Liên quan đến thông tin giáo dục Việt Nam đứng 'áp chót' ASEAN

Liên quan đến thông tin giáo dục Việt Nam đứng 'áp chót' ASEAN

Chủ nhật, 15/09/2013 15:04

Mới đây nhất, nhiều báo loan tin, tính năng động của giáo dục Việt Nam đứng thứ 7, trong 8 nước ASEAN được xếp hạng, do diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố trong bản báo cáo tính cạnh tranh toàn cầu vào đầu tháng 9.

Buồn vì giáo dục "áp chót"

 Việc thông tin nền giáo dục nước ta xếp sau nhiều nước trong khu vực khiến nhiều người thực sự buồn, nhưng với nhiều chuyên gia giáo dục, họ không tin đó là sự thật. Bởi đây là thông tin được dịch ra từ tờ Bangkok Post/Weforum và nhiều nguồn tin hiện được cho là không chính xác.

Nhiều nhà giáo khi được đề cập về thông tin nói trên đều bộc lộ tâm trạng buồn và thất vọng, họ cho rằng, "giáo dục nước nhà từ lâu vốn được xem trọng, bản thân giáo viên và học sinh luôn nỗ lực vươn lên trong khó khăn. Nhưng kết quả không ngờ lại bị đánh giá thấp đến như vậy".

Ông Trần Hữu Tuấn (ở  Ba Đình - Hà Nội) một nhà giáo đã nghỉ hưu, chia sẻ nỗi lòng của mình với PV báo Người đưa tin: "Dẫu đã xác định từ trước, giáo dục nước nhà chưa đuổi kịp các nước tiên tiến và chưa theo kịp với yêu cầu phát triển của đất nước. Nhưng tôi vẫn không thể tưởng tượng được, giáo dục nước mình lại đứng “áp chót”.

Xã hội - Liên quan đến thông tin giáo dục Việt Nam đứng 'áp chót' ASEAN

Giáo dục Việt Nam còn nhiều vấn đề cần khắc phục.

Chưa chính xác song cũng đáng... suy ngẫm

Theo PGS. Văn Như Cương, thông tin trên có thể không đúng và phản ánh chưa chính xác nền giáo dục nước ta hiện tại. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn nhận một sự thực, nền giáo dục mình được thế giới đánh giá rất thấp. Muốn hội nhập với nền giáo dục thế giới, chúng ta cần phải biết nhìn ra khuyết điểm để khắc phục. "Không nên mất bò mới lo làm chuồng" - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh. 

Cùng chung tâm trạng buồn như ông Tuấn, anh Trần Ngọc Long (thạc sĩ lý luận Văn học, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bày tỏ tâm trạng của mình trên facebook: "Chao ôi, nước mình có bao nhiêu là giáo sư, tiến sỹ, bao nhiêu cử nhân, thế mà... Nếu xét về số lượng có thể xếp đầu khu vực Đông Nam Á, vậy mà không ngờ lại bị thế giới đánh giá kém đến vậy".

Những chuyên gia giáo dục khi biết đến thông tin này, tỏ vẻ bình tĩnh hơn. Thậm chí, nhiều chuyên gia hàng đầu về giáo dục của Việt Nam còn nghi ngờ về tính chính xác của thông tin trên. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, GS.VS.Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng, con số trên có gì đó thiếu xác thực, người làm khoa học giáo dục như ông thấy nghi ngờ số liệu trên. Viện sỹ Phạm Minh Hạc giải thích: "Đến giờ, tôi vẫn chưa nắm bắt được bảng xếp hạng thứ bậc do chính thức tổ chức nào đứng ra khảo sát và các tiêu chí để đánh giá cụ thể như thế nào. Chính vì vậy, tôi chưa thể bình luận gì về vị trí thứ bậc giáo dục của Việt Nam nói trên".

Được biết, thông tin việc giáo dục Việt Nam đứng thứ 7 trong 8 nước ASEAN được xếp hạng, “áp chót” bắt nguồn từ việc nhiều tờ báo Việt Nam lấy nguồn tin đăng trên tờ Bangkok Post, weforum.org. Từ nguồn tin này, nhiều tờ báo Việt Nam đã lấy lại.

PGS. NGƯT Văn Như Cương cho rằng, hiện nay thông tin về giáo dục Việt Nam xếp sau cả một nước khác chưa có nền giáo dục cao, hoàn toàn không chính xác. Bởi PGS Văn Như Cương, đã nắm được một nguồn tin đáng tin cậy hơn. Theo đó, ở nước ta, nhiều chuyên gia không hề lạ về bản  báo cáo tính cạnh tranh toàn cầu của diễn đàn kinh tế thế giới dày 400 trang vừa mới được công bố. "Nhiều người khi biết được thông tin về giáo dục Việt Nam đứng “áp chót” trong khu vực được đăng tải trên báo mạng đã chủ động chia sẻ với tôi không có mục nào nói về nội dung trên. Hiện, ở Việt Nam nhiều chuyên gia có trên tay bản báo cáo này và không ai hay biết về thứ bậc trên của giáo dục Việt Nam. Tôi cho rằng, đây có thể là một sự nhầm lẫn trong việc đưa tin" - PGS Văn Như Cương quả quyết.

Đừng “mất bò mới lo làm chuồng”!

Theo PGS Văn Như Cương, giáo dục nước ta có xếp sau một số nước trong khu vực nhưng không đến mức thấp vậy. PGS Cương phân tích, nền giáo dục nước ta, khâu yếu nhất là giáo dục bậc đại học. Còn riêng về giáo dục phổ thông, chúng ta được đánh giá  có nền giáo dục đứng vào hàng thứ 4 trong các nước Đông Nam Á. Vì vậy, khi đánh giá về giáo dục, người ta thường phân chia theo cấp học. Giáo dục nước ta còn rất nhiều vấn đề tồn tại cần được khắc phục. Những bất cập từ việc sách giáo khoa còn mang nặng tính hàn lâm, chương trình quá tải vượt qua sức học của học sinh. Cơ sở vật chất, thiết bị, công tác quản lý... Điều này chúng ta đã nhận thức được rõ ràng, tuy nhiên chúng ta cũng cần ghi nhận những đóng góp của thầy cô và học sinh trong nhiều năm nay đã cố gắng vươn lên dạy tốt và học tốt. "Tôi cho rằng, việc nhiều trang báo mạng cho rằng giáo dục Việt Nam thấp hơn nhiều nước bạn là thiếu công bằng và không khách quan đối với giáo dục nước ta" - PGS Văn Như Cương thẳng thắn.

Tuy nhiên, từ chỗ thông tin giáo dục Việt Nam đứng sau cả giáo dục nhiều nước khu vực được nhắc trong bản thông báo về tính năng động, nhiều người đã phân tích trên nhiều góc cạnh, cho thấy những bất cập trong nền giáo dục của nước nhà. Một số trang thông tin cho rằng, nếu tính về lượng GS, PGS, TS, lượng học sinh đỗ tốt nghiệp thì khó một nền giáo dục nào sánh ngang với nước ta. Tuy nhiên, một thực tế hằng năm, các công trình khoa học của nước ta được đăng tải trên các tạp chí khoa học thế giới chỉ bằng 17% so với Singapore và có đến 80% công trình khoa học đứng tên cùng với các nhà khoa học ở nước ngoài là điều chúng ta phải suy nghĩ. Hằng năm, chúng ta chỉ có quân bình quân 19 bằng sáng chế của các nhà nghiên cứu khoa học được đăng ký... Vì vậy, nhiều người cho rằng việc tính năng động của nền giáo dục nước ta xếp sau cả một nước trong khu vực có nền giáo dục chưa cao cũng là điều chúng ta nên suy nghĩ.                             

Trinh Phúc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.