Buổi sáng đẹp trời tỉnh dậy, tôi phát hiện mình bị ra máu báo. Hai vợ chồng trẻ cuống cuồng, lo lắng không biết có nên nhập viện luôn hay không bởi tôi chưa có dấu hiệu đau đớn gì cả. Gọi hỏi bác sĩ, chị dặn tôi nếu chưa đau thì hãy cứ ở nhà theo dõi bởi có những sản phụ ra máu báo sớm 1, 2 ngày trước sinh là thường. Bác sĩ dặn dò, khi nào xuất hiện những cơn co tử cung liên tục, cứ 3 phút/ lần thì vào nhập viện.
Đến tầm trưa, những cơn đau co thắt chuyển dạ bắt đầu xuất hiện và tần số đau ngày càng nhanh. Lúc này, chồng tôi quyết định đưa tôi vào viện chứ không thể tiếp tục ngồi nhà nữa.
Làm thủ tục nhập viện xong xuôi, chồng tôi lỉnh kỉnh xách cái làn đựng vật dụng được tôi chuẩn bị sẵn đi nhận phòng. Tôi và người nhà vừa ngồi chưa ấm mông thì bác sĩ gọi tôi vào khám. Một đường hành lang dài lát gạch trắng toát sực mùi thuốc tẩy dẫn đến phòng khám, nơi ấy các sản phụ đứng ngồi đủ các tư thế.
Chiếc ghế nằm khám là điều ám ảnh tôi đầu tiên. Sau khâu khám rồi đến siêu âm, nghe nhịp tim thai nhi, mọi thứ đều bình thường, tôi mới mở 3 phân, bác sĩ tiên đoán phải đến đêm thì tôi mới sinh được. Còn giờ, tôi về phòng chờ nằm nghỉ ngơi.
Vừa về đến phòng được 10 phút, y tá lại tới gọi vào khám. Nằm trên chiếc ghế khám mà tôi lạnh toát lưng, mặt nhợt nhạt chắc cắt không còn giọt máu. Câu tuyên bố của bác sĩ: Sản phụ này cho sang phòng sinh, đã mở được 7 phân, nước ối rỉ.
Tôi chỉ kịp đi ra cửa nhắn với chồng: Bác sĩ bảo em lên bàn sinh. Chồng tôi ngồi ngoài chờ đợi cùng hai mẹ.
Điều ám ảnh thứ hai đó chính là căn phòng đẻ. Căn phòng trắng toát với mùi thuốc khử trùng bao trùm mọi ngóc ngách, những cơn đau bắt đầu dồn dập thúc xuống. Phòng ngoài tôi ra thì có thêm một sản phụ nữa nhưng một lúc sau sản phụ đó được chỉ định sang phòng mổ bắt con. Cả căn phòng rộng thênh thang chỉ còn lại một mình tôi với nhóm y, bác sĩ.
Cơn đau lại tiếp tục ngày một dồn dập hơn nữa. Cảm giác như đã quá sức chịu đựng của mình, cổ tử cung đã mở 8 phân rồi đến 9 phân.
Bác sĩ truyền nước. Bác sĩ hướng dẫn tôi cách đặt chân, đặt tay ở đâu rồi cách lấy hơi chuẩn bị cho những cơn gò tử cung liên tục để vượt cạn.
Nhưng khi xuất hiện cơn gò thì mọi lý thuyết quên sạch, tôi chỉ biết làm theo bản năng.
Trong lúc đau đớn, tôi mơ màng nghe thấy họ bảo tiêm thêm mũi gì đó làm tử cung mềm. Bác sĩ đếm 1, 2, 3 để tôi dặn nhưng cố gắng mãi tôi vẫn chưa nghe thấy tiếng khóc của con.
Bác sĩ thì cứ giục giã rằng nhanh lên, cố lên, hít thở sâu vào rồi đẩy ra, dùng hết sức lực của mình đi. Đến mức sức tôi đã đuối phải thêm sự hỗ trợ của một bác sĩ khác ấn trên bụng tôi.
Tôi chỉ biết cố gắng, cố gắng dùng hết sức bình sinh. Bác sĩ bảo đầu em bé đã mấp mé ở ngoài rồi mẹ phải cố lên không con mà ở lâu trong đó sẽ bị ngạt. Chẳng hiểu sao, sau khi nghe câu đó, sức lực ở đâu lại trỗi dậy giúp tôi vượt cạn thành công. Cảm giác bẫng một cái, tiếng con khóc oa oa. Chỉ chờ có vậy, tôi nằm bẹp xuống bàn đẻ.
Bác sĩ bế bé con cho da kề da với mẹ, giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má từ khi nào chẳng hay. 9 tháng mang nặng giờ được ôm, được ngắm hình hài bé con - một cảm xúc mới lạ khó tả - phải chăng đó là tình mẫu tử thiêng liêng.
Em bé được cắt dây rốn, lau chùi, hút dịch rồi đưa ra ngoài cho người nhà còn mẹ sẽ phải ở lại khâu vá tầng sinh môn đau khủng khiếp.
Nỗi ám ảnh thứ 3 mang tên rạch và khâu tầng sinh môn. Đau cơn gò tử cung chưa là gì so với việc bị rạch tầng sinh môn. Nhưng việc khâu lại tầng sinh môn lại còn khủng khiếp hơn dù đã được dùng thuốc tê.
Còn nữa
Phong Linh