Tăng tốc sản xuất
Những ngày này, dọc theo các tuyến đường nông thôn ở làng nghề bánh tráng truyền thống xứ Cù lao Mây, xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long rợp giàn phơi với những chiếc bánh tráng to và tròn. Người dân nơi đây hối hả sản xuất bánh phục thị trường Tết.
Nhằm đáp ứng thị trường năm nay, hàng chục hộ dân nơi đây đang đẩy nhanh hết công suất sản xuất bánh tráng để kịp giao cho các đơn hàng ở khắp các tỉnh.
Là người có hơn 40 năm làm nghề bánh tráng truyền thống, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Ngọc Nha, 61 tuổi, ngụ xã Lục Sĩ Thành - chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Thúy Liễu) cho biết, từ sáng sớm vợ chồng ông đã phải thức dậy chuẩn bị mọi công đoạn để sản xuất bánh tráng theo đơn đặt hàng. Dịp Tết, lượng tiêu thụ tăng nên vợ chồng ông Nha phải “tăng tốc” sản xuất.
Theo ông Nha, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, năm nay ông chủ yếu lấy công làm lời, không thuê thêm nhân công. Do vậy, mỗi ngày vợ chồng ông chỉ sản xuất từ 500-700 bánh tráng các loại (bánh tráng ngọt sữa, bánh tráng thanh long, bánh tráng ớt,…), giảm khoảng 50% so với những năm trước.
Còn tại cơ sở sản xuất bánh tráng Tuyết Mai, bà Trần Thị Tuyết Mai, 60 tuổi, ngụ xã Lục Sĩ Thành - chủ cơ sở cũng đang hối hả sản xuất ra những chiếc bánh thơm ngon phục vụ cho ngày Tết.
Bà Mai cho biết, để có được những chiếc bánh tráng thơm ngon đòi hỏi phải qua khá nhiều công đoạn, đó được xem là bí quyết riêng. “Gia đình tôi làm bánh tráng với hàng chục năm kinh nghiệm, nghề này do ông bà truyền lại và tôi đã duy trì phát triển cho đến nay”, bà Mai chia sẻ.
Nhờ vào nghề sản xuất bánh tráng truyền thống mà gia đình ông Nha, bà Mai và nhiều hộ dân khác nơi xứ Cù lao Mây đã có cuộc sống ổn định, nuôi dạy các con ăn học trưởng thành. “Nghề này khá nhàn, thu nhập tương đối ổn định nhưng đòi hỏi sự khéo léo, lành nghề thì mới mong giữ được khách hàng”, một người dân nơi làng nghề sản xuất bánh tráng truyền thống nói.
Thích ứng thị trường
Ông Lương Văn Thông, Giám đốc HTX sản xuất bánh tráng Cù lao Mây cho biết, làng nghề hình thành khoảng 100 năm và được xem là đặc sản của tỉnh Vĩnh Long. Hiện làng nghề có 71 hộ dân đang sản xuất bánh tráng phục vụ quanh năm, nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết.
Bánh không chỉ được người dân trong tỉnh ưa chuộng mà còn nhiều địa phương khác mua về dùng, bởi cách làm thủ công, vị ngon, ngọt mang đậm chất quê hương.
Theo ông Thông, do ảnh hưởng bởi đại dịch, ngoài việc bán tại chỗ, các hộ sản xuất bánh tráng bán hàng qua các trang mạng xã hội, qua điện thoại rồi gửi hàng đến tận nơi. Mặc dù vậy, hầu hết các cơ sở sản xuất bánh tráng đều giảm hơn một nửa sản lượng.
“Việc giảm sản lượng là do khách hàng năm nay rất ít mua bánh tráng gửi sang nước ngoài để làm quà. Riêng các mối quen từ nhiều năm trước thì họ cũng đặt hàng giảm lại”, ông Thông chia sẻ.
Tương tự, tại phường Cái Vồn, phường Đông Thuận (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) các cơ sở sản xuất mứt phục vụ tết cũng đang trong giai đoạn cao điểm đẩy nhanh tiến độ sản xuất để đưa ra thị trường.
Anh Trần Trường Giang, 38 tuổi, chủ cơ sở sản xuất mứt Thanh Tùng ở khóm Đông Bình B, phường Đông Thuận cho biết, gia đình anh gắn bó với nghề làm mứt suốt hơn 20 năm qua.
Cơ sơ sản xuất mứt của anh được xem khá quy mô tại địa phương, với trên 10 nhân công luôn túc trực hỗ trợ sản xuất. Người nấu, người phơi mứt, đóng gói,… ai nấy đều khẩn trương.
Theo anh Giang, do trăn trở ảnh hưởng bởi đại dịch nên năm nay cơ sở của anh Giang đã giảm hơn một nửa sản lượng, chỉ sản xuất khoảng 6 tấn mứt các loại (mứt me, mứt mãng cầu, mứt chùm ruột,…) cung cấp thị trường Tết.
Dù gặp phải nhiều khó khăn như việc tìm nhân công lao động, nguyên liệu đầu vào tăng giá, nhưng anh Giang cũng như người dân làng nghề vẫn luôn nỗ lực khắc phục để ổn định sản xuất với nhiều kỳ vọng thị trường Tết được nhiều thuận lợi.
Thanh Lâm