"Đã mang cái nghiệp vào thân"
Chúng tôi tìm về thôn Từ Thuận (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vào một ngày xuân ấm áp. Cụ Đào Văn Dự tiếp chúng tôi tại căn nhà ngói ba gian, chiếc sân gạch đỏ au... vẫn còn giữ nguyên những kiến trúc cổ kính từ cách đây gần nửa thế kỷ. Tận mắt chứng kiến cuộc sống của gia đình cụ Dự, chúng tôi thấy ngạc nhiên. Cụ nổi tiếng khắp trong thôn ngoài làng về tài dựng complet nhiều năm nay nhưng vẫn giữ nguyên nếp sống bình dị, giản đơn của một lão nông tri điền thứ thiệt.
Cụ Đào Văn Dự - nghệ nhân may complet nức tiếng ở Vân Từ (Phú Xuyên - Hà Nội).
Cụ Dự đã 75 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn. Đặc biệt, khi nhắc về nghề may complet gia truyền của gia đình mình, đôi mắt mờ đục của cụ chợt ánh lên lấp lánh đầy tự hào. Cụ nói vui, con đường hành nghề của cụ tương đối gập ghềnh. Ban đầu, cụ xác định, học lấy một cái nghề để kiếm kế sinh nhai, nhưng không ngờ, duyên phận lại gắn kết cuộc đời mình thành cái nghiệp gần nửa thế kỷ. Cụ Dự kể: "Ông cụ thân sinh ra tôi là cụ Đào Văn Ngư, một nhà buôn quần áo may mặc có tiếng ở phố Hàng Buồm, Hà Nội những năm 30 của thế kỷ trước. Mặc dù không trực tiếp may đo nhưng với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh mặt hàng may mặc nên bố tôi khá am hiểu về thị hiếu của người dân qua từng giai đoạn khác nhau.
Năm 1952, sau khi cha quyết định bỏ nghề, lui về quê sinh sống, sau bao đêm trằn trọc muốn tiếp nối nghề lâu năm của cha, tôi đã lặn lội tìm về khu phố cổ Hà Nội để khôi phục lại các mối hàng và nguồn khách đã gắn bó từ nhiều năm trước đó. Không chỉ dừng lại ở công việc kinh doanh đơn thuần kế thừa từ cha, tôi nảy ra ý định phải học nghề may để có thể cung cấp được cho khách hàng những sản phẩm ưng ý nhất. Người thầy đầu tiên và cũng là người dìu dắt tôi những bước đi chập chững trong nghề may đo complet tên là Đào Văn Thương (ở số 111, Hàng Gai, Hà Nội), một người thợ cắt may nức tiếng thời bấy giơ".
Theo cụ Dự, người làm nghề may đo complet cũng lắm thăng trầm. Khi đất nước đang còn nhiều khó khăn, nghề may lâm vào tình trạng thất sủng. Vai trò ông chủ với lối kinh doanh độc lập không còn thích hợp, cụ đành chuyển sang làm công nhân của công ty May 10 từ năm 1960. Là người có đầu óc làm kinh tế, cụ Dự luôn ấp ủ trong mình ước mơ có cơ hội khôi phục nghề may mình đã từng theo đuổi. Cụ tâm sự: "Học nghề là một chuyện, còn nghiệp của nó có theo mình đến cùng hay không còn là cái duyên".
Đầu năm 1990, khi nguồn điện chính thức về làng, cụ mới có cơ hội để khôi phục nghề. Cùng với một lớp bạn bè trang lứa đã từng có thời gian thoát ly để học nghề may complet, cụ mở lớp dạy nghề cho nhiều thế hệ thanh niên trong làng. Cụ dạy và truyền lại những tinh hoa nhất của nghề mà cụ và mọi người đã từng tích lũy gần hết cuộc đời. Đặc trưng nghề nghiệp là phải thực hành nhiều mà điều kiện ban đầu ở lớp học lại vô cùng khó khăn. Nan giải nhất là việc thiếu vải để học viên luyện tập cắt và ráp lại, dựng thành áo. Trong khi đó, vải để dựng complet rất kén chất liệu, chưa kể đến việc do tính chất loại hàng này thời bấy giờ chưa phổ biến.
Sẵn có mối quan hệ từ trước, cụ lặn lội tìm về những hàng chuyên đóng complet nổi tiếng trên các tuyến phố chính như Hàng Ngang, Hàng Đào, Khâm Thiên (Hà Nội)... xin nhận hàng về gia công cho các chủ tiệm với mức giá khá "mềm". Cụ Dự nói vui, đó là mánh khóe lợi dụng vải của các cửa hiệu để vừa có thu nhập lại vừa giúp cho công việc giảng dạy của mình được chu đáo. Thiết thực hơn, đó là cách để cụ tạo điều kiện cho bà con theo học nghề có thu nhập. Chính động lực đó khiến lớp vừa học vừa làm của cụ ngày càng đông học viên. Cụ bộc bạch: "Việc bạo gan để học viên thực hành ngay trên sản phẩm mình chịu trách nhiệm về kỹ thuật với các chủ tiệm may quả là táo bạo. Bởi lẽ, học viên chỉ cần một chút sơ sẩy, đường cắt may bị hỏng hay phạm lỗi kỹ thuật nghiêm trọng thì không chữa được, số tiền mình bỏ ra để đền bù không hề nhỏ".
Bằng khen cho cậu con trai thứ hai thành đạt của cụ Dự trong lĩnh vực may mặc.
Âm thầm gìn giữ tinh hoa của nghề
Cho đến bây giờ cụ vẫn nhớ kỷ niệm về 1 cậu học trò tên Tuấn. Do chưa quen việc, cậu này đã sơ ý làm hỏng một chi tiết nhỏ là chiếc túi lót bên trong của chiếc áo. Trong khi đó, số tiền tương đương với chiếc túi lót bị hỏng đó khoảng 40.000 đồng thời bấy giờ. Quá lo sợ về số tiền phải đền cho khách, trong khi gia đình lại khó khăn nên cậu học trò nghèo này đã bỏ trốn khỏi nhà. Cụ đã đứng ra nhận lỗi, rồi động viên Tuấn quay lại lớp học. Hiện nay, cậu học trò nghèo năm nào đã là chủ một doanh nghiệp lớn có nhiều cơ sở may mặc ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Mặc dù là một ông chủ thành đạt nhưng anh Tuấn vẫn luôn qua lại thăm nom người thầy đáng kính mỗi dịp về thăm quê. Mỗi lần như thế, anh luôn dành thời gian ôn lại những kỷ niệm thuở hàn vi và không quên nhắc đến câu chuyện nhớ đời mà người thầy nhân từ đã giang tay cưu mang mình.
Cụ Dự cho biết: "Riêng việc học may loại trang phục đòi hỏi kỹ thuật cao này, người học và người dạy không thể theo hướng đào tạo cấp tốc. Vì, học viên nắm vững được cách xử lý từng chi tiết áo rồi mới chuyển sang chi tiết khác được. Riêng các chi tiết, kiểu dáng túi, cổ... khác nhau, học viên phải mất thời gian hai tháng mới thực hiện được. Còn chi tiết khác, có thể tốn ít thời gian hơn, nếu học viên tinh ý, tiếp thu nhanh. Tổng thời gian học tối thiểu phải sáu tháng mới có thể nắm vững được. Cụ thường nói vui, đối với nghề này, người thợ không thể nóng vội. Chỉ một đường ráp tay áo lỗi kỹ thuật sẽ không đảm bảo ôm ngực, thậm chí dẫn đến dáng áo bị xô lệch, nhìn rất mất thẩm mĩ.
Sản phẩm complet của cụ Dự được nhiều người tin dùng.
Trước kia, do thị trường phụ kiện chưa phổ biến như bây giờ nên nguyên liệu dùng cho việc dựng áo chủ yếu dùng canh tóc và toan tay ơ hay trũi để dựng cho cứng áo. Hiện nay, phần lớn trang phục được "ép mếch", nghĩa là theo công nghệ của châu Âu để ép vào mặt vải của thân trước thay vì dựng canh và toan tay ơ như trước đây mà vẫn đảm bảo nhanh và đẹp. Mặc dù sau này điều kiện kinh tế cho phép, nhiều người có thể trang bị máy móc đắt tiền để hỗ trợ công việc may đo như máy thùa khuy, máy ép... nhưng theo cụ Dự, có những chi tiết vẫn cần đến bàn tay khéo léo của người thợ. Khác với các loại trang phục truyền thống luôn đặt nặng vai trò của người thợ thủ công, loại trang phục hiện đại này rất cần sự hỗ trợ của máy móc.
Cụ Dự chia sẻ, thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, khi trào lưu diện complet đến công sở không còn bó hẹp trong những dịp lễ tết hay các ngày quan trọng trong năm, nó trở thành trào lưu phổ biến nên lượng hàng cụ nhận gia công tăng một cách chóng mặt. Nhiều cơ quan bắt đầu tìm đến các tiệm may đặt hàng loại trang phục này làm đồng phục công sở.
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cụ quyết định bán mảnh vườn cùng chiếc xe máy Honda rất có giá trị thời bấy giờ để mua chiếc máy thùa khuy của Đức để đẩy nhanh tiến độ giao nhận hàng cho khách. Tuy nhiên, cụ Dự cho biết, riêng với loại trang phục này, vẫn có rất nhiều chi tiết cần phải làm bằng tay mới đảm bảo độ chuẩn xác cũng như tính thẩm mỹ cho dáng áo. Đặc biệt là khâu "tra tay", bắt buộc người thợ phải tập trung làm thủ công hoàn toàn, bởi chỉ có thực hiện bằng tay thì mới gò được các góc cạnh sao cho đúng với yêu cầu kỹ thuật của loại trang phục này.
Hạnh phúc vì tìm được "đệ tử chân truyền" Hiện tại, cả ba người con trai của cụ đều là chủ những doanh nghiệp chuyên may complet lớn trong xã, được nhiều người biết đến. Đặc biệt, cậu con trai thứ hai là anh Đào Văn Hùng, chủ doanh nghiệp may Hùng Luyến, luôn dẫn đầu trong lĩnh vực thời trang may mặc và vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen vinh danh của các cấp trung ương và địa phương. |
Tuệ Linh