Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đến 7h sáng nay (6/9), vị trí tâm siêu bão số 3 Yagi trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 600km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.
Như vậy, kể từ khi mạnh lên thành siêu bão vào sáng hôm qua, sau 24 giờ, bão số 3 Yagi vẫn duy trì cường độ cấp cuồng phong.
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão sẽ vượt qua khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ. Quá trình này gặp ma sát địa hình, siêu bão giảm khoảng 2-3 cấp.
Đêm nay đến sáng sớm ngày mai, khi vào đến Vịnh Bắc Bộ, cường độ siêu bão giảm còn cấp 13-14, giật cấp 17. Khoảng chiều và đêm mai (7/9), bão di chuyển vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ với cường độ bão tiếp tục giảm.
Tại Hà Nội, lo ngại bão ảnh hưởng kéo dài, người dân đã tìm đến các siêu thị, chợ dân sinh để tích trữ nhu yếu phẩm.
Sáng sớm ngày 6/9, trước khi đi làm, chị Kim Khánh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) ghé qua chợ Đồng Xa (Mai Dịch) mua thịt gà và các loại rau củ để dự trữ chuẩn bị phòng tránh siêu bão. Tuy nhiên, dù còn sớm nhưng tại chợ đã xuất hiện cảnh chen lấn mua hàng khiến chị Khánh không khỏi bàng hoàng.
"Người đi chợ đông như trẩy hội, mua từng mớ rau, lạng thịt. Có người còn bê nguyên 1/4 con lợn về nhà. Tiểu thương thì đua nhau hét giá mà ai cũng phải mua", chị Khánh chia sẻ. Thậm chí khi chờ được đến lượt, chị Khánh cũng không mua được "lạng thịt" nào vì sạp đã trống trơn.
Chị Nguyễn Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng vội vàng từ văn phòng làm việc ra chợ cóc vào khoảng 9h sáng để mua thực phẩm dự trữ trong những ngày siêu bão về, nhưng khi ra đến chợ, Hà vẫn bất ngờ khi lượng rau còn lại không còn bao nhiêu. "Tôi đã chuẩn bị tâm lý rau sẽ đắt nhưng không ngờ rau còn hết sớm hơn tôi tưởng. Phải vòng qua nhiều gian hàng, tôi mới mua được ít rau muống và rau cải đắng", chị Hà nói.
Ghi nhận của báo Lao Động tại một số hàng quán trên đường Mễ Trì Thượng (Nam Từ Liêm - Hà Nội), các thực phẩm thiết yếu như thịt, rau củ hay gạo... đang bán rất chạy.
Bà Nguyễn Thị Hồng, tiểu thương bán thịt lợn trên đường Mễ Trì Thượng chia sẻ: "Mọi khi giờ này tôi còn nhiều hàng, nhưng hôm nay đã bán gần hết. Riêng thịt ba chỉ vừa bán đã hết sạch. Tôi không lường trước nên không nhập tăng hàng, mới gần 9h đã hết sạch. Giá hôm nay tăng vài nghìn/kg".
Tương tự, chị Phương Nhung - tiểu thương bán hàng tại chợ Thượng Đình (Thanh Xuân) chia sẻ với VietNamNet: "Những ngày trước, rau thịt ở chợ ế ẩm. Bán đến 12h trưa sạp vẫn còn đầy ắp hàng. Sáng nay, người nào cũng mua lượng lớn rau củ, thịt cá nên chỉ 10h sáng tôi đã dọn sạp nghỉ vì hết hàng".
Tiểu thương tên Vân tại chợ Lâm Du, Bồ Đề (Long Biên) cũng cho biết, bình thường chị bán 2 con lợn một ngày. Nhưng hôm nay, mới hơn 7h sáng đã hết. Chị phải huy động người nhà mổ thêm một con để bán bổ sung, nhưng chưa đến 9h cũng không còn kg nào.
"Ai cũng ào ào mua, người mua ít cũng cả ký. Cứ mua đề phòng như hồi phong tỏa vì dịch Covid ấy", chị Vân nói.
Sang đến hàng rau, các bà nội trợ cũng tranh nhau mua nên chỉ trong vòng 10-15 phút, tiệm rau cũng trống. Hết nhanh nhất là các loại rau xanh, sau đó đến củ quả như bí xanh, bí ngô, cà rốt, củ cải, mướp đắng,...
Trên các chợ online, dân buôn cũng ồ ạt xả hàng các loại trái cây, thuỷ hải sản... trong ngày hôm nay (6/9) để tránh siêu bão Yagi. Bởi bão đổ bộ, mưa to gió lớn shipper không thể đi giao hàng cho khách.
Trong khi, tại các hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội như AEON, WinMart,… lượng khách bắt đầu đổ dồn về đây mua các loại lương thực, thực phẩm từ tối qua. Ngay lập tức, khu vực quầy kệ bày bán thịt lợn, rau xanh của nhiều siêu thị đã trống trơn.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc Chuỗi WinMart cho biết, trong sáng 6/9, lượng hàng nhập về tăng từ 200-300%, lượng khách đến siêu thị mua sắm tăng mạnh 300% so với ngày thường.
Các loại thực phẩm tươi sống như thịt, rau củ có xu hướng lưu trữ lâu; các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, mì gói… là những mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất trong sáng nay, ông Dũng cho hay.
Theo ông Dũng, trước ảnh hưởng của siêu bão Yagi tới khu vực miền Bắc, WinMart đã lên kế hoạch để đảm bảo đầy đủ hàng hóa, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm khô dự trữ. Trong đó, điều chỉnh kế hoạch cung ứng với các nhà cung cấp, đặt hàng sớm để tránh tình trạng thiếu hụt hàng hóa trong trường hợp bão làm gián đoạn quá trình vận chuyển hàng hóa từ kho trung tâm về điểm bán; đưa ra các biện pháp đối phó như thay thế nguồn hàng nhưng vẫn qua quy trình kiểm soát để đảm bảo chất lượng.
M.H (t/h)