Một loạt các thông báo gần đây về chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến các nhà sản xuất ô tô "xứ cờ hoa" cảm thấy căng thẳng.
Chỉ chưa đầy một tháng kể từ khi trở lại Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Mỹ đã liên tiếp tung "đòn" thuế quan.
Khi mối đe doạ thuế quan 25% đối với Mexico và Canada - đã được đưa ra rồi hoãn lại - chưa tạm lắng, thì mức thuế bổ sung 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - một nhà cung cấp phụ tùng ô tô lớn - đã được áp dụng.
Ngoài ra, mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu thép và nhôm có hiệu lực từ ngày 12/3 là cú bồi tiếp theo, gây ra áp lực ngày càng tăng đối với chi phí mà các nhà sản xuất ô tô Mỹ sẽ phải gánh chịu.
"Một chút ở đây, một chút ở kia. Chi phí sẽ không nhỏ khi kết hợp lại với nhau", CEO Ford Jim Farley cho biết tại một hội nghị ở New York hôm 11/2.
Canada là nguồn cung cấp thép nhập khẩu lớn nhất của Mỹ, và đây cũng là yếu tố then chốt đối với ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Do đó, mức thuế mà các nhà nhập khẩu nguyên liệu như Ford phải trả sẽ gây tổn hại đáng kể đến giá tiêu dùng ở Mỹ và khả năng cạnh tranh với các loại xe nước ngoài.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một tài liệu tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, Washington, D.C., ngày 4/2/2025. Ảnh: PBS
Không dừng ở đó, các chỉ thị thương mại vẫn tiếp tục phát ra từ Phòng Bầu dục. Hôm 13/2, khi ký các kế hoạch "thuế quan đối ứng" toàn diện với các đối tác thương mại, ông Trump đã nêu bật sự mất cân bằng giữa thuế nhập khẩu ô tô của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) như một ví dụ điển hình về mục tiêu của ông.
Và ngày hôm sau 14/2, Tổng thống Mỹ cho biết, ông có kế hoạch công bố thuế quan đối với ô tô nước ngoài vào đầu tháng 4, mặc dù ông không nêu rõ mức thuế sẽ lớn như thế nào hoặc những quốc gia nào sẽ rơi vào tầm ngắm đầu tiên.
Nếu mức thuế quan tạm hoãn đối với Mexico và Canada cuối cùng cũng được áp dụng, ông Farley cho biết, chúng sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô Mỹ "thủng một lỗ" khi ngành này vốn được tích hợp với ngành công nghiệp tương ứng của các nước láng giềng kể từ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) những năm 1990.
Trong khi đó, các quan chức chính quyền Trump mô tả thuế quan là một nguồn doanh thu tiềm năng cũng như là động lực để các công ty toàn cầu tăng cường năng lực sản xuất tại Mỹ.
Ông Trump đã đưa thuế quan vào trọng tâm trong cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" của mình, mô tả các khoản thuế này là một cách để vượt qua sự đối xử "bất công" từ các đồng minh thương mại.
Một tờ thông tin của Nhà Trắng được công bố hôm 13/2 chỉ ra rằng EU áp dụng mức thuế 10% đối với ô tô nhập khẩu, trong khi mức thuế của Mỹ là 2,5%.
Trong EU, các nhà sản xuất ô tô Đức là nguồn nhập khẩu ô tô trực tiếp lớn nhất của Mỹ từ châu Âu. Nhóm này bao gồm các thương hiệu xa xỉ như BMW, Mercedes-Benz và Audi, vốn có cơ sở sản xuất hoặc liên doanh sản xuất tại Mỹ.
Ông Jeff Schuster, phó chủ tịch nghiên cứu toàn cầu tại GlobalData, cho biết việc xoa dịu chính quyền Trump về mức thuế ô tô của EU có thể tương đối dễ dàng đối với Brussels.
"Các loại xe của Mỹ, đặc biệt là các loại xe phổ biến ở quê hương của chúng, sẽ không phổ biến ở châu Âu", ông Schuster chỉ ra, dự đoán rằng việc EU bãi bỏ thuế quan đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ sẽ không có nhiều tác động.
Các nhà phân tích ô tô tin rằng các nhà sản xuất ô tô nước ngoài có thể công bố kế hoạch mở rộng hoặc xây dựng nhà máy mới tại Mỹ trong những tháng tới. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về loại xe nào sẽ được sản xuất, do sự thay đổi của chính trị Mỹ.
Đồng thời, chính quyền Trump đang theo đuổi một cuộc cải tổ đối với thương mại quốc tế, và cũng đang báo hiệu sự đảo ngược trong các nỗ lực thúc đẩy năng lực sản xuất xe điện, khiến Mỹ không theo kịp châu Âu, Trung Quốc và các thị trường lớn khác trong công cuộc điện khí hoá này.
Thời gian chờ đợi quá dài trong ngành công nghiệp ô tô có nghĩa là những chiếc xe do các quyết định đầu tư hiện tại tạo ra có thể không ra mắt thị trường trong 4-5 năm tới.
Các công ty toàn cầu "sẽ không hoạt động hiệu quả nếu phải áp dụng các chiến lược khác nhau ở mọi thị trường", ông Schuster cho biết.
Minh Đức (Theo Gulf News, Independent)