Sở Y tế Quảng Bình cũng đã có công văn gửi đến bệnh viện Đa khoa TP.Đồng Hới, huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được bố trí kế hoạch vốn năm 2024.
Trước đó, từ ngày 10/7 và ngày 12/7, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Y tế tổ chức giám sát kiểm tra các chủ đầu tư về tình hình triển khai các dự án.
Qua thực tế kiểm tra, Sở Y tế nhận thấy, các dự án thành phần 1, 2, 3, 4, 5 của Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo 6 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế huyện, mặc dù trong điều kiện thời tiết thuận lợi, vốn dự án đã được bố trí đủ, đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, song số lượng công nhân lao động, trang thiết bị, máy móc trên hiện trường rất ít, tiến độ thi công rất chậm…
Theo báo cáo của chủ đầu tư, nguyên nhân là do các công trình chủ yếu nâng cấp, cải tạo; công tác thi công dự án phải triển khai song song với công tác khám chữa bệnh; công tác thẩm định, phê duyệt phòng cháy chữa cháy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phối hợp thực hiện giữa các đơn vị (chủ đầu tư, nhà thầu, quản lý dự án, giám sát dự án...) chưa được chặt chẽ.
Đây là các dự án có nguồn vốn chỉ được giải ngân trong năm 2024, do đó, để đảm bảo tiến độ, Sở Y tế yêu cầu các chủ đầu tư và đơn vị liên quan thực hiện một số xác định trách nhiệm của chủ đầu tư; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; lên kế hoạch chi tiết về tiến độ thực hiện, nghiệm thu và giải ngân cho từng công việc và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.
Phân công lãnh đạo, các đầu mối phụ trách công tác đầu tư, giải ngân vốn; đôn đốc, theo dõi sát các nội dung thuộc trách nhiệm của nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát, quản lý dự án trong quá trình thực hiện và giải ngân để có biện pháp xử lý kịp thời, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn được giao và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư dự án của đơn vị mình.
Các đơn vị quản lý dự án nâng cao chất lượng công tác quản lý dự án; giúp chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết phù hợp về tiến độ thực hiện, nghiệm thu và giải ngân cho từng công việc; phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị (chủ đầu tư, nhà thầu, giám sát dự án...) tạo điều kiện thuận lợi nhất để thi công công trình đảm bảo tiến độ. Cần tiên lượng các tình huống trong quá trình triển khai thi công để có biện pháp sớm, tránh mất nhiều thời gian xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân vốn.
Đối với các nhà thầu tập trung, phối hợp tốt với chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, đơn vị giám sát dự án, bố trí đủ máy móc, thiết bị, nhân sự để đẩy nhanh tiến độ thi công; Thực hiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng hoàn thành phải thực hiện thanh toán để nâng cao tỷ lệ giải ngân, không để dồn thanh toán về cuối năm.
Theo Sở Y tế, nếu hết ngày 31/12/2024, các dự án không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế, đồng thời tự chủ động thu xếp nguồn vốn để hoàn thành công trình theo đúng mục tiêu đề ra.