Từ văn học, nghệ thuật, những thứ vẫn được xem là sở trường của ông, cho đến những đề tài ngỡ như đã không còn phù hợp với gã nhà văn già này nữa như tình yêu, tuổi trẻ. Ấy vậy mà cái lối nói chuyện đầy hoài niệm, dí dỏm, sâu thâm, thậm chí có phần ngoa ngoắt đó lại hấp dẫn mạnh mẽ những độc giả trẻ.
Phải đến cuộc gọi điện thứ ba, tôi mới có được một cái hẹn trò chuyện cùng ông. Vẫn cái quán quen cũ trên phố Lý Nam Đế, phố Nhà Binh theo tên gọi tiểu thuyết của ông, chúng tôi đã bắt đầu câu chuyện giữa cái lạnh tái tê của một ngày mùa đông Hà Nội, khi Tết đã cận kề, bên tách cà phê nóng.
Sự khắc nghiệt của "hình hài phản bội trái tim"
Ông luôn tự nhận mình là một người khó gần với phụ nữ. Sự cáu kỉnh, xù xì ở cái vẻ bề ngoài ấy có phải là để ngụy trang cho điều gì đó bên trong?
Phải nói thế này thì mới đúng: Tất cả cánh có râu đều "tử tế" hơn cánh nhẵn nhụi. Bởi vì trong lòng có yếu đuối, trẻ thơ nên mới phải để râu cho bớt yếu đuối đi. Còn cánh nhẵn nhụi không có râu thì bản thân họ đã đầy nghị lực và ý chí chiến đấu rồi. Những kẻ để râu đều muốn tạo một vẻ ngoài bất cần đời với đàn bà vì trong lòng luôn thổn thức, xao xuyến với đàn bà. Càng ra vẻ lãnh cảm thì càng khao khát. Đó là mặt trái chiều bên trong tâm lý đàn ông.
Nhà văn Chu Lai, trong lối nghĩ dí dỏm của ông, đàn ông để râu là để ngụy trang sự yếu đuối.
Họ mâu thuẫn bởi ở tuổi này, hình hài đang phản bội trái tim?
Theo tôi, đó chỉ là cách nói giễu thôi. Thi thoảng trong số đông, tôi nói rằng mình đang chịu sự phản bội khắc nghiệt giữa hình hài và trái tim. Trái tim vẫn đang khao khát đập những nhịp đập yêu thương, nếu cần cả yêu đương nhưng hình hài lại trót ọp ẹp rồi. Tuy nhiên, đó chỉ là câu giễu, chỉ là một cách nói làm duyên thôi. Giống như Trần Đăng Khoa vậy, miệng lúc nào cũng "leo lẻo": "Tôi có khác gì một đống rơm ụt ịt, làm gì được lúc này nữa!", nhưng thực ra là rất kiêu. Cho nên các cô gái đừng vội tin những lời ấy nhé. Tin là có ngày sa vào bẫy như con thiêu thân sa vào ánh đèn.
Nói thế thôi nhưng Chu Lai của bây giờ đã khác nhiều so với Chu Lai của những ngày trận mạc?
Đúng, khác nhiều chứ. Dù trái tim vẫn nồng ấm, nhưng nhận được lời mời của một cô gái hâm mộ vào một ngày rét mướt thế này thì ngại lắm. Nhưng rồi vì tò mò vẫn ra. Đến nơi, ngó ngược ngó xuôi không thấy đâu thì thở phào, chỉ mong cô ấy đừng đến để mình đi về, mở mạng ra xem có gì mới không. Nói vui là vậy, nhưng nếu ông bố (nhà văn, nhà viết kịch Học Phi - PV) 100 tuổi rồi vẫn có thể ngồi tiếp chuyện các cô nhà báo một cách duyên dáng như thế thì ông con chắc cũng chẳng kém cạnh gì.
Vậy ông có muốn được thọ như người bố của mình không?
Không! Khi nào tôi nhìn đàn bà như nhìn cái cột đèn hoặc đàn bà nhìn tôi như nhìn một khúc gỗ mục thì tốt nhất là tìm cách ra đi khỏi cuộc đời này. Còn bây giờ mọi thứ vẫn chưa đến nỗi thì dẫu có muốn cũng không chết được. Nhưng xin thưa rằng, phía trước của một người đàn ông 100 tuổi không còn gì nữa, không còn một thứ cảm hứng gì nữa kể cả cảm hứng sống. Ngày nào cũng chỉ muốn ra đi. Còn vì sao lại tồn tại một hiện tượng phi lý: Một ông già 100 tuổi ngày nào cũng ngồi vào bàn để viết và viết? Đó không còn là cảm hứng sáng tạo nữa mà là cảm hứng lấp đầy những sự cô đơn. Còn viết nghĩa là còn cô đơn và viết là một cách để cứu rỗi linh hồn. Bố tôi vẫn còn đó, nhưng nỗi đau của ông là phải chứng kiến những sự ra đi của các con mình.
Nhà văn Chu Lai và hoa hậu Nguyễn Thị Huyền. Ông ví sự bí ẩn của đàn bà như là bóng đêm, đàn ông không bao giờ hiểu và khám phá hết được.
Ở thời nào, tình yêu cũng là trận mạc
Ông cũng là nhà văn, ông chọn cho mình một lối duy trì cảm xúc như thế nào?
Chân lý của tôi láu lỉnh hơn. Bây giờ, điều duy nhất tôi muốn là được sống chậm lại. Bởi mình hiểu ra bản chất cuộc đời là hư vô, văn học nghệ thuật cũng hư vô. Đời người thì hữu hạn. Những năm tháng cuồn cuộn binh đao đã xong rồi, những năm tháng điên rồ vì chữ nghĩa cũng đã qua nốt. Bây giờ mình chỉ muốn được nhàn tản, được đi nhiều để nghĩ suy, ngắm nghía cuộc đời. Ở cái tuổi này, ăn thêm được ít miếng nữa và may mắn được yêu thêm vài người đàn bà nữa rồi đi vào cõi vĩnh hằng đã là phúc rồi. Mà có được chút phúc đó thì cũng đâu có dễ. Bởi lúc này đã vào độ ăn uống thì khó khăn, yêu đương thì nhọc nhằn, chán mớ! Cái tuổi nó đuổi xuân đi là thế.
Một người như nhà văn Chu Lai lẽ ra phải níu kéo tuổi xuân chứ?
Cũng không hẳn. Mình vẫn tự hào là người trân trọng và ngưỡng mộ phụ nữ. Họ vẫn luôn đẹp đến phiêu bồng, quỷ quái trong mắt Chu Lai, dù ở tuổi nào, thời nào. Chỉ khác nhau về cung bậc. Ngày xưa, sự rung cảm là tản mạn thì bây giờ sâu sắc hơn, lắng đọng hơn.
Ở tuổi này, ông nhìn phụ nữ với con mắt như thế nào?
Phụ nữ với tôi bây giờ vừa lung linh vừa xa lạ, gần gũi đó mà lại mơ hồ đó. Sự cảm nhận bên trong đôi khi lại mâu thuẫn với những biểu hiện bên ngoài. Cho nên vừa yêu, ví dụ thôi nhé, vừa phải thăm dò, vì nếu không hiểu đúng đối tượng, thấy họ mà mình cứ ầm ầm băng tới thì chỉ có ăn... bạt tai thôi. Càng ngày, độ rung cảm về phụ nữ càng rõ hơn, tức là rung cảm với cái đẹp, nhưng chính vì biết rõ hơn như thế cho nên càng phải nâng niu, thận trọng hơn.
Với một người từng đi tìm dĩ vãng như ông thì có lẽ kí ức là những gì còn lại, những gì đã nuôi sống và cũng là những gì ám ảnh nhất sau những năm tháng cống hiến tuổi trẻ cho đất nước, cho trận mạc, trong đó có tình yêu?
Ký ức là điều không thay đổi của mỗi người. Đối với tuổi già, ký ức lại càng không thể thiếu, nó là bầu bạn, tri kỷ những lúc vui buồn. Êm dịu cũng là nó mà giông bão cũng là nó. Mình bây giờ trông thế này thôi nhưng bên trong, sau những lần lang thang đâu đó, tâm hồn lại chỉ biết quay về với cõi tĩnh. Nhưng mình không ngập chìm trong đó, mà biết ơn nó đã đến trong cuộc đời mình, cuộc đời của một người lính. 17 tuổi, chưa nếm mùi đàn bà đã sặc mùi trận mạc. Mối tình đầu trong trẻo ấy, đã phải gói lại, cất đi vào một chốn xa xăm nào đó mà sau này chính mình cũng phải hụt hơi mới lần tìm được dấu vết.
Bây giờ gã cầm bút Chu Lai đã vô tình trở thành gã diễn thuyết từ lúc nào. Đi nhiều, nói nhiều, dẻo mồm dẻo mỏ, thiên hạ bảo vậy, nên hợp với các phương tiện truyền thông. Ví dụ vừa rồi, trong chương trình chào xuân, mình phải xuất hiện bên cạnh những gương mặt chói chang của nền kinh tế nước nhà. Có lẽ với những nơi cằn khô đó, họ cần mình để làm mọi thứ trở nên mềm mại, thi vị hơn chăng?
Rồi truyền hình nữa, cái mặt mình khó quên cho nên mình lên một thì khán giả cứ tưởng lên mười. Không hiểu vì sao mà ông già này lại được bắt lên ngồi cùng các hoa hậu, diva lấp lánh, dù văn chương bây giờ bèo bọt lắm, dù nhà văn chết sống vì nghề như tôi cũng ngồi viết báo vặt để lấy mấy trăm đồng nhuận bút. Thế thôi, mình sống chậm rồi. Bây giờ, để ngồi vào bàn suốt 3 năm trời, không giao du, không bạn bè, chỉ để tập trung viết một tác phẩm như Ăn mày dĩ vãng là chịu rồi.
Ông còn xem tình yêu là một thứ trận mạc nữa không?
Ở thời nào, tình yêu cũng là trận mạc, huy hoàng mà khốc liệt. Tôi tin rằng, chiến thắng và thôn tính trái tim một người đàn bà có khi khó khăn và vinh quang hơn một trận giặc. Bởi trận giặc là nơi ta còn nhìn thấy rõ kẻ thù còn trận địa kia làm sao mà thấy được. Kẻ thù chính là sự bí ẩn, đêm hôm của đàn bà. Nếu thắng được, ta cũng đã tả tơi, ê chề.
Xin cảm ơn ông!
Tôi chào Chu Lai, ông đi về dọc con phố Nhà Binh đã gắn liền với mấy chục năm đời mình. Chu Lai là thế, một con người ưa xê dịch như ông lại chưa bao giờ có ý định thay đổi nơi sống. Phải là Hà Nội, phải là phố Nhà Binh, phải là ở cái nơi mà ông cảm nhận được những sự gần gũi máu thịt, hồn cốt. Chỉ cần chạm nhẹ đã có thể nghe được những dòng ký ức đang lùa về qua kẽ ngón tay. Dẫu rằng, không phải dòng hoài niệm nào cũng ngọt ngào, êm dịu.
Đào Bích