Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là hướng đi mới hợp với xu thế của thời đại. Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi hình thức thi tuyển vị trí Hiệu trưởng của một trường đại học, nên cần thiết phải có những quy định rõ ràng để đảm bảo được công bằng và thu hút người tài trong vấn đề thi tuyển.
Bước đột phá trong quản lý giáo dục
Trong nhiều năm qua, việc bổ nhiệm vị trí Hiệu trưởng của một trường đại học công lập thường thông qua bầu lấy phiếu tín nhiệm ở cơ sở hoặc do đề bạt từ cấp trên đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Thậm chí, nhiều lần việc bổ nhiệm vị trí Hiệu trưởng trường đại học công lập đã nảy sinh tiêu cực. Do đó, đại học Hải Phòng tổ chức thi tuyển Hiệu trưởng được cho là một cách làm mới, có thể khắc phục được những nhược điểm trên.
Theo Phó chủ tịch HĐND TP.Hải Phòng, ông Nguyễn Đình Bích, thì việc tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng trường đại học Hải Phòng nhằm đổi mới công tác tuyển chọn đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, sức quy tụ, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc Hải Phòng tổ chức công khai việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo do Thành ủy quản lý và cũng là trường đại học đầu tiên trong cả nước thi tuyển chức danh Hiệu trưởng là nhằm đáp ứng kỳ vọng trên. Kết quả thi tuyển là cơ sở để Thành ủy xem xét, quyết định bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng.
Thông tin PV nắm được, những ứng cử viên tham gia thi phải là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng đương chức các trường đại học công lập trong và ngoài thành phố. Điều kiện, tiêu chuẩn dự thi: Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; không trong thời gian đang thi hành kỷ luật, không trong thời gian bị cấm đảm nhiệm chức vụ; trong độ tuổi bổ nhiệm cán bộ và đủ sức khỏe theo quy định; có trình độ tiến sỹ; đã tốt nghiệp hoặc đang học cao cấp (hoặc cử nhân) lý luận chính trị; sử dụng được một trong 5 ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, trình độ C và tương đương trở lên; sử dụng được công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành, giảng dạy; có uy tín trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo; có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm. Ưu tiên các ứng viên có học hàm phó giáo sư trở lên; có trình độ chuyên môn phù hợp với các chuyên ngành đào tạo chính của trường; là cán bộ trẻ; có giải thưởng về công tác nghiên cứu khoa học và quản lý. Công tác tổ chức thi tuyển cũng được tiến hành rất nghiêm túc, hội đồng bao gồm những vị lãnh đạo chủ chốt của TP. Hải Phòng, các nhà quản lý giáo dục có uy tín, các GS, TS đến từ các trường đại học lớn ở Hà Nội, Hải Phòng và đại diện của Chính quyền, bộ Giáo dục & Đào tạo, trường đại học Hải Phòng.
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng chúc mừng PGS. TS Phạm Văn Cương (thứ 2 từ bên trái sang), người chiến thắng trong cuộc thi tuyển chọn Hiệu trưởng.
Bàn về vấn đề thi tuyển chức danh hiệu trưởng của một trường đại học, trao đổi với PV, GS.TS Nguyễn Văn Thuyết cho rằng, cách làm này của đại học Hải Phòng rất mới với nền giáo dục nước nhà. Cần thiết nên tiến hành theo hình thức thi tuyển nhằm minh bạch hoá việc bổ nhiệm. GS.TS Nguyễn Văn Thuyết cũng cho rằng, việc thi tuyển cần mở rộng, không chỉ tiến hành thi tuyển chức vụ Hiệu trưởng mà nên áp dụng thi tuyển đối với vị trí trưởng khoa, trưởng bộ môn. Có như vậy chúng ta mới thu hút được người tài đảm đương những vị trí quan trọng trong các trường đại học hiện nay. Cách làm này có thể là một bước đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục bậc đại học.
"Tôi cho rằng, vấn đề bổ nhiệm vị trí Hiệu trưởng theo bỏ phiếu hay đề bạt như trước đây không còn phù hợp với tinh thần của thời đại nữa. Nhiều trường hợp, sau khi bỏ phiếu tại trường thì trúng nhưng lên lãnh đạo cấp cao gạt đi vì người trúng phiếu lại không được lòng cấp trên. Nhiều trường hợp lãnh đạo cấp trên bổ nhiệm rồi, ở dưới cũng bỏ phiếu rồi, nhưng khi đang đương nhiệm lại liên tục sai phạm dẫn tới Bộ phải quyết định cách chức, sau đó cử cán bộ cấp Bộ về kiêm nhiệm quản lý. Cách chọn lựa người ở vị trí cao nhất của một trường đại học như vậy là không ổn. Tôi hy vọng hình thức thi tuyển sẽ hạn chế được tình trạng trên" - ông Nguyễn Tất Thu, Thứ trưởng bộ Nội vụ cho biết. Theo ông Thu, việc thi tuyển này nên áp dụng ở các sở, ban ngành của hệ thống chính quyền chứ không chỉ ở các trường đại học.
phải Có quy trình minh bạch, công bằng
Cũng liên quan đến việc thi tuyển Hiệu trưởng đại học, GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục & Đào tạo khi được PV báo ĐS&PL phỏng vấn thì cho rằng, thi tuyển là hình thức thu hút người tài ở ngoài trường vào vị trí lãnh đạo chủ chốt của các trường đại học. Cách làm này rất tốt, nhiều trường sẽ có được các bộ lãnh đạo có năng lực và đạo đức đáp ứng được nhu cầu phát triển của trường.
Theo GS.TS Trần Hồng Quân, bất kỳ hình thức nào cũng sẽ có thể phát sinh những sai phạm trong quá trình thực hiện. Đây là hình thức tốt nhưng phải có quy định rõ ràng thì sẽ có cơ sở để xử lý. Thực tế, hình thức bổ nhiệm thông qua việc bỏ phiếu lấy tín nhiệm ở trường đại học và đề bạt trước đây đã từng xảy ra nhiều trường hợp không minh bạch. Thi cử tuy là một hướng mới nhưng, cũng cần phải quy định chặt chẽ, tránh tình trạng thi cử để hợp thức hoá vị trí Hiệu trưởng vốn được cơ cấu từ trước. "Nếu chúng ta đem kế hoạch thi Hiệu trưởng thì cũng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể. Bộ Giáo dục & Đào tạo cần có quy định, các điều khoản rõ ràng để nơi nào làm sai thì có căn cứ xử lý. Tôi rất hoan nghênh cách làm này. Vấn đề là chúng ta phải đưa ra được quy trình công bằng".
Theo ông GS.TS Trần Hồng Quân, thông thường, rất khó kiểm chứng năng lực những ứng viên thi tuyển. Vì vậy, cần có những quy định về tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, những quy định và tiêu chí chỉ là hình thức chưa thể khẳng định được năng lực thực sự là người tài hay không. Chính vì vậy, trong công tác thi, đòi hỏi phải có văn bản chỉ đạo cụ thể và hướng dẫn rõ ràng. Văn bản đó phải quy định rõ về đối tượng tham gia, cách thành lập hội đồng, cách thức tổ chức thi... làm sao đảm bảo được tính khách quan và thu hút được người tài vào vị trí chủ chốt.
Cần mở rộng đối tượng tham gia
Bàn về đối tượng tham gia trong cuộc thi tuyển Hiệu trưởng trường đại học, quy định đối tượng được tham gia phải là Hiệu trưởng hoặc Phó hiệu trưởng của một trường đại học công lập là chưa thực tế. Nếu muốn thu hút người tài, chúng ta cần cho tất cả GS.TS trong độ tuổi, ở mọi nơi, đủ điều kiện tham gia thi. Quan điểm của GS.TS Trần Hồng Quân là "Không nhất thiết phải là những người từng kinh qua chức vụ Hiệu trưởng hay Phó hiệu của một trường đại học công lập, chỉ cần những người quản lý cấp trường, cấp khoa là được. Còn quy định phải là đảng viên chúng ta cũng cần có hướng mở hơn. Đối với tôi, những trường ngoài công lập không nhất thiết phải có quy định này".
GS.TS Đào Trọng Thi cho rằng, đối tượng và yêu cầu như trường đại học Hải Phòng quá cao, như vậy là tự trói mình. Muốn làm Hiệu trưởng phải thông qua hiệu phó rõ ràng là đúng, nhưng chúng ta phải thẳng thắn nhìn ra vấn đề những người đã kinh qua hiệu phó nhiều năm thì tuổi tác cũng đã lớn rồi. Lúc đó, được trúng tuyển vào vị trí Hiệu trưởng thì thời gian cống hiến không còn nhiều. Nếu muốn nhân rộng cách làm này chúng ta cần bàn cho đúng để hợp với thời đại nhằm chọn được người hiền tài thực hiện mục tiêu tạo ra được đột phá trong quản lý, do đó cần có hướng mở.
Tâm sự của người “trúng tuyển” PGS.TS Phạm Văn Cương chia sẻ với báo chí, ở tuổi 55 tôi vẫn quyết định đi thi, dù biết đây là một áp lực lớn. "Tôi muốn trở thành người đứng đầu một trường đại học. Ở vị trí đó, tôi nghĩ mình có thể chủ động hơn khi biến những ý tưởng thành hiện thực. Tôi biết, nếu được chọn vào vị trí mới, tôi sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn là vị trí ổn định hiện nay. Nhưng thách thức vẫn luôn là động lực để nhà khoa học, quản lý có thể nỗ lực và tạo được dấu ấn tích cực trong nhiệm kỳ của mình". |
Trinh Phúc