Câu chuyện đau lòng
Câu chuyện cô giáo M.T (33 tuổi, làm việc tại trường mầm non Tuổi thơ của xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) tự tử sau buổi họp kiểm điểm làm nhiều người phải suy nghĩ. Theo thông tin trên các báo, vào ngày 27/9, phòng Giáo dục huyện Cầu Ngang và Ban giám hiệu trường mầm non Tuổi Thơ họp xét kiểm điểm cô T. về hành vi đốt giấy hù dọa làm hai cháu bé bỏng tay tại lớp học vào ngày 24/9, gây bức xúc cho các phụ huynh.
Lớp học nơi cả lớp "tranh nhau" lên bảng.
Tại cuộc họp, cô T. thừa nhận việc làm sai của mình. Sau đó, cô cùng ban giám hiệu trường đến xin lỗi các cháu cùng gia đình. Một số ý kiến trong cuộc họp đề nghị cho thôi việc hoặc chuyển trường đối với cô T., không để tiếp xúc với trẻ… Sau khi rời cuộc họp, cô T. đã ghé mua chai thuốc diệt cỏ rồi quay lại trường. Vào phòng học, cô viết thư xin lỗi học sinh, gia đình, nhà trường rồi uống gần hết chai thuốc, gục ngã trong nhà vệ sinh. Nhiều người thấy có biểu hiện bất thường nên phá cửa xông vào đưa cô T. đi cấp cứu.
Thỉnh thoảng, chúng ta lại đọc được những mẩu tin buồn như thế. Việc phạm lỗi ai cũng có nhưng ở những người được coi là "kỹ sư tâm hồn" thì lại trở nên nghiêm trọng khi nó ảnh hưởng đến cả thế hệ tương lai. Theo TS. Phan Quốc Việt, người sáng lập đồng thời là Chủ tịch Tâm Việt Group, trẻ em là đối tượng hay bắt chước. Một hành động nhỏ của người lớn cũng được các em thâu nạp. "Những hành vi ngoài xã hội, những hành vi trong phim ảnh và đặc biệt là hành vi của người thân trong gia đình, nhất là của bố mẹ "nhập" vào đứa trẻ rất mạnh", TS. Phan Quốc Việt nhấn mạnh.
Chính vì vậy, người ta mới so sánh trẻ em như những tờ giấy trắng để người lớn vẽ lên đó hình ảnh phản chiếu của mình. Tuy nhiên, khi nhắc đến những khiếm khuyết trong xã hội, có một "quy trình" thực hiện: Thực trạng, nguyên nhân, giải pháp.
Thực trạng thì đã rõ, đó là một vấn đề không mới nhưng vẫn luôn mang tính thời sự: Phương pháp giáo dục không đúng dẫn đến những hành xử thiếu chuẩn của giáo viên trong lớp học. Qua chuyện này, người ta có thể thấy những lỗi về đào tạo trong môi trường sư phạm, tạo ra những "kỹ sư tâm hồn" bị "lỗi" "tâm hồn". Hệ quả của nó không ai có thể lường trước được, chỉ biết rằng giáo dục trong những năm đầu đời mang tính quyết định để hình thành nhân cách của một con người. Đến năm 8 tuổi, trẻ hầu như đã hoàn thiện 90% về nhân cách, có nghĩa là, tốt xấu của 80 năm sau đều phụ thuộc vào sự giáo dục của 8 năm đầu đời.
Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Lý giải "mảng tối" trong giáo dục
Có nhiều lý do để giải đáp cho những "mảng tối" trong giáo dục. Nhà giáo Phạm Toàn lý giải: "Cơ chế đã khiến thầy cô phải đánh trẻ. Chương trình giảng dạy không phù hợp khiến họ không thể tổ chức lớp học. Chế độ đãi ngộ không tốt khiến gánh nặng tài chính ngày một nặng, giáo viên không thể yên tâm dốc lòng giảng dạy. Nếu là cô giáo, khi về nhà họ lại làm những công việc nội trợ, chăm sóc gia đình. Tất cả những cái đó tạo nên một sự ức chế trong tâm lý".
Trao đổi với PV Người Đưa Tin về việc dạy học, PGS. TS Đỗ Ngọc Thống cho biết: "Ở nước ta, chất lượng giáo viên phải nói là đuối". PGS. TS Thống phân tích rằng ngay từ đầu vào của trường sư phạm đã đuối, bây giờ thi vào sư phạm không phải là học sinh giỏi mà là những học sinh có lực học trung bình. Bên cạnh đó, đào tạo lại cũng có vấn đề.
Đồng tình với nhà giáo Phạm Toàn, PGS. TS Thống cũng nhận định: "Sinh viên sư phạm ra trường chính sách đãi ngộ kém. Nói ngành giáo dục hàng đầu nhưng học xong 4 năm vẫn phải đi xin, nhiều nơi thì phải mất rất nhiều tiền thì mới có thể trở thành cô giáo, có khi phải chục năm lương mới bù được khoản tiền chạy chọt đó". Ông Thống đặt câu hỏi: "Chính sách về sư phạm như thế thì bảo làm thế nào thu hút được người tài?".
Ông Thống so sánh: "Tôi đi công tác nhiều nước, nhận thấy giáo viên nước ngoài họ sống bằng lương một cách thoải mái. Trong bối cảnh nước ta có nhiều cái khó, thêm nữa là tốc độ phát triển của nền giáo dục Việt Nam là quá lớn. Như nước Úc chỉ có 25 triệu dân, Phần Lan là 5 triệu, lượng học sinh rất ít nên xử lý mọi chuyện cũng rất dễ, chứ nước ta, chỉ riêng học sinh đã có đến 20 triệu em. Bên cạnh đó, nước ta cũng chưa thuộc vào những nước kinh tế phát triển. Tóm lại là cái khó bó cái khôn".
PGS. TS Đỗ Ngọc Thống.
Cần phải định nghĩa lại "dạy học"
Tuy chia sẻ với những đồng nghiệp, nhưng nhà giáo Phạm Toàn không đồng tình với những giáo viên đánh học trò của mình: "Ngày xưa người ta không tôn trọng cơ thể con người nên muốn đánh là đánh, nhưng thời đại này phải biết tôn trọng cơ thể và tâm hồn của mỗi người. Thầy cô giáo không được phép đánh vì bất kỳ lý do nào, không được động chạm đến trẻ em".
Nhà giáo 80 tuổi cho biết thêm: "Ở nước ngoài, nếu ai đụng chạm đến trẻ con là đi tù ngay, thậm chí ve vuốt quá cũng bị hiểu nhầm là lạm dụng tình dục. Như thế nghĩa là đánh cũng không được, hôn cũng không được. Thời đại này dân chủ như thế. Tại mỗi thị xã ở Mỹ đều có một ủy viên phụ trách trẻ em đi học và một ủy viên phụ trách người nghèo. Như thế để biết rằng, quyền của trẻ em là vô cùng quan trọng".
Trên thực tế giảng dạy, nhà giáo Phạm Toàn chia sẻ, không chỉ việc gây thương tích mới gọi là đánh. Ngay cả việc giáo viên dọa nạt học sinh cũng là một hình thức "đánh" vào tâm lý của các em. Và điều này hoàn toàn không nên làm, đặc biệt là ở môi trường sư phạm.
Tuy nhiên, những chuyên gia giáo dục khuyên chúng ta không nên nói nhiều về những cái xấu, vì theo TS. Phan Quốc Việt, những "năng lượng ác" bị phát tán trong xã hội nhanh hơn. Người ta tiếp nhận những thông tin xấu và thường hay nghĩ xấu về nhau. Điều này dễ dẫn đến hành vi xấu, gây ảnh hưởng không tốt đối với trẻ em.
Để trẻ em có một môi trường tốt trong những năm đi học, nhóm Cánh Buồm, nhóm tác giả biên soạn sách giáo khoa mang tên nhóm, do nhà giáo Phạm Toàn đứng đầu, khẳng định, cần phải định nghĩa lại về khái niệm dạy học, dạy học không phải là giảng giải. "Dạy học theo định nghĩa của nhóm Cánh Buồm là tổ chức hành động tự học của trẻ em để các em tự giáo dục mình. Nếu giáo viên mà đánh trẻ em thì không phải là nhà giáo. Giáo viên cũng không phải nói xa xả để bắt các em nghe, ép cái em phải yêu cái này, ghét cái kia, mà tổ chức làm sao cho các em học đúng cách, biết hợp tác với mọi người trong khi học", nhà giáo Phạm Toàn, đại diện nhóm cho biết.
Dẫu biết phản biện xã hội dựa trên một hiện tượng xấu ít khi giải quyết được vấn đề, nhưng việc phải làm thì vẫn phải làm. Và hy vọng, ngành giáo dục sẽ có nhiều câu chuyện tích cực trong thời gian tới.
Thanh Xuân