Đặc điểm của rau nhót
Rau nhót ở một số nơi gọi là rau còng còng, rau sương muối...Loại rau này là cây thân thảo màu hồng nhạt, cao khoảng 10 - 15cm, thân mọng nước, nhỏ, nhiều nhánh, lá dải, mép nguyên. Lá và thân rau nhót có nhiều nét giống cây hoa mười giờ. Rau nhót mọc hoang trên các đầm lầy, hồ tôm, ven theo các cánh đồng muối.
Ở nhiều vùng biển, nộm rau nhót là món ăn khá quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày, còn với những thực khách phương xa, rau nhót quả là món ăn dân dã nhưng ngon mắt, ngon miệng với mùi vị khá đặc biệt.
Rau có vị thanh mát, rào rạo, sừn sựt và mằm mặn khác với tất cả các loại rau khác. Không chỉ xuất hiện trên mâm cơm như món rau quen thuộc, nộm rau nhót còn được dùng ăn kèm với bánh mướt, bún lá...
Loại rau sống siêu sạch "ăn" sương và "thở" bằng khí trời
Loại rau này có từ bao giờ cũng chẳng ai rõ, chúng thường mọc hoang thành từng đám, rễ bám chặt vào đất hút chất dinh dưỡng, "ăn" sương và "thở" bằng khí trời. Người dân Cát Bà gọi loại rau này là "lộc trời", theo Nhịp sống kinh tế.
Vì sinh trưởng và phát triển hoàn toàn trong môi trường tự nhiên, không có phân hóa học, không thuốc trừ sâu nên rau có vị rất độc đáo.
Đặc biệt, cứ vào giai đoạn cuối xuân đầu hạ hay khi trời có mưa nhiều, rau nhót sẽ phát triển rất nhanh.
Cách chế biến món rau nhót đậm vị
Nộm rau nhót
Nộm rau nhót có vị chua cay mặn ngọt hài hòa; phảng phất mùi thơm lá chanh; béo bùi của lạc rang; mát giòn của giá, của cà rốt. Và đặc biệt hương vị thanh mát, rào rạo, sừn sựt đặc trưng của rau nhót, khiến ai đã từng một lần được thưởng thức cũng khó lòng mà quên được...
- Để chế biến được những món ngon, khi hái những cọng rau nhót xanh non về, người ta nhặt sạch lá cỏ, gốc già, đem ngâm trong nước lạnh vài giờ cho bớt đi vị chát mặn của nước muối.
- Sau đó đem luộc lên. Rau nhót luộc vừa chín tới thì đổ ra rổ cho ráo nước và nhanh nguội, vắt sơ qua để ráo nước. Lạc rang xát vỏ giã dập.
-Giá rửa sạch trụng qua nước ấm.
- Cà rốt cạo vỏ bào sợi.
-Lá chanh thái chỉ.
- Ớt cay bỏ hạt giã dập băm nhỏ.
- Trộn đều rau với lạc, giá, cà rốt, lá chanh, ớt, nước cốt chanh, chút đường, bột ngọt (nên nếm thử chút rau trộn trước khi quyết định cho muối vào hay không vì rau nhót vốn có vị mặn). Khoảng sau 15 phút rau ngấm gia vị là sẽ có món nộm rau nhót thơm ngon.
Rau nhót luộc
- Rau nhót sau khi được hái về thì nhặt sạch, ngâm trong nước chừng một, hai giờ cho giảm bớt vị mặn tự nhiên rồi lại rửa tiếp, luộc chín. Sau đó, rau được vắt hết nước và dùng đũa đánh rời ra từng ngọn.
- Sau khi sơ chế xong, tùy vào sở thích mà có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Đơn giản nhất là luộc lên ăn thì chấm rau với tương. Nếu đem xào thì rau nhót đặc biệt hợp với tỏi, hàu và tôm.
Thu hàng trăm triệu đồng/ha nhờ trồng thứ rau dại xưa
Thời gian gần đây, rau nhót bỗng chốc trở nên đắt hàng. Với các du khách, họ thường mua rau tại các chợ quê về làm quà cho người thân. Bởi rau rất sạch và nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Rau nhót hiện nay trở thành đặc sản, có mặt tại các nhà hàng, khách sạn nên đầu ra ổn định, thị trường rất rộng mở. Giá bán dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Điển hình tại các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng... có thể tìm được loại rau này trên các chợ mạng hoặc được người dân một số chung cư bán. Giá bán của chúng khá đắt đỏ, từ 70.000 - 100.000 đồng/kg.
Nhận thấy đặc sản "cứu đói" này hấp dẫn, từ đó, một số người dân ở huyện Quỳnh Lưu, TX.Hoàng Mai, Nghệ An đã có ý tưởng thuần hóa cây rau dại này, đem vào trồng thâm canh trên đồng đất nhiễm mặn.
Sau thời gian dài chăm sóc, hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình trồng rau nhót trên đất nhiễm mặn ở TX.Hoàng Mai, Nghệ An được xem là một trong những giải pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu. Mong muốn của người dân trồng rau là sẽ được nghiên cứu, phân tích thành phần để có thể chế biến sâu thành các sản phẩm từ rau nhót như: bột rau nhót, trà rau nhót, bánh rau nhót...
Rau nhót là giống cây bản địa được thu hái từ hạt quả của cây già. Ngoài phục vụ sản xuất, hiện nay, hạt giống rau nhót đã được xuất bán ra thị trường, nhất là các địa phương ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Theo báo Dân Việt, một số người dân thu hàng trăm triệu đồng/ha nhờ trồng loại rau dại này.
Trúc Chi (t/h)