Vỏ cà chua ngộ độc trong một số trường hợp
Cà chua là loại quả phổ biến, xuất hiện thường xuyên trên mâm cơm các gia đình Việt. Hiện nhiều quan điểm khác nhau về việc nên ăn cà chua thế nào, việc ăn sống hay nấu chín tốt hơn, hay có nên bỏ hạt và vỏ cà chua khi chế biến để tránh bị ngộ độc.
Nhiều người cho rằng không nên để cà chua cả vỏ và hạt khi chế biến vì dễ gây ngộ độc chia sẻ xoay quanh vấn đề này với VTC News TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, cà chua nhiều giá trị dinh dưỡng, giàu các chất vitamin, nhất là vitamin A.
Trung bình 100g cà chua chín đáp ứng được 13% nhu cầu hàng ngày về lượng vitamin A, B6, C. Ngoài ra, cà chua cũng chứa nhiều các chất vi lượng canxi, sắt, kali, phospho, magne, nickel, coban, iod, các axid hữu cơ dưới dạng muối citrat, malat.
Vị chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích sử dụng cà chua trong bữa ăn hàng ngày. Về băn khoăn ăn cà chua thế nào cho tốt, nên nấu chín hay có cần thiết bỏ hạt và vỏ khi chế biến, ông cho rằng điều này là sở thích của từng người.
Chúng ta chỉ không nên ăn quả đã dập nát, hư hỏng, không ăn cà chua khi còn xanh, còn việc nấu chín hay dùng trực tiếp đều mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng.
Phần vỏ cà chua, chứa nhiều chất chống ô xy hóa mạnh, giúp ngăn chặn tế bào ung thư, vừa chống sự hình thành của các cục máu đông trong thành mạch máu… Do vậy, mọi người hoàn toàn có thể sử dụng được phần vỏ chứ không cần bỏ.
Trong khi đó PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho rằng, vỏ cà chua không chứa độc đến mức ăn vào gây ngộ độc.
Tuy nhiên, việc ăn phần vỏ có thể xảy ra hiện tượng ngộ độc trong một số trường hợp, khi quả cà chua bị tồn dư hóa chất bảo quản, ăn sống hoặc chưa kịp rửa dễ bị nhiễm độc hóa chất.
Ngoài ra, hiện chưa có bằng chứng khoa học cho thấy hạt cà chua gây ngộ độc. Thực tế, từ xưa đến nay mọi người vẫn nấu cả vỏ và hạt để ăn, không có hiện tượng bất thường.
Song, hạt cà chua không quá nhiều giá trị dinh dưỡng, khi vào hệ tiêu hóa sẽ khó bị phân hủy, thường sẽ lẫn chất cặn bã đào thải ra ngoài.
Nếu so sánh về dinh dưỡng, ăn cà chua sống sẽ tốt hơn cà chua nấu chín. Tuy nhiên, đây là loại quả có nguy cơ nhiễm hóa chất cao nên cần cân nhắc việc ăn sống.
Vỏ bạch quả ăn nhiều gây độc
Bạch quả hay còn gọi Ginkgo biloba là hạt chín già của cây bạch quả (Ginkgo biloba L.), thuộc họ bạch quả (Ginkgoaceae). Trong dân gian còn có nhiều tên gọi khác như bạch quả nhân, ngân hạnh nhân…
Trong loại quả này có các chất như carbohydrate, lipid, protein, acid, ginkgenic... Lá cây bạch quả có flavonoid, tritecpenid…; dùng cho người rối loạn trí nhớ, làm tăng tuần hoàn não, tăng độ bền thành mạch…
Bạch quả có thể được dùng như một phương thuốc tốt cho chứng thiếu máu não gây đau đầu, đau nửa đầu và thậm chí là lo lắng. Nó cũng cung cấp các lợi ích bảo vệ tổng thể cho sức khỏe của bạn thông qua nhiều chất chống oxy hóa quan trọng khác.
Đặc biệt, lá bạch quả và chiết xuất từ lá bạch quả được xem là an toàn, được chứng minh qua nhiều thử nghiệm lâm sàng lớn và được ứng dụng rộng rãi.
Tác dụng phụ của Ginkgo biloba rất hiếm, trừ khi dùng với liều lượng vượt quá giới hạn khuyến cáo.
Mặc dù bạch quả tốt nhưng vỏ bạch quả chứa các chất độc hại như ginkgo acid, hydrogenated ginkgo acid, hydrogenated ginkgo acid và ginkgo alcohol.
Sau khi vào cơ thể người, các chất này sẽ làm tổn thương hệ thần kinh trung ương và dễ gây ngộ độc. Vì vậy, khi chế biến loại quả này, bạn chỉ nên sử dụng phần thịt và loại bỏ đi phần vỏ nhé.
Trúc Chi (t/h)