Liên tiếp bệnh nhân nhập viện do thời tiết nồm ẩm

Liên tiếp bệnh nhân nhập viện do thời tiết nồm ẩm

Lê Thị Duyên

Lê Thị Duyên

Thứ 4, 08/02/2023 10:35

Thời tiết nồm ẩm đang là vấn đề khiến nhiều người lo ngại khi các loại vi rút, nấm gây bệnh phát triển mạnh mẽ.

Nhiều người dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp

Thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh nhi N.P.A. (15 tuổi, ở Thái Bình) được bệnh viện tuyến tỉnh chẩn đoán hen phế quản từ lúc 7 tuổi, tuy nhiên trẻ không điều trị dự phòng. Sau đó, trẻ đến khám lại tại Bệnh viện Nhi trung ương và được chẩn đoán xác định mắc hen phế quản chưa kiểm soát. Các bác sĩ chuyên khoa đã kê đơn điều trị dự phòng và có phác đồ theo dõi chuẩn xác nhưng bệnh nhi không tuân thủ điều trị, không khám lại, tự sử dụng các thuốc giãn phế quản, khi lên cơn hen cấp theo đơn cũ.

Trước khi nhập viện, bệnh nhi A. ho nặng kèm theo khó thở nhưng chỉ ở nhà sử dụng thuốc xịt và thuốc khí dung cắt cơn hen cấp. Tuy nhiên cơn hen cấp vẫn diễn biến nặng, không đáp ứng với các thuốc xịt và khí dung. Sau đó trẻ đã bị tím tái, ngừng tuần hoàn do thiếu ô xy, được gia đình đưa vào bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng suy đa cơ quan, tổn thương thần kinh nặng. Bệnh nhi được chuyển đến Khoa điều trị tích cực Nội khoa, mặc dù đang được điều trị tích cực bằng các biện pháp thở máy, thuốc vận mạch, thuốc giãn phế quản, lọc máu, kiểm soát hạ thân nhiệt chủ động, tuy nhiên tiên lượng vẫn rất nặng.

Sức khỏe - Liên tiếp bệnh nhân nhập viện do thời tiết nồm ẩm

Bệnh nhi hen suyễn nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: BV Nhi trung ương.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp thông tin: “Không ít trẻ nhập viện trong vài ngày qua trong tình trạng viêm phổi nặng. Đơn cử trường hợp một trẻ nhập viện với chẩn đoán xác định bệnh phổi thùy nặng, gia đình cho biết khi con có dấu hiệu ho, sốt thì mẹ tự mua thuốc điều trị, chỉ khi thấy bệnh không đỡ và trẻ ngày càng nặng hơn thì mới đưa vào viện thăm khám. Hay một trường hợp khác mắc viêm phổi nặng, gia đình cũng tự mua thuốc điều trị cho trẻ tại nhà trong 4-5 ngày, tới khi bệnh nặng mới đưa đến viện thăm khám”.

TS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những ngày gần đây số bệnh nhi đến khám tuy không tăng đột biến so với ngày thường, nhưng lại rất đáng chú ý bởi bệnh tập trung vào nhóm bệnh viêm phổi, tiểu phế quản, hen.

Không chỉ trẻ nhỏ, người cao tuổi cũng là đối tượng dễ bị ảnh hưởng trong tiết trời nồm ẩm. Ông Phan Việt Sinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết, số lượng người cao tuổi đến khám và điều trị tại đây tăng khoảng 30% so với thời điểm trước Tết.

Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn cũng ghi nhận số người mắc bệnh hô hấp tăng. Ông P.V.T. (huyện Gia Lâm, Hà Nội) hiện đang nằm điều trị tại Bệnh viện cho biết, ông bị viêm phế quản nặng, mạn tính, cứ thời tiết thay đổi là bệnh tái phát. Lần này bệnh nặng hơn nên ông phải nhập viện điều trị.

Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh - Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn, thời tiết lạnh và ẩm kéo dài cũng khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh như cúm mùa và nếu bị cúm, bệnh thường nặng và dễ xảy ra biến chứng viêm phổi, có những diễn biến xấu khó lường. Cùng với đó, các bệnh mãn tính như xương khớp, viêm loét dạ dày, tá tràng, đau nhức xương khớp, huyết áp, tim mạch và hen phế quản... cũng thường gia tăng, hoặc tái phát. Độ ẩm trong không khí quá cao khiến nền nhà trơn ướt cũng rất dễ khiến người cao tuổi trượt, ngã, cảm thấy khó ngủ, ăn uống kém hơn.

Cách phòng bệnh trong thời tiết nồm ẩm

PGS.TS. Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, để phòng bệnh trong thời điểm thời tiết nồm ẩm như hiện nay, người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp sau: Tiêm vaccine phòng bệnh; Giữ khoảng cách với những người có biểu hiện bị bệnh đường hô hấp; Đeo khẩu trang phù hợp và đúng cách; Thường xuyên rửa tay sạch; Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; Chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục hợp lý…

Ngoài các bệnh về hô hấp, những căn bệnh về da khi thời tiết nồm ẩm cũng tăng mạnh. Đáng chú ý, do bệnh về da thường không nguy hiểm ngay nên nhiều người chủ quan không đi thăm khám kịp thời, dẫn đến một số trường hợp nhập viện vì nhiễm khuẩn, biến chứng nặng.

Bên cạnh đó, các bệnh da liễu nói chung trong mùa nồm ẩm, người dân cần chú ý vệ sinh da sạch sẽ sau khi ra đường và nhất là ở nơi có nhiều khói bụi, nơi đông người về.

Sức khỏe - Liên tiếp bệnh nhân nhập viện do thời tiết nồm ẩm (Hình 2).

Đeo khẩu trang nơi đông người cũng là một cách phòng bệnh mà cha mẹ nên lưu ý con cái (Ảnh minh họa)

Cùng đó, thay vỏ gối, vỏ chăn ga thường xuyên để đảm bảo sạch sẽ, khô ráo; không mặc quần áo khi còn đang ẩm; thường xuyên vệ sinh nhà ở, hạn chế mở cửa nhiều thời gian trong ngày để hơi ẩm tràn vào nhà, có thể sử dụng điều hòa hoặc máy hút ẩm để hút hơi ẩm trong không khí trong nhà.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân cũng cần ăn uống đủ chất, bổ sung rau củ, các loại hoa quả để tăng sức đề kháng cơ thể, giúp da khỏe mạnh, chống lại các tác nhân gây bệnh. Khi xuất hiện các triệu chứng của các bệnh về da như viêm da, dị ứng, mẩn ngứa… thì không nên tự ý mua thuốc về điều trị mà cần có sự tư vấn của bác sĩ.

Thùy Anh (T/h theo Đại Đoàn Kết, VTV)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.