Nhận định đầu tư
Chứng khoán Asean (Aseansc): Thông tin “nới room tín dụng” giúp nhóm ngân hàng phủ sắc xanh nhưng chưa lan tỏa rộng khi tâm lý nghỉ ngơi trước lễ vẫn đang hiện hữu. Thị trường có xu hướng tiếp diễn giằng co biên độ hẹp khi lực cầu chưa được kích hoạt và sức ép ở nhiều nhóm cổ phiếu vẫn khá lớn.
Aseansc đánh giá tích cực về triển vọng thị trường trung và dài hạn. Nhà đầu tư nên giữ tỉ trọng cổ phiếu ổn định, các cổ phiếu có sức mạnh giá tốt đi kèm các thông tin kinh doanh tích cực sẽ là điểm đến thu hút dòng tiền.
Chứng khoán Tiên phong (TPS): VN-Index vẫn gặp khó trong việc vượt được ngưỡng cản 1.290 điểm. Tính đến phiên ngày 29/8 đã có 5 lần VN-Index chạm lên vùng 1.285 điểm rồi suy yếu.
Thị trường đang chờ đợi một cây nến khẳng định xu hướng với thanh khoản lớn (có thể là nến tăng hoặc giảm) để xác nhận xu hướng trong ngắn và trung hạn.
TPS khuyến nghị nhà đầu tư hạ tỉ trọng và chỉ nên giải ngân khi VN-Index vượt 1.300 điểm với thanh khoản lớn hoặc thị trường lùi về vùng giá 1.220 – 1.240 điểm.
Chứng khoán Shinhan (SSV): Thị trường đang ở vùng trống về thông tin kết quả kinh doanh và sắp bước vào kỳ nghỉ lễ 2/9 khiến cho động lực mua thêm của nhà đầu tư đang giảm bớt trong những phiên vừa qua.
SSV khuyến nghị nhà đầu tư nên quan sát diễn biến thị trường trong thời gian tới để có hành động phù hợp.
Nếu thị trường duy trì thanh khoản thấp-trung bình tại các phiên giảm điểm và lực mua xuất hiện với thanh khoản gia tăng tại phiên tăng điểm (lý tưởng nếu VN-Index có thể bứt lên hẳn 1.300 với thanh khoản cải thiện), nhà đầu tư có thể tự tin gia tăng vị thế của mình.
Ở chiều ngược lại, nếu thanh khoản tăng mạnh, biên độ rộng tại phiên giảm điểm và đánh mất ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm, nhà đầu tư có thể cân nhắc giảm tỉ trọng để quản lý rủi ro danh mục.
Khuyến nghị đầu tư
- FMC (CTCP Thực phẩm Sao Ta): Chờ bán
Theo thông tin từ phía Sao Ta, đơn hàng đã đủ cho các nhà máy hoạt động đến cuối năm 2024. Nhà máy mới Sao Ta 2 công suất đang đạt khoảng 30-35%, do đó còn nhiều dư địa để chuẩn bị cho giai đoạn thị trường tôm hồi phục.
Thị trường Nhật Bản vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của công ty (35,5%), theo sau đó là thị trường EU (24,8%) và Mỹ (21,9%).
Theo TCBS, từ đây đến cuối năm thời tiết có các yếu tố bất lợi nên Sao Ta dự kiến lượng tôm của Việt Nam sẽ giảm đến cuối năm; tuy nhiên tình hình hiện nay nguồn cung từ các nước khác vẫn ổn định nên giá có thể sẽ khó tăng nhiều trong thời gian tới.
TCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc tiếp tục nắm giữ.
- SCS (CTCP Dịch vụ Hàng hoá Sài Gòn): Trung lập. Giá mục tiêu 1 năm là 91.900 đồng/cổ phiếu, tăng 11% so với giá hiện tại.
Trong nửa cuối năm 2024, sự gián đoạn kéo dài tại Biển Đỏ sẽ tác động tích cực lên triển vọng lợi nhuận cho SCS. SSI doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 949 tỷ đồng (tăng 34,6% so với cùng kỳ) và 760 tỷ đồng (tăng 33,5% so với cùng kỳ) cho năm 2024.
Trong năm 2025, SSI kỳ vọng sản lượng sẽ quay trở lại mức tăng trưởng tự nhiên trong khi lợi nhuận trước thuế tăng 9,5% so với cùng kỳ, đạt 833 tỷ đồng.
Tuy nhiên, SSI lưu ý rằng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế dự kiến sẽ chậm lại do ưu đãi giảm thuế 50% trên thu nhập chịu thuế sẽ hết hiệu lực ở năm 2025.
Khả năng mở rộng công suất hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Long Thành sẽ là động lực thúc đẩy triển vọng dài hạn của doanh nghiệp.
Rủi ro giảm đối với khuyến nghị: Thanh khoản của cổ phiếu thấp. Ngoài ra, gián đoạn ở Biển Đỏ lắng xuống sớm hơn dự kiến làm giảm lợi thế cạnh tranh tương đối của vận chuyển đường hàng không.