Rau sam được coi là quý hiếm ở nước ngoài
Thời gian gần đây, nhiều người bất ngờ vì biết giá bán của một khay quả tầm bóp tại Nhật Bản - loại quả hoang dại ở Việt Nam là 700.000 đồng/kg, thì chắc chắn khi biết rằng một loại rau dại nữa mà người Việt đang "lãng quên" được người dân ở rất nhiều nước săn lùng. Loại rau dại mọc như cỏ đó chính là cây sam. Đây là loại rau dân dã đồng quê được mệnh danh là "nông dân" vì rất dễ sống, mọc đầy ở trong vườn, ven đường, bờ ruộng và cả những nơi khô cằn nhất.
Cây sam bề ngoài mọng nước, thân bò sát mặt đất với màu hơi hồng đỏ, trơn nhẵn với các lá mọc đối thành cụm tại các đốt hay đầu ngọn, hoa sam màu vàng hoặc đỏ rất đẹp.
Rau sam có vị đặc trưng, thanh và hơi chua. Dù được gọi là rau, nhưng ở Việt Nam, người ta thường chỉ coi cây sam như là cây dại và chỉ dùng như một loại rau ăn lá rất hạn chế, thậm chí ở nhiều nơi còn dùng làm thức ăn cho bò.
Thông tin trên Dân Việt, ở nhiều nước châu Âu, rau sam rất được yêu thích. Họ dùng trong các món ăn khá phổ biến, người Hà Lan dùng rau sam làm dưa chua, người Pháp cũng rất thích rau sam và chế biến thành nhiều món ăn ngon, hoặc ở Mỹ có món rau sam trộn dầu giấm...
Đặc biệt, trong Y học cổ truyền Trung Quốc xem cây rau này là "vị thuốc trường thọ" và được sử dụng để chữa nhiều bệnh.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Úc, trong rau sam có chứa nhiều axít béo omega-3 hơn các loại rau ăn lá khác. Nó là một trong số rất ít các loài cây có chứa EPA omega-3 chuỗi dài, có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch và tăng cường sức miễn dịch của cơ thể. Đây cũng là loại rau chứa nhiều loại vitamin (chủ yếu là vitamin A, C và một số vitamin B cùng các carotenoit), cũng như các chất khoáng dinh dưỡng như magiê, canxi, kali và sắt...
Lợi ích rau sam đối với sức khỏe
Báo Phụ Nữ Việt Nam dẫn lời lương y đa khoa Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nộicho biết, rau sam còn có tên gọi khác là mã xỉ hiện, mã xỉ thái. Trong Y học cổ truyền, rau sam có vị chua, tính hàn, không có độc, có kháng sinh tự nhiên, có khả năng giải độc, tiêu thũng.
Đặc biệt, lợi ích của rau sam được y học cổ truyền phân tích như sau:
- Rau sam vị chua, vì vậy kích thích tiêu hóa hoạt động.
- Rau sam có khả năng thanh nhiệt, trị nóng do có tính hàn.
- Rau sam có kháng sinh tự nhiên nên có khả năng sát trùng, chữa trị mẩn ngứa ngoài da...
- Rau sam có khả năng tiêu thũng nên có tác dụng điều trị các chứng mụn nhọt mẩn ngứa sưng đau ngoài da...
Theo kinh nghiệm của dân gian, cây rau sam được sử dụng trong các bài thuốc cụ thể sau:
Giảm nổi mề đay mẩn ngứa, sốt phát ban: Lấy một nắm cây rau sam rửa qua nhiều lần với nước để loại bỏ lớp bụi bẩn và tạp chất. Sau đó, giã nát toàn bộ rau sam, chắt lấy phần nước cốt để uống, phần bã để chà xát lên vùng da bị tổn thương. Thực hiện mỗi ngày 1 lần để cải thiện bệnh lý về da.
Trị giun: 50g rau sam tươi, rửa sạch, giã nát vắt lấy nước. Uống nước ép rau sam vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc uống vào buổi sáng trước khi ăn khoảng 4 giờ. Uống liền trong 3 – 4 ngày bạn sẽ thấy giun ra ngoài theo phân. Phương cách này hữu hiệu với giun kim và giun đũa.
Giảm trướng bụng: 300 – 500g rau sam, rửa sạch, chia làm 2 lần dùng, mỗi lần 150g, thái nhỏ, nấu lẫn với nước vo gạo nếp lần 2 tạo thành một thứ canh hơi sệt.
Trị vết thương do côn trùng, rắn rết cắn: Lấy một nắm cây rau sam. Đem phần rau sam rửa sạch nhiều lần với nước rồi giã nát lấy phần nước cốt để uống, phần bã dùng để đắp lên vị trí bị tổn thương. Khi dùng thuốc, cần đưa bệnh nhân về ngay trạm y tế gần nhất. Bởi đây chỉ là biện pháp hỗ trợ.
Giảm mụn nhọt: Chuẩn bị một miếng màn hoặc miếng vải mỏng, giặt sạch phơi khô. 30g rau sam, rửa sạch, sau đó giã nát, sau đó gói vào miếng vải trước đo đã chuẩn bị, đắp lên phần da bị mụn nhọt. Mỗi ngày thay 2 lần. Duy trì đắp đến khi mụn nhọt nhín và vỡ ra.
Phòng ngừa bệnh gout: Dùng nước sắc rau sam để thay cho nước lọc. Sử dụng liên tục khoảng 30 ngày và kết hợp cùng với thuốc trị bệnh gout.
Trị kiết lỵ: Rau sam, cỏ sữa mỗi vị 100g. Hai loại này rửa sạch, thêm vào khoảng 400ml nước rồi sắc, sắc đến khi nào cạn còn chừng 100ml thì gạn nước ra để uống, chia làm 2 lần dùng, dùng trong ngày. Nếu có thêm đi ngoài ra máu thì thêm cỏ nhọ nồi 20g đun lẫn.
Trị bỏng: Lấy rau sam khô tán thành bột mịn, thêm một ít mật ong rồi bôi lên vùng da bị bỏng.
Trị môi, miệng bị lở loét: Lấy rau sam đã được làm sạch giã nát lấy phần nước cốt để bôi lên vị trí môi miệng bị lở loét. Hoặc dùng rau sam sắc đặc để cải thiện tình trạng lở loét.
Trị ho gà: Dùng 100g rau sam cùng với 30g đường phèn. Rau sam cần được làm sạch trước khi đem đun cùng với 200ml nước. Tiếp tục thêm 30 gram đường phèn và đun còn khoảng 100ml. Chia phần sắc được thành 3 phần nhỏ để dùng trong ngày. Sau lộ trình 3 ngày, người bệnh giảm liều dùng còn 50ml.
Chữa bệnh trĩ: Lấy 300 – 350 gram rau sam tươi. Đem rau sam đã được rửa sạch nhiều lần với nước rồi đem nấu lấy rau để ăn, nước để xông hoặc ngâm hậu môn. Thực hiện mỗi ngày 1 lần để cải thiện bệnh trĩ.
Trúc Chi (t/h)