Mới đây, bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) có văn bản báo cáo gửi Chính Phủ góp ý kiến với báo cáo của bộ GTVT về dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông và chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ của dự án.
Cụ thể, đại diện bộ KH&ĐT cho rằng, các nguyên nhân khiến dự án Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ đều là do chủ quan, bộ KH&ĐT đề nghị bộ GTVT có biện pháp bắt buộc tổng thầu phải thực hiện yêu cầu của Bộ để đẩy nhanh tiến độ, kể cả phạt chậm tiến độ.
Theo đó, bộ KH&ĐT đề nghị bộ GTVT có báo cáo làm rõ những khó khăn và đề xuất giải pháp nhằm thực hiện hoàn thành dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đúng kế hoạch.
Trong thời gian vừa qua, dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông liên tiếp để lộ những bất cập và lùm xùm xung quanh như: Chậm tiến độ, thi công ẩu, “trộm” bản đồ sinh viên,... khiến người dân hết sức quan tâm.
Cùng với đó, đánh giá về những vấn đề liên quan tới dự án, bộ GTVT cũng chỉ ra 4 nguyên nhân làm cho dự án bị chậm tiến độ. Trong đó, bộ GTVT chỉ ra rõ, kỹ thuật, tổng thầu chậm trễ chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật các hạng mục thiết bị, gây ra chậm trễ trong xác định giá trị chi phí thiết bị, làm chậm tiến độ mua sắm cho dự án. Tại các hạng mục bị tổng thầu chia nhỏ, không đồng bộ, khó khớp nối.
Ông Vũ Hồng Phương – Phó giám đốc đốc ban Quản lý dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông thông tin, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công còn nhiều tồn tại, thiếu sót. Bộ GTVT đã yêu cầu tăng cường lực lượng thi công để đảm bảo tiến độ nhưng tổng thầu không thực hiện. Tổng thầu không bố trí kịp thời vốn lưu động để phục vụ thi công và thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu phụ. Tổng khối lượng nợ luôn duy trì mức 400-500 tỷ đồng.
Nói về việc lấy bản đồ của sinh viên, lãnh đạo ban Quản lý dự án Cát Linh – Hà Đông cho rằng, dự án có sử dụng hình ảnh bản đồ duỗi thẳng 8 tuyến đường sắt đô thị mô phỏng theo bản đồ quy hoạch giao thông đường sắt đô thị được duyệt cho TP. Hà Nội, và hình ảnh này được khai thác từ mạng Internet. Mục đích sử dụng bản đồ trên để người dân có cái nhìn tổng quan nhất về tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong mạng giao thông đường sắt đô thị tổng thể của thành phố và không sử dụng vào bất cứ một mục đích thương mại nào.
Thế Anh