Là một phần của cuộc tập trận hàng hải và hàng không đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2024, Mỹ đã thử nghiệm đánh chìm tàu tấn công đổ USS Tarawa, một chiến hạm khổng lồ với chiều dài 250 m và lượng giãn nước khoảng 40.000 tấn.
Trọng điểm là Mỹ đã sử dụng một loại vũ khí giá siêu rẻ nhưng có thể tàn phá một con tàu lớn, khiến nó chìm nhanh chóng, gọi là QUICKSINK.
Cuộc thử nghiệm diễn ra trên đảo Kauai, phía bắc Hawaii, vào ngày 19/7 được coi là "rất quan trọng" vì khả năng này là "câu trả lời cho nhu cầu cấp thiết phải nhanh chóng vô hiệu hóa các mối đe dọa trên các vùng biển rộng lớn trên khắp thế giới với chi phí tối thiểu", theo thông cáo báo chí từ Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ, đơn vị dẫn đầu RIMPAC 2024.
Tên lửa được khai hoả từ máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit – một trong những nền tảng vũ khí có khả năng sống sót cao nhất của Không quân Mỹ, để tiêu diệt tàu tấn công đổ bộ USS Tarawa đã loại biên.
Oanh tạc cơ B-2 Spirit là trụ cột của phi đội máy bay ném bom của Không quân Mỹ và dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các tính năng tàng hình của máy bay ném bom B-2 cho phép nó hoạt động ở độ cao lớn với khả năng bị radar phát hiện là rất thấp (khả năng tàng hình), cho phép nó xâm nhập vào các không phận được bảo vệ nghiêm ngặt.
Điều này mang lại góc nhìn chiến trường mà các máy bay bay thấp không thể đạt được bằng các cảm biến của chúng. Vì vậy, việc trang bị cho máy bay ném bom này một loại vũ khí uy lực đáng gờm nhưng không tốn kém như QUICKSINK là một kịch bản rất hứa hẹn.
Ngoài ra, những quả tên lửa chống hạm giá rẻ mới này cũng đến vào thời điểm ngân sách quốc phòng đang eo hẹp.
Tên lửa QUICKSINK khai hoả từ máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit đánh chìm tàu tấn công đổ USS Tarawa. Ảnh: CNN
Dự án QUICKSINK đang được Văn phòng Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách Nghiên cứu và Kỹ thuật tài trợ, nhằm mục đích cung cấp các lựa chọn để vô hiệu hóa các mối đe dọa trên biển đồng thời chứng minh tính linh hoạt vốn có của lực lượng hỗn hợp.
Lần đầu tiên được thử nghiệm cách đây vài năm, vũ khí thử nghiệm QUICKSINK kết hợp công nghệ tìm kiếm mới với bộ dẫn đường JDAM hiện có để cho phép đạn có thể nhắm chính xác vào mục tiêu đang di chuyển hoặc đứng yên trên biển.
Về mặt dẫn đường vũ khí, QUICKSINK kết hợp hệ thống dẫn đường quán tính hỗ trợ GPS (INS) đã có trong đuôi của GBU-31/B JDAM với một đầu dò radar mới lắp ở mũi và một camera hồng ngoại được đặt trong tấm ốp bên hông.
Khi được kích nổ, quả bom lướt đến vị trí mục tiêu bằng bộ JDAM thông thường và khóa vào tàu bằng đầu dò/camera. Cơ chế dẫn đường khiến quả bom phát nổ gần thân tàu bên dưới mực nước ngay khi khóa được mục tiêu.
Trang bị cho máy bay ném bom B-2 những quả bom dẫn đường chính xác giá cả phải chăng và có tải trọng đã được chứng minh lên tới 2.000 pound (900 kg) có thể cung cấp cho oanh tạc cơ của Không quân Mỹ "sức mạnh chống hạm" của ngư lôi phóng từ tàu ngầm trong khi hoá giải được nhược điểm dễ bị tổn thương của tàu ngầm.
Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL) cho biết, "Một tàu ngầm của Hải quân Mỹ có thể phóng và phá hủy một con tàu chỉ bằng một quả ngư lôi bất cứ lúc nào, nhưng khi phóng vũ khí đó, nó sẽ tiết lộ vị trí của mình và trở thành mục tiêu".
Trong khi đó QUICKSINK có thể cung cấp "một phương pháp chi phí thấp để đạt được khả năng tiêu diệt tàu chiến giống như ngư lôi nhưng với tốc độ cao hơn nhiều và trên một khu vực rộng lớn hơn nhiều so với một chiếc tàu ngầm cồng kềnh", AFRL nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng thừa nhận chương trình QUICKSINK vẫn là một "cuộc trình diễn công nghệ" chứ chưa phải là vũ khí tiền tuyến.
Minh Đức (Theo Eurasian Times, First Post)