Lãnh đạo VLA nêu loạt đề xuất với tỉnh Sơn La để phát triển nông sản

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 6, 08/04/2022 12:06

Theo ông Đào Trọng Khoa, tỉnh Sơn La cần có trung tâm logistics, hệ thống kho mát, kho lạnh, để sơ chế, chế biến đóng gói hàng hóa nông sản khi xuất khẩu.

Nhu cầu dịch vụ logistics của DN Sơn La rất lớn

Tại hội nghị “Định hướng phát triển logistics trong tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La” sáng 8/4, ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đánh giá, tỉnh Sơn La có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển ngành dịch vụ logistics như có vị trí địa lý thuận lợi, kết nối các vùng với nhau.

Sơn La đã và đang hình thành như KCN Mai Sơn; cụm công nghiệp Mộc Châu; cụm công nghiệp Phù Yên; Mường La; Quỳnh Nhai… thu hút được các tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh. Một số vùng nguyên liệu nông sản của Sơn La đứng trong tốp đầu cả nước như: nhãn trên 80.000 tấn, xoài gần 44.000 tấn, chè đạt 9.500 tấn chè xanh.

"Tuy nhiên, tỉnh Sơn La hiện có số lượng và quy mô doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics còn hạn chế, chưa có các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ logistics chuyên nghiệp theo chuỗi liên hoàn, khép kín từ khâu đóng gói, vận chuyển, tập kết, bốc dỡ hàng hóa, làm thủ tục thông quan, lưu kho... nên hàng nông sản tươi số lượng lớn của tỉnh đa số phải thuê các doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp từ các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Tp.HCM”, ông nói.

Theo đánh giá của ông Khoa, nhu cầu tiêu dùng, sử dụng dịch vụ logistics, bao gồm vận tải đường bộ, khai thuế hải quan, kho bãi, đóng gói, quản lý kho hàng, giao nhận hàng hóa, quản lý đơn hàng, dịch vụ hàng hóa, dịch vụ thủ tục giấy tờ... của các doanh nghiệp tại Sơn La là khá thường xuyên.

“Hầu hết các dịch vụ này được các doanh nghiệp thuê ngoài bởi chưa có đủ cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực chuyên nghiệp để có thể tiến hành các dịch vụ logistics trọn gói”, ông Khoa nói.

Đối với dịch vụ vận tải, các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải, giao nhận kho vận tại Sơn La hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ. Vì thế, các doanh nghiệp này không những chưa mở rộng việc cung ứng dịch vụ ra nước ngoài mà thị phần dịch vụ trong nước cũng bị thu hẹp.

“Tỉnh chưa có trung tâm logistics, hệ thống kho mát, kho lạnh, để sơ chế, chế biến đóng gói hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhân sự cung cấp cho hoạt động logistics trên địa bàn còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Trên địa bàn có Trường Đại học Tây Bắc nhưng cũng chưa có chuyên ngành đào tạo về logistics”, Phó Chủ tịch VLA nêu.

Rất cần thiết để thành lập trung tâm logistics

Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh cũng như trong khu vực Tây Bắc, Phó Chủ tịch VLA đã nêu ra một số đề xuất với lãnh đạo tỉnh Sơn La.

Trong đó, cần triển khai xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 như quy định trong Quyết định 221 của Thủ tướng Chính phủ, xem phát triển dịch vụ logistics vững mạnh là động lực cho việc phát triển kinh tế bền vững của tỉnh nhà.

Tiếp đến nâng cấp kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển dịch vụ logistics. Trong đó, hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics.

Kinh tế vĩ mô - Lãnh đạo VLA nêu loạt đề xuất với tỉnh Sơn La để phát triển nông sản

Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (Ảnh: Hữu Thắng).

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, các tuyến đường đến trung tâm xã, các đường vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đường nội bộ các khu sản xuất nông nghiệp, các tuyến đường bộ kết nối với các cảng, bến thủy nội địa, các tuyến trục chính đến cửa khẩu để rút ngắn thời gian và giảm chí phí và tạo điều kiện dễ dàng cho lưu thông hàng hóa nông sản...

Đặc biệt là tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu để rút ngắn quãng đường từ Sơn La đi Cảng Hải Phòng (hiện nay khoảng 13 giờ đồng hồ) đi Sân bay Nội Bài (khoảng 10 giờ đồng hồ).

Điều này sẽ thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực xây dựng và phát triển trung tâm logistics tại khu cửa khẩu quốc gia Lóng Sập - huyện Mộc Châu nhằm tạo điều kiện cho việc xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu sang Lào.

“Thành lập trung tâm logistics nhằm mục đích tập trung hàng xuất khẩu và phân phối hàng nhập khẩu. Tỉnh cần xây dựng một mạng lưới phân phối giữa chủ hàng, công ty giao nhận, hệ thống chi nhánh, nơi phân phối cuối cùng”, ông Khoa nhấn mạnh.

Kinh tế vĩ mô - Lãnh đạo VLA nêu loạt đề xuất với tỉnh Sơn La để phát triển nông sản (Hình 2).

Khu vực được đưa vào quy hoạch thành Trung tâm Logistics của tỉnh Sơn La tại thị trấn Nông trường Mộc Châu (Ảnh: Hữu Thắng).

Kiến nghị thứ 3 mà ông Khoa đưa ra là nâng cao năng lực các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Trong đó, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics của địa phương tham gia các sự kiện, triển lãm, hội thảo logistics trong và ngoài nước.

Khuyến khích, từng bước tích hợp sâu dịch vụ logistics với các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp để tạo thành chuỗi lưu thông hàng hóa linh hoạt, rút ngắn thời gian, chi phí giao nhận nguyên vật liệu và sản phẩm.

Phổ biến, tuyên truyền về các tập quán, luật pháp quốc tế, các điều khoản Hiệp định thương mại quốc tế liên quan đến logistics; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics.

“Mỗi huyện cần có ít nhất 1 trung tâm sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản có quy mô công nghiệp phù hợp với vùng nguyên liệu đạt chuẩn logistics. Nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị đối với các cơ sở chế biến hiện có, góp phần đưa giá trị sản phẩm nông sản chế biến tham gia xuất khẩu”, Phó Chủ tịch VLA nêu rõ.

Trong các kiến nghị của mình, ông Khoa nhấn mạnh rằng, cần thiết phát triển nguồn nhân lực có chuyên môi cao để phát triển dịch vụ logistics. VLA sẽ có phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics (VLI) của Hiệp hội VLA, Trường Đại học Tây Bắc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về logistics cho cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Cuối cùng, việc cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian và giảm chi phí, nâng cao hiệu quả thông quan. Ông kiến nghị tỉnh Sơn La cần đẩy mạnh áp dụng thanh toán trực tuyến trong các dịch vụ công trực tuyến. Cải cách kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Rà soát, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh bất hợp lý.

“Hiệp hội VLA cùng với Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ tỉnh trong việc hình thành Hiệp hội logistics địa phương khi có yêu cầu, qua đó thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong tỉnh, tham mưu cho tỉnh trong chính sách phát triển dịch vụ logistics gắn với liên kết vùng của khu vực Tây Bắc”, ông Khoa nêu rõ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.