Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin trong cuộc họp báo vào chiều 6/8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chỉ ra nhiều hạn chế trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch khu Công nghệ cao ở quận 9.
Thưa ông, dự án khu Công nghệ cao TP.HCM đang triển khai việc thu hồi đất như thế nào?
Dự án này được triển khai từ tháng 10/2002 với mong muốn tạo ra khu công nghệ cao mang tầm quốc gia. Dự án có quy mô 913 ha, trong đó có 801 ha đất phải thu hồi, 112 ha đất sông-rạch-thủy lợi, giao thông.
Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án là 3.113 hộ. Đến nay, chính quyền quận 9 đã thực hiện công tác kiểm kê đối với toàn bộ hộ dân và ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ. Sau đó, UBND quận 9 đã tổ chức bố trí tái định cư cho 1.546 hộ dân với 1.513 nền và 211 căn hộ chung cư.
Hiện tại đã có 3.078 hộ dân bàn giao mặt bằng với diện tích gần 795 ha, đạt 99,24%, dự án. Còn 35 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, diện tích chưa thu hồi là hơn 6 ha.
Được biết, trong quá trình triển khai dự án đã nảy sinh một số trường hợp khiếu nại, tố cáo của người dân. Sự vào cuộc xử lý của các cấp chính quyền như thế nào, thưa ông?
Đối với các đơn thư tố cáo, khiếu nại, chính quyền TP.HCM đã cầu thị, cố gắng giải quyết theo quy định nhưng còn nhiều bất cập, hạn chế. Để làm rõ đúng sai, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và có báo cáo Kết luận số 659/BC-TTCP ngày 21/3/2017. Cùng thời điểm, văn phòng Chính phủ đã có thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về vụ việc.
UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở ngành và các đơn vị có liên quan, khẩn trương tham mưu để thực hiện nghiêm túc, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, thành lập ngay tổ Công tác liên ngành do Chủ tịch UBND quận 9 làm Tổ trưởng.
Từ đó, công tác nghiên cứu, rà soát hồ sơ bồi thường, điều kiện, hoàn cảnh, mời tiếp xúc và ghi nhận nguyện vọng của 49 trường hợp khiếu nại, tố cáo theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ sẽ được tiến hành nhanh chóng, thận trọng.
Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị thu hồi đất trong phần diện tích 40,997ha nằm trong ranh quy hoạch dự án phải theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm tháng 4/2007.
Hiện tại, tiến độ thực hiện công tác này đang ở giai đoạn nào?
Đến nay, UBND TP đã thực hiện xong 4/8 nội dung. Cụ thể, việc tổ chức công bố công khai quy hoạch, việc rà soát kiểm tra việc hoán đổi “1.111,5 m2 đất công” cho công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Minh Tuấn, việc rà soát kêu gọi đầu tư và việc tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan đã cơ bản hoàn thành.
Còn những nội dung khác vẫn đang tiếp tục tập trung giải quyết. Trong đó, quan trọng nhất là thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất thuộc phần diện tích 40,997 ha.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với 49 trường hợp có khiếu nại; việc thực hiện đối với 8 dự án tái định cư; việc sử dụng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng vào các khoản chi phí của ban Quản lý dự án và việc thu hồi số tiền tạm ứng để hoàn trả ngân sách cũng đang được tiến hành.
Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về dự án, điểm khó khăn nhất là gì, thưa ông?
Hiện nay đại bộ phận người dân ủng hộ chính sách đền bù, hỗ trợ của thành phố và mong muốn được giải quyết sớm. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp không bàn về chính sách mà bàn về pháp lý. Đối với vụ việc này, pháp lý cuối cùng là kết luận của Thanh tra Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.
Dự án đã triển khai 20 năm, luật pháp có nhiều thay đổi nên việc giải quyết vướng mắc, sai sót trước đây phải có đánh giá khách quan. Người làm nhiệm vụ cũng phải thấy được những góc khuất, yếu kém của mình làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Chúng tôi khuyến khích người dân nhận nền đất tái định cư thay vì nhận tiền bồi thường để có lợi hơn về mặt chính sách. UBND TP phấn đấu giải quyết ổn thỏa các vấn đề liên quan đến dự án vào cuối năm 2019.