Lợi ích kép từ mô hình trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc

Lợi ích kép từ mô hình trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc

Hồ Hải Nam

Hồ Hải Nam

Thứ 4, 06/11/2024 07:15

Với mô hình liên kết trồng rừng đẩy mạnh công tác phủ xanh đất trống, đồi trọc nhiều hộ dân của tỉnh Gia Lai thoát được nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Hưởng lợi từ trồng rừng

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu trồng khoảng 10.300ha rừng và cây phân tán.

Trong đó, diện tích trồng rừng do các địa phương, đơn vị chủ rừng đăng ký triển khai thực hiện khoảng 4.696ha (rừng tập trung khoảng 2.896ha, trồng cây phân tán 1.800ha); diện tích trồng rừng từ nguồn vốn kêu gọi đầu tư của các dự án trồng rừng sản xuất hơn 5.600ha.

Với mô hình liên kết trồng rừng hợp tác cùng hưởng lợi giữa các đơn vị chủ rừng, doanh nghiệp, người dân địa phương nhằm thúc đẩy quá trình phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng độ che phủ của rừng.

Bên cạnh đó, nhờ việc hợp tác trồng rừng mà cuộc sống của hàng trăm người đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo, vươn lên cuộc sống khá giả.

Lợi ích kép từ mô hình trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc- Ảnh 1.

Liên kết trồng rừng, nhiều người dân có thu nhập cao.

Ngày 6/11, trao đổi với PV, ông Từ Tấn Lộc, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Kông Chro (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) cho biết, với phương châm huy động sức dân, tận dụng lao động địa phương và quỹ đất tại chỗ, công ty cùng cơ quan chức năng tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi từ nông nghiệp sang lâm nghiệp bền vững, tạo ra những hiệu quả thiết thực.

Công tác phủ xanh đất trống đồi trọc được đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, các hộ dân liên kết trồng rừng có nguồn thu nhập cao hơn, ổn định hơn so với trồng cây nông nghiệp ngắn ngày kém hiệu quả.

Theo ông Lộc từ năm 2021-2023, đơn vị triển khai liên kết trồng rừng với 80 hộ dân là người địa phương trên diện tích khoảng 300ha (quỹ đất của công ty).

Với các hộ dân tham gia hợp tác trồng rừng được đơn vị hỗ trợ toàn bộ chi phí 9,2 triệu/ha, người dân chỉ bỏ công chăm sóc.

Với chu kỳ thu hoạch keo từ 5-7 năm, người dân sẽ tiến hành khai thác sản phẩm. Sau khi kết thúc chu kỳ khai thác, lại tiếp tục tái canh tác, nhiều hộ dân người địa phương thoát được nghèo, có cuộc sống khá giả.

Lợi ích kép từ mô hình trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc- Ảnh 2.

Mô hình liên kết trồng rừng, người dân được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật chỉ cần bỏ công chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trò chuyện với PV, ông Đinh Dôm (làng Tbưng, xã Đăk Pling, huyện Kông Chro) phấn khởi: "Trước đây, gia đình tôi quen với lối canh tác chủ yếu trồng cây ngô, sắn, nhưng đất đai cằn cỗi năng suất chỉ đủ ăn trong năm. Được sự động viên, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng từ các cán bộ, gia đình tôi mạnh dạn hợp tác trồng chăm sóc 10,9ha rừng. Sau hơn 3 năm chăm sóc, vườn cây phát triển rất tốt".

Theo ông Dôm, chu kỳ thu hoạch của cây keo lâu nhưng chỉ cần thu hoạch một lần cũng gấp mấy lần làm nông nghiệp. Kỹ thuật trồng keo cũng bình thường, chủ yếu mua giống, mua thuốc chống mối và phát cỏ mỗi năm 2 lần. Với giá bán hiện tại cây đứng (thu hoạch tại vườn) bình quân khoảng 80 triệu/ha, nếu trừ toàn bộ chi phí gia đình tôi thu nhập được 50 triệu/ha.

Lợi ích kép từ mô hình trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc- Ảnh 3.

Sau chu kỳ chăm sóc rừng trồng từ 5-7 năm, vườn cây mang lại cho người dân nguồn thu nhập lớn.

Ông Đinh Nhớt (ngụ làng Mèo xã Đăk Pling, huyện Kông Chro) cho biết, làm nông nghiệp, lúc nào cũng lo thời tiết mưa nắng thất thường khiến cây trồng mất mùa, năng suất kém. Trồng rừng thì yên tâm hơn, chi phí được hỗ trợ, chỉ bỏ công chăm sóc.

"Chu kỳ trước nhờ vườn keo bán được giá gia đình có chút dư giả. Chu kỳ này gia đình tôi hợp tác trồng 8,6ha, hiện tại đã trồng được 3 năm", ông Nhớt cho hay.

Tiếp tục triển khai trồng rừng gắn với sinh kế

Ông Đoàn Văn Hợi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) cho biết, hiện đơn vị đang liên kết với các hộ dân trồng khoảng 50ha rừng trồng. Các hộ dân hợp tác được công ty hỗ trợ 100% cây giống. Chu kỳ khai thác vườn cây từ 5-7 năm, phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ 8/2 (người dân 8 còn công ty 2).

Bình quân như mọi năm, nếu người dân thu 100 triệu/ha, người dân đóng về công ty 15 triệu, còn lại 85 triệu người dân được hưởng. Nhờ vậy, nhiều hộ người dân địa phương trước kia trồng hoa màu cuộc sống bấp bênh nay đã xây được nhà, cuộc sống ổn định.

Lợi ích kép từ mô hình trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc- Ảnh 4.

Chế độ đãi ngộ hấp dẫn, ngày càng có nhiều hộ dân liên kết trồng rừng với các đơn vị chủ rừng.

Ông Nguyễn Trường Hải, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Gai (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cho biết, hiện đơn vị đang liên kết với 107 hộ dân trồng 179,91ha rừng trồng.

Để khuyến khích người dân, đơn vị đã tuyên truyền vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi hoa màu ngắn ngày sang trồng rừng.

Các hộ hợp tác được đơn vị hỗ trợ 7triệu/ha mua cây giống. Đến chu kỳ thu hoạch người dân chỉ cần đóng lại cho đơn vị 80kg thóc /ha.

Nhờ vậy, nhiều người dân tham gia liên kết với đơn vị trồng rừng, qua đó thúc đẩy tiến độ phủ xanh đất trống, đồi trọc. Đặc biệt hơn, người dân có nguồn thu nhập cao, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trao đổi với PV, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai thông tin: "Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kêu gọi đầu tư, hỗ trợ của các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng sản xuất, trồng rừng mới gắn với sinh kế bảo vệ môi trường.

Sở sẽ chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, tiến hành phân bổ vốn để các ban quản lý rừng phòng hộ triển khai trồng rừng thay thế từ nguồn kinh phí Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương".

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.