Sự kiện thu hút gần 600 nghệ nhân
Sáng 31/8, tại khu du lịch sinh thái Ko Tam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức chương trình khai mạc Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3, năm 2024.
Đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2024), hướng tới kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024).
Dự lễ khai mạc có ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Bà H'Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Đặc biệt, tham dự Liên hoan văn hóa cồng chiêng lần thứ 3 còn có gần 600 nghệ nhân của các đoàn đến từ 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Sự kiện nói trên đã thu hút nhiều người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, có không ít người dân tại Tp.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cũng háo hức đến khu du lịch sinh thái Ko Tam để theo dõi các tiết mục tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng lần thứ 3.
Là một trong những du khách đến từ Tp.Nha Trang – thành phố biển của tỉnh Khánh Hòa, anh Nguyễn Thanh Long cho biết, anh đang làm việc tại công ty kinh doanh du lịch biển đảo ở Nha Trang. Khi nắm được thông tin tại tỉnh Đắk Lắk có tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng và lễ hội sầu riêng, công ty của anh đã quyết định đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
"Qua chuyến đi này, chúng tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm. Đồng thời, nhận thấy, nét văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc Tây Nguyên cần được tiếp tục gìn giữ, phát huy để du khách đến Đắk Lắk được tham quan, trải nghiệm", anh Long nói.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cộng đồng KoTam, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Đắk Lắk cho hay, Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3 sẽ là một hoạt động ý nghĩa góp phần kích cầu du lịch, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Đắk Lắk, đặc biệt là trong dịp lễ Quốc Khánh 2/9. Đồng thời, qua đó cũng góp phần chung tay bảo tồn, phát huy và nâng tầm di sản văn hóa phi vật thể.
"Từ trước đến nay, chỉ có đội chiêng nam nhưng tại Liên quan văn hóa cồng chiêng lần thứ 3, có nhiều đội chiêng nữ của các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tham gia. Điều này, khiến tôi rất vui mừng, phấn khởi. Qua đây, tôi mong muốn những người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để góp phần thúc đẩy du lịch tại địa phương, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Từ đó, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống cho nhiều người dân đồng bào dân tộc thiểu số", bà Anh nhấn mạnh.
Cũng theo bà Anh, cùng với phát triển du lịch, thời gian qua, khu du lịch sinh thái Ko Tam luôn chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có người đồng bào dân tộc Ê Đê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Các hoạt động văn hóa diễn ra tại khu du lịch sinh thái Ko Tam luôn được đông đảo người dân và du khách ủng hộ.
Đặc biệt, khi đến khu du lịch sinh thái Ko Tam, nhiều du khách rất thích thú và thân thiện với người đồng bào dân tộc tại chỗ. Qua đó cho thấy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là tiềm năng đáng quý để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng bền vững, ổn định thu nhập cho nhiều gia đình người đồng bào dân tộc tại chỗ.
"Có những nghệ nhân tham gia biểu diễn văn hóa phục vụ cho khách du lịch tại khu du lịch sinh thái Ko Tam kiếm cả triệu đồng mỗi ngày", bà Anh nói.
Văn hóa cồng chiêng - động lực phát triển du lịch
Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho hay, Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3 có nhiều điểm mới.
Thay vì tổ chức tại Trung tâm văn hóa tỉnh như trước đây, Liên hoan văn hóa cồng chiêng lần 3 được tổ chức tại 2 khu du lịch nổi tiếng tại địa bàn Tp.Buôn Ma Thuột gồm buôn du lịch cộng đồng Ako Dong và khu du lịch sinh thái Ko Tam (Tp.Buôn Ma Thuột) – nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, các đội tham gia được tổ chức làm 2 đội chiêng gồm đội chiêng lớn tuổi và đội chiêng trẻ. Đây là sự kết nối giữa những người có kinh nghiệm, am tường trong diễn xướng cồng chiêng với những học viên trẻ của các lớp truyền dạy cồng chiêng. Từ đó, phát huy thêm nhiều nhân tố mới, những diễn viên trẻ đam mê nhiệt huyết có tình yêu mãnh liệt với văn hóa cồng chiêng.
Ban tổ chức đã vận động các nhà tài trợ để thực hiện xã hội hóa trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Qua đó, trao những phần quà có ý nghĩa cho các nghệ nhân nhằm giúp các nghệ nhân có động lực nuôi dưỡng đam mê và tâm huyết với công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông thông qua nhiều hình thức để lan tỏa tình yêu văn hóa cồng chiêng đến người dân trong và ngoài tỉnh.
"Thông qua liên hoan văn hóa cồng chiêng lần này, Ban tổ chức mong muốn, văn hóa cồng chiêng sẽ trở thành động lực nội sinh để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk.
Trong thời gian tới, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp với các địa phương, các sở, ngành phát huy và đưa văn hóa cồng chiêng trở thành sản phẩm văn hóa du lịch và là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Sau này, du khách đến Đắk Lắk phải trải nghiệm văn hóa cồng chiêng là mong muốn mà các ngành đang hướng tới", ông Đại nhấn mạnh.
Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận và vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm to lớn đối với các tỉnh Tây Nguyên và của cả nước.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, liên hoan văn hóa cồng chiêng là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 10/2021 của HĐND tỉnh về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn đoạn 2022-2025.
Để Liên hoan thành công, ông Thái Hồng Hà đề nghị, các nghệ nhân tham gia liên hoan bằng niềm say mê của mình trình diễn các tiết mục cồng chiêng gắn với nghi thức, nghi lễ truyền thống, với những lời ca, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Đồng thời, đề nghị Hội đồng thẩm định - những người cầm cân, nảy mực, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, công tâm, khách quan, xem xét, thẩm định, lựa chọn những tiết mục, chương trình trình biểu diễn xuất sắc để vinh danh tại liên hoan.
Khánh Ngọc