Làng nghề bánh chưng lớn nhất Nghệ An rộn ràng vào vụ Tết

Làng nghề bánh chưng lớn nhất Nghệ An rộn ràng vào vụ Tết

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Chủ nhật, 12/01/2025 07:26

Càng sát ngày Tết Nguyên đán, người dân làng nghề bánh chưng Vĩnh Hoà càng khẩn trương, tất bật để làm kịp đáp ứng nhu cầu thị trường.

Làm bánh chưng "quên ăn, quên ngủ"

Những ngày này, gia đình chị Hoàng Thị Châu (SN 1974), trú làng Vĩnh Hoà, xã Đông Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An tấp nập người vào kẻ ra, trên tay nặng trĩu những chiếc bánh chưng vừa mới nấu xong.

Làng nghề bánh chưng lớn nhất Nghệ An rộn ràng vào vụ Tết- Ảnh 1.

Phần lớn người dân Vĩnh Hoà đã có kinh nghiệm làm bánh chưng hàng chục năm trở lên.

Ngồi đãi đậu xanh, chị Châu cho biết, những ngày cận Tết, công việc của các thành viên trong gia đình bắt đầu từ khoảng 6h sáng mỗi ngày, cho đến tận đêm khuya.

Do số lượng nhận đặt bánh chưng tăng lên gấp đôi so với ngày thường, gia đình đã phải huy động hết người thân trong nhà và thuê thêm nhân công, để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường.

"Càng sát Tết thì chúng tôi ngủ càng ít, có những hôm lượng hàng đặt quá nhiều chỉ chợp mắt khoảng 3 tiếng. Vất vả thế nhưng nghĩ đến có thêm thu nhập thì ai cũng cố gắng", chị Châu nói.

Chị Châu lấy chồng về đây, vì vậy đã có kinh nghiệm hơn 30 năm làm bánh, nhưng so với những người trong làng thì vẫn chưa bằng.

Chị cho biết, không ai nhớ rõ nghề gói bánh chưng ở làng Vĩnh Hoà có từ bao giờ, cứ cha truyền con nối giữ gìn, phát triển cho đến ngày hôm nay. Ở đây, đa số người dân đều gói bánh chưng, lấy đó làm nguồn thu nhập chính.

Làng nghề bánh chưng lớn nhất Nghệ An rộn ràng vào vụ Tết- Ảnh 2.

Gạo nếp gói bánh là loại ngon nhất, mình tròn mẩy, trắng.

Cách đó không xa, gia đình bà Lê Thị Yến (SN 1955) cũng đang tất bật chuẩn bị các công đoạn lau lá để gói bánh. Bà Yến đã làm nghề từ hồi rất nhỏ, vì vậy, trung bình bà chỉ mất 30 giây để gói một chiếc bánh mà không cần khuôn, thế nhưng chiếc bánh rất đẹp và chặt tay, vuông vắn.

"Ngày trước còn khó khăn đủ bề, người dân làm bánh phải kéo xe kéo chở bánh đi khắp nơi. Có người bỏ mối tận Nam Đàn, Tp.Vinh, cũng có người đi sang tận tỉnh Hà Tĩnh để bán. Nhớ thời đó, ngày nào bán hết mẻ bánh là vui lắm", bà Yến kể.

Cũng nhờ vậy, bánh chưng Vĩnh Hoà đã nhận được sự yêu quý của muôn phương bởi chất lượng, vị thơm ngon và độ dẻo không thể lẫn đi đâu được. "Tiếng thơm đồn xa", công việc làm bánh thuận lợi hơn nên người dân càng tập trung, yêu quý nghề.

"Trước Tết dương, công việc sẽ tất bật hơn khi có nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi. Còn từ 15/12 âm lịch, mọi người phải làm xuyên cả ngày đêm. Trung bình mỗi vụ Tết, gia đình nhận gói tầm 10.000 chiếc bánh", bà Yến nói.

Bí quyết làm ra chiếc bánh chưng thơm ngon

Bánh chưng Vĩnh Hòa chỉ cần miếng cắn đầu tiên, thì có thể nhận ra sự dẻo thơm của nếp, hòa quyện với vị bùi của đỗ xanh, lại có thêm chút cay của hành tía, ớt tiêu và thơm ngậy của miếng thịt ba chỉ.

Làng nghề bánh chưng lớn nhất Nghệ An rộn ràng vào vụ Tết- Ảnh 3.

Đỗ mới, ruột vàng, bở, hạt mẩy để giúp phần nhân bánh thêm thơm ngon, đậm đà.

Theo những người thợ làng bánh Vĩnh Hòa, để có được một chiếc bánh chưng ngon phải nằm ở cách chọn nếp. Gạo nếp là loại ngon nhất, mình tròn mẩy, trắng, kiểm tra cẩn thận, tránh lẫn gạo tẻ vào sau đó mới ngâm nước, rắc một ít muối trắng vào để khi ăn cảm thấy đậm đà.

Ngoài ra, để nhân ngon thì chọn thịt tươi ngon, đỗ xanh bùi quánh, hành tía thật già. Nhân bánh phải cân bằng tỉ lệ giữa đậu xanh, thịt ba chỉ ướp với gia vị để không gây cảm giác ngán cho người ăn tạo nên đặc trưng riêng chỉ có ở làng bánh này. Gói bánh chưng không khó, nhưng từng công đoạn phải thật tỉ mỉ, kĩ lưỡng.

Làng nghề bánh chưng lớn nhất Nghệ An rộn ràng vào vụ Tết- Ảnh 4.

Lá bánh không quá già, không quá non, khổ rộng vừa phải, đều nhau, không bị rách, có màu xanh mướt.

Chị Phan Thị Khương, trú làng Vĩnh Hoà cho biết, khi gói xong, bánh được đun liên tục 7-8 tiếng đồng hồ. Sau đó, đợi than tàn, nước nguội để bánh chín đều từ trong ra ngoài. Nếu vớt bánh khi nước còn nóng, vỏ bánh sẽ bị cháy, màu bánh không xanh.

"Cũng là chiếc bánh chưng, cũng từ làng Vĩnh Hòa nhưng mỗi nhà mỗi vị. Những năm gần đây, để bánh không bị cháy thì các gia đình đã đầu tư nồi nấu bằng điện. Bánh vớt ra, rửa sạch, ép hết nước xong mới giao hàng cho khách", chị Khương nói.

Làng nghề bánh chưng lớn nhất Nghệ An rộn ràng vào vụ Tết- Ảnh 5.

Việc kinh doanh của người dân tốt hơn dẫn đến việc tạo diện mạo mới cho địa phương.

Ông Hoàng Mạnh Linh, Chủ tịch UBND xã Đông Thành, huyện Yên Thành cho biết, hơn 200 hộ dân ở Vĩnh Hòa nhà nào cũng làm bánh chưng để bán hoặc để ăn trong những dịp lễ, Tết.

Cũng có gia đình cha truyền con nối đến 3 đời. Đời ông cha, bánh chỉ được bán ở những chợ làng, chợ huyện, nhưng đến đời con cháu thì việc kinh doanh cấp tiến hơn, thị trường hơn và hiệu suất kinh doanh nhờ thế cũng lớn hơn.

Năm 2005, làng Vĩnh Hòa được công nhận làng nghề chế biến nông sản. Giờ đây, nhờ mạng xã hội nên bánh chưng Vĩnh Hoà đã có sức lan toả đến các thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Người dân không phải đi bán cũng có nguồn thu nhập ổn định.

"Không chỉ là sự tự hào về làng nghề truyền thống mà bánh chưng Vĩnh Hòa còn đem lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động nơi đây, đồng thời góp phần tạo diện mạo mới cho địa phương", ông Linh nói.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.