Truyền thành công máu nhân tạo vào cơ thể người
Mới đây, cơ quan quản lý Hiến máu và Hiến tạng Anh (NHSBT) đã trở thành đơn vị đầu tiên trên giới truyền thành công máu nhân tạo vào cơ thể người trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Đây là nền tảng để các nhà khoa học kiểm chứng độ an toàn của các tế bào hồng cầu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đối với cơ thể người và là bước tiến lớn cho việc điều trị những người bị rối loạn máu và có nhóm máu hiếm.
Các nhà nghiên cứu Anh cho biết, nếu thành công, công nghệ này có thể cải thiện đáng kể việc điều trị cho những người bị rối loạn máu và nhóm máu hiếm.
Thử nghiệm sẽ được mở rộng cho 10 bệnh nhân trong vòng vài tháng. Mục đích của thử nghiệm nhằm nghiên cứu tuổi thọ của các tế bào hồng cầu được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, so với việc truyền các tế bào hồng cầu tiêu chuẩn.
Công nghệ này có thể cho phép các nhà khoa học sản xuất các nhóm máu rất hiếm. Điều này rất quan trọng đối với những người phụ thuộc vào truyền máu thường xuyên vì các bệnh như thiếu máu hồng cầu hình liềm.
"Nghiên cứu hàng đầu thế giới này đặt nền tảng cho việc sản xuất các tế bào hồng cầu, có thể được sử dụng một cách an toàn để truyền máu cho những người mắc các chứng rối loạn như hồng cầu hình liềm", tiến sĩ Farrukh Shah, giám đốc y tế của Trung tâm máu và cấy ghép NHS, một trong những thành viên dự án, cho biết.
Theo The Verge, cột mốc lịch sử này chính là thành quả sau hàng thập kỷ nuôi cấy tế bào máu nhân tạo trong phòng thí nghiệm của các nhà khoa học. Trang tin cho biết, tế bào máu NHSBT sử dụng được trích từ tế bào mầm của máu người trưởng thành.
Các nhà khoa học sẽ cần khoảng 500.000 tế bào này để tạo ra 50 tỷ tế bào máu nhân tạo. Trong đó, 15 tỷ tế bào sẽ đã được sử dụng để thử nghiệm truyền máu.
“Chúng tôi đã có thể tự tạo tế bào hồng cầu dùng cho mục đích y học. Chúng đã giúp hiện thực hóa thử nghiệm truyền máu này”, Rebecca Cardigan, Giám đốc phát triển vật liệu tại NHSBT, cho biết.
Cũng theo The Verge, nghiên cứu truyền máu nhân tạo vào cơ thể người là một phần của thử nghiệm lâm sàng do NHSBT thực hiện nhằm so sánh tuổi thọ của các tế bào máu nhân tạo với tế bào máu thông thường khi được truyền vào cơ thể người. Thử nghiệm này sẽ được thực hiện với 10 tình nguyện viên và chỉ truyền một lượng máu nhỏ (khoảng 2 thìa cà phê) vào người.
Tiềm năng của máu nhân tạo với con người
Nếu chứng minh thành công các tế bào máu nuôi cấy có tuổi thọ vượt trội so với máu thường, bệnh nhân sẽ không cần phải truyền máu nhiều như trước đây.
Thông thường, thời gian sống của hồng cầu sẽ kéo dài 90-120 ngày và có thể chứa hỗn hợp các tế bào hồng cầu cũ và mới nếu lấy từ nguồn hiến máu bên ngoài. Trong khi đó, máu nhân tạo hoàn toàn được nuôi cấy mới nên sẽ hoạt động hiệu quả và có tuổi thọ lâu hơn.
“Chúng tôi hy vọng, tế bào hồng cầu nhân tạo sẽ sống lâu hơn tế bào lấy từ nguồn hiến tặng. Nếu thử nghiệm truyền máu nhân tạo đầu tiên trên thế giới của chúng tôi thành công, những bệnh nhân phải phụ thuộc vào truyền máu sẽ không cần phải truyền nhiều như trước đây”, Giáo sư Cedric Ghevaert tại Đại học Cambridge khẳng định.
Không chỉ vậy, thử nghiệm này cũng sẽ giúp các nhà khoa học sản xuất các nhóm máu hiếm, khó tìm, trở thành nguồn máu nhân tạo cho những bệnh nhân đặc biệt.
Đơn cử như những người mắc bệnh hồng cầu lưỡi liềm cần phải được truyền máu thường xuyên vì các tế bào hồng cầu hình lưỡi liềm dễ dàng bị phá vỡ và chết đi, khiến họ không có đủ tế bào hồng cầu.
Nhưng, cơ thể của họ còn hình thành kháng thể, kháng lại một số loại protein trong máu người bình thường. Do đó, nếu phát triển thành công máu nhân tạo, các nhà khoa học sẽ có thể sử dụng kỹ thuật này để tạo ra tế bào hồng cầu được nuôi cấy mà không có các loại protein này.
Theo The Verge, công nghệ máu nhân tạo vẫn còn cần nghiên cứu và phát triển thêm trước khi chính thức sử dụng. Các nhà khoa học cũng phải tìm cách để nhân rộng nguồn cung đến các bệnh viện. Vì thế, hiến máu vẫn là hoạt động cần thiết trước khi máu nhân tạo được đưa vào sử dụng rộng rãi.
“Nhu cầu hiến máu vẫn cao. Nhưng thử nghiệm này sẽ là bước tiến rất quan trọng đối với những người phụ thuộc vào truyền máu thường xuyên”, Giám đốc Farrukh Shah, cho biết.
Máu "nhân tạo" có đắt?
Công nghệ này tốn một khoản chi phí đáng kể, đắt hơn hình thức hiến máu truyền thống. Mức tiền có thể giảm sau khi ứng dụng được nhân rộng. Các chuyên gia hy vọng rằng tuổi thọ vượt trội của các tế bào hồng cầu được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể tương đương với việc bệnh nhân ít cần truyền máu hơn theo thời gian.
Một lần truyền máu điển hình chứa hỗn hợp các tế bào hồng cầu già và trẻ, có nghĩa là tuổi thọ của chúng có thể không thể đoán trước và dưới mức tối ưu. Trong khi đó, máu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được tạo ra mới, có nghĩa là nó sẽ tồn tại trong 120 ngày dự kiến của các tế bào hồng cầu.
Tuy nhiên, chi phí truyền loại máu này hiện còn đắt. Theo Trung tâm máu và cấy ghép NHS, chi phí truyền máu trung bình hiện tại khoảng 145 bảng Anh. Các sản phẩm máu thay thế được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể sẽ đắt hơn.
Cơ quan này cũng cho biết "vẫn chưa có con số" cho quy trình trên, nhưng nói thêm chi phí sẽ giảm khi công nghệ được mở rộng.
Người phát ngôn của trung tâm nói với Đài CNBC: "Nếu thử nghiệm thành công, loại máu "nhân tạo" này có thể được giới thiệu trên quy mô lớn trong những năm tới, đồng nghĩa với việc chi phí sẽ giảm xuống".
Trúc Chi (theo Zing, Tuổi Trẻ)