Lần đầu tiên "giải phẫu mở" chùa Cầu
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND Tp. Hội An chia sẻ, dù được các thế hệ cư dân gìn giữ nhưng trải qua 400 năm tồn tại, và dưới tác động khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và thời gian, di tích chùa Cầu vẫn không tránh khỏi những hư hại.
Qua nhiều tư liệu cho biết, từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996.
Tuy nhiên, do những hạn chế về điều kiện kỹ thuật và nhiều yếu tố khác nên những lần tu bổ trước vẫn chưa giải quyết căn cơ đối với những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp di tích.
Lần tu bổ này là lần đầu tiên di tích được "giải phẫu mở", thực hiện giữa lòng một Đô thị Di sản du lịch nhộn nhịp, người dân, du khách được quan sát, tiếp cận và theo dõi, tìm hiểu toàn bộ quá trình thực hiện tu bổ di tích chùa Cầu.
Việc xây dựng nhà bao che nhằm đảm bảo quá trình nghiên cứu, thi công, tu bổ di tích không bị ảnh hưởng bởi yếu tố hạn chế mặt bằng, thời tiết cũng như các cấu kiện di tích sau khi tháo dỡ được bảo quản trong tình trạng tối ưu cũng là một điểm đặc biệt đáng biểu dương của dự án này.
Đồng thời, việc tổ chức lối giao thông tiếp cận công trình tu bổ ở phía bờ sông (phía Nam), bố trí khu vực thờ tự (tạm thời) để mọi người có thể đến tham quan, chiêm bái, các hoạt động tín ngưỡng tại di tích không bị gián đoạn… còn thể hiện sự tận tâm, trách nhiệm, chỉn chu trên nhiều phương diện của chính quyền thành phố, của chủ đầu tư - trực tiếp là đội ngũ thực hiện dự án.
Với sự khảo sát tỉ mỉ hiện trạng, cân nhắc kỹ lưỡng quan điểm, giải pháp tu bổ, cùng với sự tận tâm của đội ngũ trực tiếp tham gia dự án và ý kiến đóng góp của các chuyên gia về bảo tồn trong và ngoài nước - nhất là các bạn chuyên gia đến từ đất nước Nhật Bản, của các ban ngành, đoàn thể liên quan, đặc biệt là sự quan tâm, khích lệ của công chúng, sau hơn 19 tháng triển khai thi công tu bổ, việc trùng tu chùa Cầu đã hoàn thành một cách bài bản, khoa học.
"Dự án tu bổ di tích chùa Cầu đã đạt được những thành quả tốt đẹp như mong đợi, bảo tồn tối đa các giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa của di tích, đáp ứng sự mong mỏi của những ai yêu mến và trân quý công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt này. Việc hoàn thành tu bổ di tích chùa Cầu còn mang ý nghĩa to lớn trong dịp kỷ niệm lần thứ 20 sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản", ông Sơn nhấn mạnh.
Ý kiến trái chiều về trùng tu là chuyện bình thường
Trong khi đó, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho hay, nhờ làm tốt công tác chuẩn bị dự án với quá trình triển khai công phu, kỹ lưỡng cùng với khối lượng công việc rất lớn và kết quả đạt được quan trọng trên nhiều lĩnh vực gồm: nghiên cứu khoa học; khảo sát thực địa, tư liệu hóa kiến trúc; tọa đàm, tham vấn chuyên gia; xác lập hệ thống quan điểm, nguyên tắc và giải pháp định hướng; xây dựng phương án thiết kế; góp ý, thỏa thuận và thẩm duyệt hồ sơ đầu tư… đã tạo tiền đề rất quan trọng để dự án được triển khai một cách thuận lợi với những phần việc, phương pháp và mục tiêu cụ thể.
Kết quả thực tế chứng minh hầu hết các nội dung quy mô đầu tư, hạng mục công việc đều được triển khai và hoàn thành cơ bản theo đúng thiết kế được duyệt.
Ngoại trừ một số điều chỉnh bổ sung cần thiết, phát sinh từ kết quả khảo sát thực địa, khảo cổ học, tham vấn chuyên gia và thẩm duyệt của cấp thẩm quyền như:
Điều chỉnh giảm chiều dày lớp bê tông gia cố chân móng mố, trụ cầu do việc đào bóc tách đất đá đã đạt đến đáy đế móng, không thể đào sâu thêm; bổ sung phục hồi các đà dầm gỗ kết nối từ phần chùa ra phần cầu theo dấu vết kiến trúc được phát lộ.
Điều chỉnh khối lượng thay thế, gia cố, tận dụng các bộ phận, cấu kiện,… phù hợp kết quả kiểm tra, đánh giá thực tế sau khi hạ giải.
"Việc điều chỉnh này là luôn cần thiết trong công tác tu bổ di tích và đã được dự lường trong hồ sơ được duyệt", ông Ngọc nhận định.
Bên cạnh đó, ông Phan Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, việc trùng tu lần này là cấp bách vì nếu không công trình có nguy cơ sụp đổ khi mùa mưa bão đến.
Vì lẽ đó, việc tu bổ di tích chùa Cầu đặt ra yêu cầu rất cao về nhiều mặt cả trong quá trình chuẩn bị và triển khai thi công. Quá trình trùng tu được UBND thành phố Hội An tiến hành rất kỹ lưỡng về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa và các quy trình, thủ tục pháp lý.
"Có nhiều ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu chùa Cầu là việc rất bình thường, qua đó cho thấy rất nhiều người yêu mến chùa Cầu, Hội An.
Ngành Văn hóa, thành phố Hội An, lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, tham khảo để công tác trùng tu các di tích nói riêng và công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tại Hội An cũng như trên địa bàn tỉnh được tốt hơn.
Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, gợi mở mang tính xây dựng để ngành Văn hóa tiếp tục nghiên cứu, tham khảo và ứng dụng vào thực tiễn", lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chia sẻ.