ôm” trong lòng một bọc tiền lẻ của du khách. Không những bỏ vào lòng, tiền còn được các thí chủ giắt vào tay, vào miệng hoặc bất cứ chỗ nào có thể giắt được. Tiền vương vãi khắp nơi, người ta thản nhiên giẫm chân lên bãi tiền…
Người đi lễ cố “rải” tiền ra càng nhiều nơi càng tốt với tâm lý muốn được Đức Phật chứng giám lời cầu xin của mình mà không biết rằng mình đang làm trái với giáo lý đạo Phật.
3. Thực ra, khi đến cửa chùa hay bất cứ nơi thờ tự nào (như đình, đền, miếu, phủ), cái quan trọng nhất của người đi lễ là tâm thành. Lễ vật dâng lên đức Phật hay các vị thánh, thần chẳng qua chỉ là để thể hiện lòng thành kính chứ không phải giá trị của lễ vật là thước đo mức độ thành tâm của người đi lễ, càng không phải dâng tiền đến tận tay Phật thì mới được phù hộ.
4. Dân gian có câu: “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”; có thể hiểu theo một góc độ nào đó là sự linh ứng chính là xuất phát tự lòng thành kính và đức tin của người đi lễ.
Còn nhà chùa thường răn: “Phật tại tâm”, và “Tâm xuất Phật biết”; hiểu nôm na là khi đến với cửa Phật cốt ở sự thành tâm, và chỉ cần có lễ vật dù đơn giản nhưng tâm thành hay phát tâm công đức là đã được đức Phật chứng giám.
Chính vì thế, nhiều nhà chùa đều khuyên các phật tử và khách hành hương nếu thực sự phát tâm Bồ đề, ủng hộ việc hoằng dương Phật pháp hay cứu độ chúng sinh nghèo khó thì nên bỏ tiền, vàng vào “Hòm công đức” chứ không nên kẹp tiền thật vào mâm hoa quả dâng cúng hay giắt tiền vào bất cứ nơi nào tại nơi thờ tự.
Nếu theo cách hiểu của nhiều người là “trần sao âm vậy” hay “trần sao cõi tâm linh vậy” thì chả nhẽ ta giắt tiền vào tay Phật là để đức Phật tiêu tiền của cõi dương gian hay sao? Và như thế thì đã trần tục hóa chốn cửa thiền quá.
Còn nếu nghĩ rằng giá trị lễ vật hay đồng tiền dâng cúng là thước đo mức độ thành tâm của người đi lễ thì chẳng hóa ra cái tâm của mình chỉ đáng giá mấy đồng bạc lẻ thôi sao?
Còn nếu nghĩ rằng phải đưa tiền đến tận tay thì Phật mới nghe được lời cầu xin của mình thì sao còn gọi là đức Quán Thế Âm Bồ Tát, nghĩa là nghe thấu mọi lời của chúng sinh nơi thế gian…
5. Đã có đức tin đến với cửa Phật thì cốt ở tâm thành, đừng câu nệ lễ vật sang hay hèn; có tâm thành thì chỉ cần nén hương thơm và đĩa hoa tươi cũng được coi là đủ lễ vào chùa. Còn muốn phát tâm công đức thì chỉ cần bỏ tiền vào “Hòm công đức” là đã được Đức Phật chứng giám chứ không phải là giắt tiền vào tay Phật.
Đó là chưa nói việc kẹp tiền vào mâm lễ hay giắt tiền vào tay Phật… là phạm vào điều kiêng kỵ và làm mất vẻ thanh tịch thờ Phật của chùa.
Một lần nữa xin nhắc lại: “Phật tại tâm”, và: “Tâm xuất Phật biết”.
Đừng dung tục hóa chốn cửa thiền.
Theo Tintuc.vn