Đó cũng là một trong những vấn đề “nóng” được đưa ra chất vấn tại nghị trường mới đây. Bộ Kế hoạch & đầu tư đổ lỗi cho cái gọi là “phân quyền”, “khoán” cho địa phương nhưng lại không giải thích và chứng minh được quyền năng lập và giám sát các kế hoạch mà bộ này được Chính phủ giao. Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng, cơ chế xin - cho còn tồn tại thì đầu tư công khó mà đạt được hiệu quả như mong muốn, đó là chưa nói đến thất thoát, lãng phí
Cần siết chặt đầu tư công để ổn định kinh tế
“Bắt bệnh” nguyên nhân
Nhiều báo cáo của các cấp có thẩm quyền đều khẳng định, nhiều dự án đầu tư công còn dàn trải, kém hiệu quả. Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, hai dự án được chú ý nhất như tuyến phát triển Hà Nội - Hải Phòng và TP.Hồ Chí Minh - Vũng Tàu đã tập trung tới gần 80% giá trị sản lượng công nghiệp cả nước, nhưng cho đến nay vẫn chưa có đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao...
Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây cũng đề cập đến không ít dự án có vi phạm như chỉ định thầu sai quy định, bổ sung vốn vượt nhiều lần so với dự toán, dự án chậm tiến độ đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước. Điển hình là trường hợp doanh nghiệp (DN) Xây dựng Xuân Trường và Tập đoàn Xuân Thành đều của tỉnh Ninh Bình. Các đơn vị này được chỉ định thầu khá nhiều dự án tại Ninh Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hưng Yên. Nhưng đáng chú ý là rất nhiều dự án, sau khi được điều chỉnh bổ sung đã tăng tổng mức đầu tư lên gấp nhiều lần.
Đó là chưa kể đến, việc các tỉnh ven biển đua nhau xin đầu tư cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, trường đại học một cách tràn lan. Song, chẳng hiểu sao, những dự án kiểu như vậy vẫn được phê duyệt, thực hiện.
Điều đặc biệt là, dự án này chưa thực hiện xong, các tỉnh đã xây dựng, lên kế hoạch cho các dự án khác. Dự án chồng chéo dự án đã biến không ít địa phương trở thành đại công trường. Vốn ít, đầu tư dàn trải, dẫn đến chuyện chậm tiến độ, phát sinh chi phí và gây hưởng lớn đối với đời sống xã hội như: hư hại cơ sở vật chất, máy móc; ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào những dự án lớn.
Nguyên Thống đốc Ngân đốc Ngân hàng Nhà nướcCao Sỹ Kiêm cho rằng: Để bịt những lỗ hổng trong đầu tư công, trước hết, cần gia tăng những hành động cụ thể vào đề án tái cơ cấu đầu tư công thông qua phối hợp thể chế, giám sát độc lập và cạnh tranh quốc tế đấu thầu. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu đầu tư công đòi hỏi phải có lộ trình và là sự kết hợp đồng bộ giữa tái cấu trúc cả nền kinh tế lẫn hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, chúng ta cần triển khai dự án luật Đầu tư công nhằm đảm bảo cam kết tài chính đối với mỗi cơ quan, cá nhân nhận đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải.
Ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thì cho rằng, dự án luật Đầu tư công cần nghiên cứu theo hướng chủ động giảm thiểu dần đầu tư công, tăng đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm. Trước mắt, chúng ta cần mạnh dạn cắt bỏ những dự án đầu tư kém hiệu quả và không đạt những yêu cầu về thủ tục cũng như các dự án có vốn đầu tư quá lớn, chưa thật cấp bách; siết lại thủ tục và rà soát những dự án đầu tư công kém hiệu quả để quy trách nhiệm cụ thể đến các cá nhân, tổ chức
Theo chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Lê Đăng Doanh, trách nhiệm để đầu tư dàn trải, kém hiệu quả thuộc về các cơ quan TW. Bởi, địa phương muốn làm sân bay, cảng biển nhưng TW không quyết thì cũng chịu. Nhiều dự án xin đầu tư công được phê duyệt khi chưa xem xét tỉ mỉ, cụ thể đến từng yếu tố.
Mạnh tay cắt bỏ “ung nhọt”
Theo GS Nguyễn Quang Thái - phó chủ tịch hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, đầu tư công trong 10 năm qua không gặt hái được hiệu quả như mong muốn, cho dù số kinh phí đầu tư tăng cao so với tổng GDP. Muốn loại trừ rủi ro, cần phải “mạnh tay” loại bỏ những dự án không xứng tầm, chưa cấp thiết, thiếu thực lực.
TS Vũ Tuấn Anh, viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, sân golf, khu đô thị cao cấp, trường đại học là chưa phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia. Việc làm cấp bách là phải phân loại các dự án đầu tư công, sau đó lên kế hoạch loại bỏ những dự án không khả thi, tạo điều kiện cho người dân sống yên ổn, nhất là dự án liên quan đến giải phóng đất đai. Có bỏ được các “ung nhọt”, các địa phương mới có thể thoát khỏi nợ nần, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội.
Đồng quan điểm, tiến sỹ Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích: Quá nhiều cảng biển, khu kinh tế, KCN được xây dựng nhưng đó chỉ là tổ chức công nghiệp rất li ti, tồn tại không hiệu quả, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng. Vì thế, cần quy hoạch, phân loại và loại bỏ những dự án đầu tư công không khả thi ngay từ giai đoạn xét duyệt thủ tục, thẩm định hồ sơ.
Nguyên bộ trưởng bộ Thương mại Trương Đình Tuyển phát biểu: “Khuyết điểm của quy hoạch đầu tư là từ cơ quan TW. Tôi không đồng ý với cách trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư là đổ lỗi cho việc đã phân cấp đầu tư. Nói như vậy là Bộ không có trách nhiệm. Rõ ràng, người đi xin, cứ xin còn việc cho hay không là ở trên. Không từ chối những dự án biết là không khả thi là lỗi của người làm kế hoạch”.
Những con số khủng Trong 10 năm qua, Việt Nam đã đầu tư công với 20 cảng biển quốc tế; 22 sân bay dân dụng (cóá 8 sân bay quốc tế); 267 khu công nghiệp (trung bình 1 tỉnh có 4 khu công nghiệp); 18 khu kinh tế ven biển; 28 khu kinh tế cửa khẩu; 1.757 dự án trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi và di dân với tổng mức đầu tư lên tới gần 444.000 tỷ đồng. Cả nước có tới 440 trường đại học và cao đẳng (tính trung bình, 1 tháng thành lập 2 trường đại học). Cả nước chỉ có tỉnh Gia Lai là chưa có trường đại học. |
H.Anh - L.Tuấn