Cây rau hẹ còn có tên gọi khác là cửu thái, nén tàu, hom xe lép (Thái), phắc kép (Tày). Tên khoa học của cây hẹ là Allium odorum L., thuộc họ hành Liliaceae.
Cây rau hẹ là cây thảo có thân hành, nhóm thành túm, hình nón gần như dạng trụ. Thân mọc đứng hình trụ hoặc có góc ở ngọn, mang lá ở gốc, cao 15-30cm. Lá hẹp, dài, dày, phiến lá dài 10-25cm, rộng 1,5-8mm, đầu nhọn.
Cụm hoa dạng tán, mọc trên một gọng dài từ gốc lên. Hoa màu trắng, bầu gần hình cầu, vòi nhị ngắn. Quả nang hình trái xoan ngược, chia ra 3 mảnh.
Hạt nhỏ màu đen. Cây trồng lấy lá làm rau ăn gia vị. Hoa cũng ăn được. Lá, thân và hạt đều dùng làm thuốc.
Lá hẹ còn được gọi là cửu thái, khởi dương thảo... Đây là một loại rau gia vị, thường được sử dụng trong chế biến một số món ăn.
Ở Việt Nam, hẹ là loại rau phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu hết công dụng của loại "thần dược" này.
Trong Đông y, loại rau này có vị cay, hơi chua, tính ấm, được mệnh danh là rau của thận, tốt cho "cánh mày râu" trong chuyện sinh lý.
Nhờ chứa hợp chất chống viêm mạnh hơn cả thuốc kháng sinh mà lá hẹ có thể sử dụng như một thực phẩm hàng ngày để trị viêm nhiễm phụ khoa cho phụ nữ.
Thành phần của loại rau này sở hữu giá trị dinh dưỡng cao khi giàu các dưỡng chất tốt. Trong đó, bao gồm: protein, chất chống oxy hóa, chất xơ, các loại vitamin, các khoáng chất (magie, canxi, photpho,...), các loại đường (fructose, glucose, lactose, sucrose) đồng thời chứa ít calo.
Cụ thể, cứ 1kg loại rau này có chứa từ 5-10g chất đạm, từ 5-30g đường, cùng với đó là nhiều vitamin A, vitamin C, chất xơ, canxi, photpho,... Với thành phần dinh dưỡng tốt cho cơ thể, loại rau này có nhiều tác dụng.
Tốt cho giấc ngủ, cải thiện tâm trạng
Trong hàm lượng dinh dưỡng của lá hẹ có sự xuất hiện của choline với một lượng nhỏ. Đây là một dưỡng chất có lợi khi có tác dụng trong việc duy trì cấu trúc của màng tế bào. Đi kèm với đó, nó còn có lợi cho việc cải thiện tâm trạng, chất lượng giấc ngủ cũng như kiểm soát cơ bắp cùng những chức năng khác được não và hệ thần kinh đảm nhiệm.
Hỗ trợ phòng chống ung thư
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng lá hẹ có thể có tác dụng trong việc phòng chống một số bệnh ung thư.
Nhờ các hợp chất như lưu huỳnh có khả năng ngăn các tế bào ung thư phát triển và lây lan ra khắp cơ thể, đặc biệt làm giảm thiểu nguy cơ phát triển căn bệnh ung thư vú.
Giải độc cơ thể
Lá hẹ có đặc tính lợi tiểu, kháng khuẩn cùng khả năng loại bỏ các gốc tự do, hỗ trợ quá trình loại bỏ các độc tố dư thừa ra bên ngoài cơ thể. Từ đó, ngăn các chất độc này làm ảnh hưởng đến sự hoạt động hiệu quả của những cơ quan trong cơ thể, nhất là gan.
Hỗ trợ hoạt động tiêu hóa
Hẹ giúp hỗ trợ hoạt động tiêu hoá của cơ thể, hạn chế tình trạng đầy bụng, khó tiêu, triệu chứng táo bón. Song song đó, còn hỗ trợ loại bỏ nhiều loại vi khuẩn có hại đối với hệ tiêu hóa. Đồng thời, giúp đường ruột được tăng cường khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng từ các thực phẩm được tiêu thụ một cách tốt nhất.
Tăng cường hệ thống miễn dịch
Ăn loại rau này còn giúp bạn bổ sung một lượng đáng kể vitamin C với lợi ích trong việc tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch. Thông qua đó, cơ thể luôn khỏe mạnh, sẵn sàng chống lại và tiêu diệt vi rút, vi khuẩn khi chúng xâm nhập và tấn công vào cơ thể.
Tác dụng kháng viêm
Nhờ sự hiện diện của allicin với khả năng diệt khuẩn, kháng viêm rất tốt, tiêu thụ hẹ sẽ giúp vết thương nhanh lành hơn, nhất là ở các vết thương ngoài da.
Hỗ trợ tim mạch
Các loại hợp chất hữu cơ là allicin, quercetin có trong thành phần của loại rau này có tầm quan trọng với việc giảm mức độ cholesterol xấu trong cơ thể. Từ đó, giúp các thành mạch luôn khỏe mạnh để có thể thực hiện bơm máu tốt cho tim, giúp ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch, hạn chế nguy cơ đột quỵ và đau tim.
Lưu ý, tuy lá hẹ tốt cho sức khỏe nhưng mỗi lần ăn không nên quá nhiều, không nên cùng một lúc ăn lá hẹ và uống sữa, không ăn lá hẹ đã nấu chín để qua đêm.
Khi chế biến loại rau này cần cắt nhỏ và xào lửa to, thao tác thật nhanh. Xào quá lâu sẽ khiến hẹ bị nát, không ngon, đồng thời khiến chất sulfide trong hẹ bị biến chất.
Ngoài ra, bạn nên tránh ăn nó cùng với một số loại thực phẩm như thịt trâu hay mật ong để hạn chế tác động không tốt đến sức khỏe.
Những người đang mắc bệnh liên quan tới mắt, nóng trong, dạ dày yếu, bị mụn nhọt hoặc mắc bệnh về đường tiêu hóa không nên ăn lá hẹ.
Minh Hoa (t/h)