Sau những trường hợp học sinh văng khỏi xe tại tỉnh Đồng Nai thì mới đây lại có vụ việc cháy nổ trên xe đưa đón học sinh của trường tiểu học An Phú, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Từ đây, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, đại học Bách khoa TP.HCM.
Thưa ông, sau nhiều sự việc nguy hiểm khi của xe đưa đón học sinh, ông có quan điểm như thế nào?
Tôi cho rằng cần phải có xe chuyên dụng, đảm bảo an toàn cho việc đưa đón học sinh chứ không thể để xe hợp đồng đảm nhận như hiện nay. Tiêu chuẩn cụ thể quy định về xe đưa đón học sinh là một trong những vấn đề quan trọng mà ngành giáo dục và ngành giao thông dường như thiếu sót.
Ở các nước, xe chở học sinh là loại xe đặc biệt về màu sắc bên ngoài lẫn nội thất bên trong, vì đó là xe chuyên dùng đưa đón học sinh, mục đích trên hết là đảm bảo an toàn cho các em.
Từ vụ việc không may ở trường tiểu học Gateway (Hà Nội) vào năm ngoài và nhiều tai nạn gần đây xảy ra tại Đồng Nai, Bình Dương thì lỗi chủ yếu nằm ở sai sót của con người nhưng cũng không thể loại trừ nguyên nhân tiêu chuẩn xe không phù hợp.
Vừa qua, bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu rà soát lại các loại xe đưa đón học sinh trong khi bộ GTVT hiện vẫn chưa có một tiêu chuẩn cụ thể cho loại xe này, đây là điều chưa hợp lý.
Theo ông, sự cần thiết của một loại xe được thiết kế riêng cho hoạt động đưa đón học sinh đang cấp bách như thế nào?
Theo tôi, Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất những loại xe chuyên dùng đưa đón học sinh. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, trước hết cần có những quy định cụ thể và cần sự tiên phong đầu tư loại xe này.
Nếu không, các trường không có sự lựa chọn nào khác ngoài dùng những xe hợp đồng chở khách thông thường thành xe chở học sinh. Mỗi trường làm mỗi kiểu, thậm chí có nhiều trường kinh phí hạn chế còn phải thuê những xe quá hạn, xe rẻ, kém chất lượng, điều này người thiệt là ở các em học sinh.
Trách nhiệm và sự tận tâm của người làm nghề đưa đón trẻ rất quan trọng, nhưng những xe chuyên dụng phù hợp với việc này sẽ giúp con người hạn chế rủi ro.
Như vậy, những tiêu chuẩn nào mà liên ngành GD&ĐT và GTVT cần đặt ra để đảm bảo an toàn cho xe đưa đón học sinh?
Xe đưa đón học sinh phải phù hợp độ tuổi, vóc dáng, cơ thể các em, và được hỗ trợ những thiết bị nhằm tránh bỏ quên học sinh hay hạn chế các tai nạn trên xe như té ngã.
Chúng ta có thể học hỏi từ những quy chuẩn nước ngoài và có điều chỉnh để phù hợp với những đặc điểm của con người và giao thông Việt Nam.
Các tiêu chuẩn của xe phải được thiết kế dựa trên các thông số nhân trắc học của học sinh Việt Nam, từ kích thước ghế ngồi, chiều cao lồng xe, kích cỡ bậc lên xuống, cửa sổ, kính chắn gió, tất cả phải đảm bảo sự thoải mái và an toàn trong xe.
Ngoài ra, xe cần được trang bị những thiết bị giúp tài xế hay giáo viên hướng dẫn có thể kiểm soát được những hành vi của học sinh.
Xe chở trẻ nhỏ, vốn hay nghịch ngợm và nhiều lúc không tự chủ, những hệ thống như camera theo dõi, máy quét kiểm soát là rất cần thiết, giúp người lái xe luôn nắm được toàn bộ tình hình trên xe.
Nhiều loại xe nước ngoài được trang bị hệ thống kiểm tra số lượng hành khách trên xe khi xe đã dừng lại; trường hợp còn sót người, xe sẽ tự động cảnh báo. Có xe được thiết kế thêm cửa thoát hiểm bên trên trong trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh những tiêu chí đó, có ý kiến cho rằng xe đưa đón học sinh phải có thiết kế riêng để dễ nhận ra tính đặc trưng, ông có bình luận gì?
Tôi hoàn toàn đồng ý, vì xe đặc thù chở học sinh nên yếu tố nhận diện cũng quan trọng không kém. Dù không phải là xe ưu tiên nhưng cần được thiết kế riêng để nhìn là nhận ra xe đưa rước học sinh.
Xe phải được sơn một màu nổi bật với tín hiệu rõ ràng, chẳng hạn ở một số quốc gia phương Tây là màu vàng đậm với hệ thống còi tín hiệu cần thiết. Tuyệt đối kính xe không được dùng màu đen để người trong và ngoài xe có thể dễ giao tiếp với nhau.
Hơn nữa, xe cần có một hệ thống cảnh báo đặc biệt để trong trường hợp bất trắc xe đó vẫn có thể được những người xung quanh phát hiện và nhanh chóng can thiệp.
Cảm ơn ông!