Kết thúc 5 tháng đầu năm 2024, ngoài những khó khăn chung của cả nền kinh tế, ngành nông nghiệp Việt Nam còn hứng chịu những khó khăn rất lớn về biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn,... Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, nông nghiệp vẫn đạt được kết quả rất đáng khích lệ.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã có buổi trao đổi, thông tin về kết quả sản xuất và xuất khẩu nông lâm thủy sản trong thời gian qua.
3 giải pháp ổn định nguồn cung thịt trong nước
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ: “Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ, trong đó thặng dư thương mại đạt 6,53%”.
Để đạt được kết quả trên, toàn ngành đã thực hiện giải pháp phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về hiện tượng giá thịt lợn tăng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Việc giá thịt lợn tăng cho thấy sự phục hồi về tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh doanh cho các hộ chăn nuôi. Đứng trước vấn đề trên, để bảo vệ sản xuất, cung ứng trong nước, đồng thời hướng tới xuất khẩu, Bộ NN&PTNT đã đưa ra 3 giải pháp chỉ đạo lớn.
Thứ nhất, tập trung giải quyết, chống buôn lậu gia cầm ở phía bắc và lợn ở các tỉnh phía nam dựa trên Chỉ thị số 29. Thứ hai, tập trung cho việc rà soát nhập khẩu sản phẩm động vật. Thứ ba là xây dựng vùng an toàn thực phẩm để tăng cường xuất khẩu.
Phối hợp liên Bộ trong áp giá sàn xuất khẩu gạo
Bộ NN&PTNT thông tin, 5 tháng đầu năm 2024 ghi nhận xuất khẩu gạo đạt 2,65 tỷ USD, tăng 38%. Gạo không những sản lượng mà chất lượng cũng tăng. Giá xuất khẩu bình quân gạo đạt 638 USD/tấn, tăng 20%.
Về đề xuất áp giá sàn xuất khẩu gạo, ông Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương sẽ phối hợp để bàn bạc nhằm đưa ra các giải pháp tối ưu nhất trong bối cảnh thế giới gặp khủng hoảng về an ninh lương thực, thiếu đói. Ngoài ra, Thứ trưởng Tiến cho rằng đây là tình thế, thời cơ để nâng cao giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam.
Mặc dù diện tích cấy lúa giảm, còn khoảng 7,12 triệu ha nhưng nhờ có giống lúa mới, năng suất cao, chất lượng cao mà hết 5 tháng đầu năm, dù đối đầu với nhiều thách thức nhưng sản lượng lúa vẫn đạt 17,84 triệu tấn, tăng 2%.
Nói về những thách thức ngành lúa gạo, ông Tiến cho rằng, ảnh hưởng của xâm ngập mặt sẽ có nhưng trên cơ sở dự báo, đánh giá thực trạng để có những giải pháp sát với thực tiễn để duy trì sản lượng sẵn có.
“Chúng tôi có dự báo rất chính xác của Viện Thủy lợi Việt Nam, vừa rồi tiếp tục đầu tư để khâu dự báo được chính xác hơn. Để thấy, những địa phương không theo khuyến cáo của Bộ trên cơ sở dự báo thì đều thất bại” Thứ trưởng Tiến nói.
Với những dự báo và độ chính xác của dự báo, Bộ sẽ có các giải pháp chỉ đạo các tỉnh thành, địa phương về thời gian xuống giống, quy trình chăm sóc, khắc phục hạn mặn để đảm bảo canh tác hiệu quả.
Đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định: “Trước đây chúng ta sống chung với lũ, bây giờ là xâm ngập mặn và sụt lún ĐBSCL, song trước những thách thức ấy chúng ta có sự chủ động, điều hành và phối hợp với các địa phương để được mùa, được giá, đúng theo quá trình chuyển đổi từ chuỗi ngành hàng sang chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị sản xuất nông nghiệp”.
Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo tại buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương.
Lý do là bởi, bên cạnh nhưng dấu hiệu khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu thì ngành lúa gạo vẫn có một số tồn tại. Cụ thể như việc doanh nghiệp nợ tiền lúa nông dân, hay việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá.
“Trong số 157 đầu mối xuất khẩu gạo, chỉ 70 doanh nghiệp thuộc hiệp hội, nên họ không báo cáo và khó chỉ đạo. Theo quy định thì cũng không có biện pháp nào để chế tài. Do vậy chỉ có Bộ Công Thương mới có thể xử lý được”, ông Nam nhấn mạnh.
Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản hỏa tốc gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam yêu cầu xác minh thông tin việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo "bỏ thầu giá thấp".
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Hơn nữa, đây là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, trọng điểm của Việt Nam nên cần có những biện pháp bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.
Để giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, giữ vị thế của Việt Nam tại thị trường Indonesia, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị VFA tổ chức làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào thị trường Indonesia và báo cáo Bộ Công Thương chi tiết về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu xuất khẩu của doanh nghiệp.
Đồng thời, xác minh thông tin về việc một số doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến các hội viên để nắm rõ và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo, pháp luật cạnh tranh và phòng vệ thương mại.