Từ trước đến nay, lễ hội Cầu ngư là sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông, vị thần biển hộ mệnh cho ngư dân. Đối với những người dân vùng biển, Cầu ngư là lễ hội lớn nhất trong năm và rất được coi trọng.
Đây là lễ hội cầu mùa, là lễ tế ngư thần và cầu xin thần ban một năm trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang, tấn tài, tấn lợi và tấn bình an.
Tại TP Đà Nẵng, lễ hội Cầu ngư được tổ chức thường niên, quy mô, bài bản ở các địa phương hành nghề biển. Lễ hội này chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, có vai trò rất lớn trong đời sống tâm linh và tác động sâu sắc đến việc bám biển, mưu sinh của cộng đồng vạn chài.
Việc bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của lễ hội. Điều này còn thể hiện sự ghi nhận công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, các thế hệ ngư dân, nhà nghiên cứu… đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa.